tháng 1 2014

VLCĐ: Chùa Wat Lan Kuad nằm ở phía Đông Bắc Thái Lan, được xây dựng từ hơn 1,5 triệu chai bia tái chế, vì vậy còn được gọi với cái tên: “ngôi chùa triệu chiếc chai”. Tất cả chi tiết trong chùa từ tường, trần, các phòng đều được làm từ vỏ lon cũ. Ở Việt Nam có Chùa Ốc (Chùa Từ vân - Cam ranh)

Ngay cả các bức tranh khảm quanh ngôi chùa, lấy chủ đề Phật giáo cũng được làm từ nắp chai. Theo những nhà thiết kế ngôi chùa, ngoài việc tái sử dụng vật liệu khó tiêu thụ, thân thiện với thiên nhiên, các vỏ chai này không bị mờ nhanh, giữ được màu sắc tươi tắn lâu ngày và cũng rất dễ cọ rửa.

Các nhà sư sống tại ngôi chùa này cũng khuyến khích người dân địa phương cống hiến các chai lọ cũ vào chùa để tái sử dụng cho các công trình kiến trúc Phật giáo mới sau này

Chùa Wat Pa Maha Chedi Kaew hay còn được gọi là “Wat Lan Kuad – Chùa vỏ chai” còn được gọi là Đền triệu, là một ngôi chùa Phật giáo ở huyện Khun Han của tỉnh Sisaket - một trong những ngôi chùa độc đáo nhất của Thái Lan. Bởi lẽ ngôi chùa này được xây dựng hoàn toàn bằng những vỏ chai bia Heineken và vỏ chai Chang mà không hề sử dụng thêm bất cứ vật liệu nào khác. 

Chùa Wat Pa Maha Chedi Kaew còn được gọi là “Wat Lan Kuad – Chùa vỏ chai”. Ảnh: Vietnammoi
 
Điều độc đáo là ngôi chùa này được xây dựng hoàn toàn bằng những vỏ chai bia Heineken và vỏ chai Chang. Ảnh: adventureinthailand


Ý tưởng xây dụng ngôi chùa độc đáo này là của các nhà sư ở tỉnh Siskat, họ tin việc sử dụng loại vật liệu mới này là giải pháp hoàn hảo, vừa thân thiện với môi trường lại vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng mà lại có thể tạo nên một kiến trúc “có một không hai”.

 
Khi đến đây, bạn sẽ thấy chùa có vẻ đẹp rực rỡ, lấp lánh phản ánh sáng phát ra từ vô số vỏ chai được gắn trên các bức tường. Ảnh: flickr


Nhưng phải mất đến 25 năm những nhà sư của chùa mới huy động đủ người dân địa phương và chính quyền giúp đỡ gửi vỏ chai về chùa đến năm 1980, khi đã thu thập gần một triệu vỏ chai bia, họ bắt tay vào công việc xây dựng đầy phức tạp với kiến trúc mới lạ này. Họ đã khéo léo kết hợp giữa hai tông màu, xanh lá cây của vỏ chai bia Heineken và màu nâu của vỏ chai bia Chang một cách hài hòa để lại sắc thái hiền hòa thanh tịnh cho ngôi chùa.

 

Nhưng phải mất đến 25 năm, những nhà sư của chùa mới huy động đủ người dân địa phương và chính quyền giúp đỡ gửi vỏ chai về chùa. Ảnh: giacngo.vn
 
Và đến năm 1980 mới bắt đầu được xây dựng. Ảnh: Travel Portal


Và thành quả là họ đã xây dựng nên 20 tòa nhà phức tạp bao gồm chính điện, phòng cầu nguyện, một cái tháp, nhà hỏa táng, phòng tắm cho khách và nhiều hơn nữa… Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn tạo ra bức tranh ghép Đức Phật khổng lồ bằng vỏ bia mà độc nhất.

 
Và thành quả là họ đã xây dựng nên 20 tòa nhà phức tạp. Ảnh: Pantip 

 

Viện chủ chùa Wat Pa Maha Chedi Kaew nói rằng: “Chúng tôi càng có nhiều vỏ chai bao nhiêu, chúng tôi càng xây dựng nhiều công trình kiến trúc bấy nhiêu”.  Chính nhờ ý tưởng độc đáo cùng với ý nghĩa tôn giáo rằng những ai đến với ngôi chùa sẽ được bình an, và trút bỏ được những muộn phiền mà khi ngôi chùa được hoàn thành đã có hàng ngàn du khách tập trung về đây để chiêm bái và tham quan. Có thể nói, Wat Lan Kuad thực sự xứng đáng là một minh chứng cho sự lao động cần cù và sức sáng tạo không giới hạn của người Thái.


Có thể nói, Wat Lan Kuad là một minh chứng về sự lao động cần cù và sức sáng tạo không giới hạn của người Thái. Ảnh: Vietnammoi

Minh Nguyên (tổng hợp) -Theo Báo Thể Thao Việt Nam

VLCĐ: Ảnh Đức Phật Thích Ca Đản sinh 2014 được designer Nguyên Điền triển khai thiết kế từ lâu. Bản cũ sau khi tiếp nhận góp ý đã sửa chữa lại. Đây là bản mới, Xin cung hiến đến bạn đọc

Các chi tiết kỹ thuật đã được tu chỉnh hoàn tất và công bố cúng dường nhân ngày Khai Xuân Giáp ngọ 2014 với các thông số như sau:

Chúng tôi vô cùng hoan hỷ cúng dường và xin tán thán công đức về việc Ấn tống cúng dường. Quá trình in ấn tất nhiên sẽ phải xử dụng nhiều đến tài chính, chỉ mong Quý vị cân đối thế nào để sự xoay vòng không bị thiệt hại là được, không nên đặt vấn đề kinh doanh để công đức được chu viên thành tựu.

Cầu nguyện Mười Phương Chư Phật chứng minh. Nguyện tất cả cùng hưởng được phước báu trang nghiêm thân tướng trong đời này và những kiếp lai sinh.

Nam mô Trung Thiên Giáo Chủ, Điều Ngự Như lai, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Demo
 (Xem trước – Không xử dụng cho in ấn vì độ phân giải rất thấp. Nếu dùng in ấn thì hãy bấm vào Download phía dưới)

Download:

Chiều rộng: 3543 pixels /30cm
Chiều cao: 7087 pixels / 60cm
Độ phân giải: 300 pixels/inch

————————

Download

Chiều rộng: 3543 pixels /30cm
Chiều cao: 7087 pixels / 60cm
Độ phân giải: 300 pixels/inch

————————-

VLCĐ: Xuất phát từ sự đô hộ của giặc Tàu cả nghìn năm trước đây, văn hóa thờ Thần của họ đã tiêm nhiễm vào đời sống Tâm linh của cộng đồng dân Việt, rồi thì sự canh tân, độ chế cho bớt sự lai căng và lưu truyền trong dân gian đến nay được coi như một tục lệ. Nhiều thứ gần như là mê tín, hủ tục cũng cần nên gỡ bỏ khỏi đời sống tâm linh vì nó chẳng mang lợi ích gì cho tiến trình luân hồi sinh tử của một kiếp người, Chỉ có lời dạy từ Kim khẩu của Đức Phật là thù thắng, lợi ích. Vì vậy bài này chỉ mang tính tham khảo. 

Theo quan điểm Phật giáo, thì Giáo lý của nhà Phật hầu hết đều hướng dẫn cho chúng ta phương cách tự chủ về mặt Tâm linh để vượt qua Tam giới mà hướng đến giải thoát. Khi chưa làm chủ được Tâm linh, chỉ là một đệ tử Phật môn đúng nghĩa thì chúng ta đã bắt đàu đi vào con đường của Tứ Thánh quả:


1 Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti) 2 Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmì) 3 Tam quả A-na-hàm (anàgàmì) 4 Tứ quả A-la-hán (Arahanta)

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có ý cổ xúy việc Quy y Trời Thần Quỷ Vật vì nó sai với giới pháp Tam Quy. Nhưng đây là một phong tục tập quán có từ lâu đời của dân Việt, Hiểu rõ chánh pháp và tương ưng với tục lệ, chúng ta sẽ không bị rơi vào trạng thái dựa dẫm, hối lộ thần linh, bởi tâm linh là cái chuyện Tâm đối Tâm, Tâm ta đới với Tâm Thần khi mà có một số vị Thần (?) chưa hẳn đã  đứng vào hàng Tu-đà-hoàn (Sotàpatti) (Còn gọi là Nhập lưu, nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng Thánh. Đây là Thánh vị đầu tiên sau khi đệ tử Phật phá được ba kiết sử là Thân kiến, Giới cấm thủ, và nghi.)

Vì vậy nếu cân so địa vị có lẽ nào người dưới lại thờ lạy người trên.


Nhưng ở đây, chúng ta vẫn làm việc đó, "coi việc đó như một tục lệ" một hình thức Văn hóa tâm linh mà lược bỏ những điều rườm rà nặng phần mê tín, bởi vì căn nguyên của nó xuất phát từ một là câu chuyện đâu đâu bên Tàu.


Theo Ông Trường Thịnh, nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia người cho biết:  Ngày Âm Lịch là nhày tính theo mặt trăng, ngày Dương Lịch tính theo hệ mặt trời.

Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng là 3 hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái Đất quay quanh mặt trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, 1 vòng khép kín là hơn 365 ngày, là 1 năm. Lấy đó làm Lịch Dương – Lịch theo Mặt Trời. Ba hành tinh Mặt Trời – Mặt Trăng – Trái Đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ  giờ Tý đến giờ hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được: Quỹ đạo và chu kỳ của Mặt Trăng và Quả đất mà dự đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.


Lịch âm tính theo sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại… từ cổ xưa đến nay, không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của “Quỹ đạo vô hình” này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi khi nào, ở đâu thì “thấy nó”… Đến ngày mồng Một, hôm rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân”, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo “chầu Trời”… đến ngày giỗ của người chết… Tháng sau – tháng trước, năm trước – năm sau… đến ngày đó thì Trái Đất – Mặt Trăng  lặp lại.


Hàng ngàn đời nay, người phương Đông quy định ra thủ tục cúng lễ, giỗ, Tết vào các ngày đó từ giờ Tý đến giờ Hợi. Việc cúng trước – cúng sai ngày – chính là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn giá trị nữa.


Chẳng hạn, theo quy luật ngày Rằm tháng Bảy là ngày “xá tội vong nhân” cõi âm mở ngục cho các vong đi kiếm ăn.  Cửa ngục được mở từ giờ Tý đến giờ Hợi cho các vong ra về ăn và nhận. Hết ngày Rằm các linh hồn lại phải quay lại ngục. Vậy cúng trước sao nhận được.


Tương tự, ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày “mở cổng trời” tức là thời điểm 3 hành tinh: Mặt Trời – Mặt Trăng – Trái Đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vậy câu hỏi đặt ra là chệch ngày đó thì cổng Trời có mở không. Ông Công, ông Táo nhà nào lên chệch ngày, thì cổng trời đóng, chưa mở. Vậy có vào được không? Không vào được thì sao tâu được với Ngọc Hoàng…? Điều này cũng tương tự như ở dương thế, giống như UBND phường chỉ cấp chứng nhận vào thứ 2, mà chủ nhật đã đến phường thì có được việc hay không?… Vì vậy, theo ông Thịnh, nên cúng đúng ngày tại nhà mình là tốt nhất.

Vì thế. cúng  Ông Táo được thực hiện vào đúng ngày 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch).


TÁO QUÂN LÀ AI:

Chế biến từ Đạo Lão giáo của người Tàu, nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ rồi Ông bà ta mới Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc và lâu ngày rồi thì biến tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.


Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.

Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.


Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.


Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.


Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.


Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.


Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.


Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.


Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.


LỄ VẬT GỒM CÓ:

Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.


VĂN KHẤN:

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Tín chủ chúng con là: ………… Ngụ tại: …………………………. Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật. Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám. Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái. Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám. - Phục duy cẩn cáo!


GÂY XÁO TRỘN ÂM DƯƠNG KHÔNG TỐT

Thạc Sĩ Vũ Đức Huynh, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, tác giả cuốn sách “Ngày lành tháng tốt” nhấn mạnh, tâm linh có trước khoa học, tâm linh là cơ sở của tín ngưỡng và nhờ tâm linh tín ngưỡng ra đời và phát triển. Tục thờ cúng phát triển từ sự nghiên cứu, đúc kết trong thực tiễn… nên dù chưa được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học hiện đại, nhưng có cơ sở của khoa học, triết học phương Đông, không nên phủ nhận.


Do đó, không phải ngày nào tổ chức cúng lễ cầu ông bà, tổ tiên và thần linh cũng được toại nguyện. Thậm chí, ngày tổ chức tế lễ, cúng bái không phù hợp còn gây họa cho bản thân gia đình. Nghĩa là không phải bất cứ ngày nào cầu cúng lễ bái cũng được, cũng phù hợp nên phải chọn ngày và cúng đúng ngày. Bởi các ngày như rằm, mồng 1… là ngày thân xác được về cửa quan, thiên quan hay về hạ giới… nên nếu cầu cúng thì mới “tiếp nhận được”, cầu cúng sai gây xáo trộn âm dương, không có lợi.


Thạc Sĩ Vũ Đức Huynh cho biết, người và long hồn, vong linh, siêu linh luôn có mối quan hệ giao thức sóng, do đó có cùng nguồn gốc tần số xung động nào đó của các hạt điện sinh học thì bắt được và dân gian có quan niệm “ông bà tổ tiên phù hộ cho là thế”. Tuy nhiên, những vong yếu thì dù muốn tạo xung đến người thân thì cũng không được. Đó là cảnh “lực bất tòng tâm”. Do đó, cúng lễ là cung cấp nguồn năng lượng mạnh làm vong hồn có năng lực phát huy tương tác cộng hưởng. Nhưng việc cúng lễ không phải là “mâm cao cỗ đầy” mà là sự thành tâm, đặc biệt, nguồn năng lượng mà vong hồn tiếp thu nhiều nhất chính là các loại thực vật, cây cỏ hoa lá…


Tương tự GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, tác giả bộ sách “Khoa học về vấn đề tâm linh” cho biết, con người sau khi chết sống ở thế giới khác cao hơn, tốt đẹp hơn và vẫn làm các công việc của mình. Vì vậy, họ cũng có thời gian biểu cụ thể cho từng công việc, ta chớ nên làm xáo trộn công việc của họ. Vì như vậy có thể làm “họ” bực mình không có lợi.


Việc thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và thế giới tâm linh, là tấm lòng và nghĩa vụ của người sống, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy nhiên, tín ngưỡng chân chính không coi sùng bái thượng đế, thần linh… là mục tiêu số một, ngược lại nhấn mạnh rằng điều quan trọng là mỗi tín đồ phải quan tâm phát triển cái gì ở trong chính họ để làm cho mình trở lên tốt đẹp hơn trước, gần hơn với lý tưởng hoàn thiện. Những gì còn lại phải là thứ yếu. Những ai biết rút ra những yếu tố cần thiết từ bên trong chính mình thì người ấy tất được hưởng hạnh phúc.


VLCĐ: Vãng cảnh Chùa Vàng Shwedagon ở Yangoon - Myanmar vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn đều bị choáng ngợp bởi sắc vàng lung linh. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau, sắc vàng ấy sẽ thiên biến theo một cung bậc khác nhau.

Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.


Người dân Myanmar sùng đạo Phật. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy- tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông. Nghĩa là các sư sẽ không ở chùa mà ở thiền viện. Buổi sáng họ đi khất thực, và chỉ ăn từ khi mặt trời mọc đến 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không ăn gì.


Bọc 60 tấn vàng và trang trí bằng hàng nghìn viên kim cương, hồng ngọc, chùa Shwedagon được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật khổng lồ của nhân loại. Nằm trên đồi Singuttara, chùa Shwedagon hay Chùa Vàng ở Yangoon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất của đất nước Myanmar


Chùa Vàng - nơi cất giữ bốn bảo vật thiêng liêng của nhà Phật gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Ngôi chùa có niên đại trên 2.600 tuổi này tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara với bốn lối đi dẫn vào ở cả bốn hướng. Trong đó bao gồm 1.000 ngôi chùa lớn nhỏ với tâm điểm là tòa tháp khổng lồ cao 99m được dát vàng. Đặc biệt, đỉnh tháp có hình vương miện được tô điểm bởi 5.448 viên kim cương và hàng nghìn loại đá quý. Ước tính tổng số vàng được dát tại chùa Vàng lên tới 60 tấn.


Đến với chùa Vàng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn đều bị choáng ngợp bởi sắc vàng. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau, sắc vàng ấy sẽ thiên biến theo một cung bậc khác nhau. Buổi sáng, là sắc vàng uy nghi, rực rỡ khi ánh nắng mặt trời phản chiếu lấp lánh trên những bức tường được dát vàng. Buổi chiều tà là sắc vàng nhuốm màu thời gian. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, ta cảm nhận rõ rệt sự chuyển biến của đất trời. Khi ánh sáng cuối cùng của ngày như hội tụ hết trên ngọn tháp vàng cao nhất, ta bắt đầu nhìn thấy màu sắc khác nhau của những viên kim cương trên đỉnh tháp. Có 7 viên gạch được đánh dấu trên sân, khi đứng ở mỗi vị trí đó, sẽ thấy một màu sắc khác nhau. Còn khi màn đêm buông xuống, đó là thứ ánh sáng lung linh nổi bật trên nền đen huyền bí, tạo nên một không gian đầy mê hoặc.


Một điều khá thú vị ở chùa Vàng đó là mỗi người sinh vào ngày khác nhau trong tuần sẽ tìm đến những góc cầu nguyện khác nhau. Chẳng hạn như bạn sinh vào thứ hai, bạn sẽ tìm đến biển treo Monday Corner... Tại đây, bạn sẽ làm lễ dâng hoa, tắm cho tượng Phật, cầu chúc những điều bình an cho gia đình và bản thân. Số cốc nước được tắm cho tượng Phật sẽ bằng số tuổi của bạn. Sau khi làm lễ xong, bạn có thể tìm cho mình một góc nhỏ tại sảnh lớn làm điểm dừng chân. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp những người đàn ông khoan thai, thư thái hay những phụ nữ trang điểm lên má thứ bột giã từ vỏ cây Thanakha đang chắp tay thành tâm khấn vái. Bạn cũng được chứng kiến từng đoàn người hành hương đến chùa Vàng cứ nối tiếp nhau. Thế mới biết, đức tin của người Myanmar mãnh liệt đến thế nào.


Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp chinthe (sư tử thần) hết sức bề thế canh gác.


Chùa Shwedagon bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 99m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Quanh bảo tháp còn có 64 ngôi tháp nhỏ.

Tòa bảo tháp này được bao bọc bằng 60 tấn vàng lá. Đó là những tấm vàng cực mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để dát vào tháp. Việc dát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.


Phần đỉnh tháp được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g).


Nội thất và các bức tượng bên trong chùa cũng được dát vàng lộng lẫy.


Các chi tiết kiến trúc của chùa được chế tác rất tinh xảo.


Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng công trình được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.


Ban đầu, tòa tháp chính của chùa chỉ cao khoảng hơn 20m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ 18 đã đạt chiều cao 99m như hiện tại.


Trong quá trình tồn tại, chùa Shwedagon đã phải trải qua nhiều thời khắc lịch sử đen tối. Năm 1608, một toán quân Bồ Đào Nha đã cướp phá chùa. Tháng 5/1824, quân Anh xâm lược Myanma đã chiếm đóng và biến ngôi chùa thành một pháo đài, tới hai năm sau mới rút đi.


Trong chiến tranh Anh-Miến thứ hai, quân Anh lại chiếm đóng chùa và lần chiếm đóng này kéo dài tới 77 năm, đến tận năm 1929. Trong khoảng thời gian này, người dân vẫn được vào lễ chùa.


Những trận động đất cũng nhiều lần gây thiệt hại lớn cho chùa. Hai trận động đất vào năm 1768 và 1970 đã khiến đỉnh tháp bị rơi, khiến chính quyền phải tiến hành sửa chữa.


Từ lâu chùa Shwedagon trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanma. Theo quy định, khi vào chùa phải cởi giày dép. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ.


Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đó là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.


Ngày nay, chùa Shwedagon đã trở thành địa điểm du khách quốc tế không thể bỏ qua mỗi khi đến thành phố Yangoon của Myanmar.

-----------------------------------------------

MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHÁC:


VLCĐ: "Đến bây giờ về lại căn nhà mà đã hơn sáu mươi năm Mẹ tần tảo đơn chiếc nhưng chưa có giây phút nào con hiểu Mẹ hơn lúc này.Vì con muốn rằng Mẹ chỉ cần có mặt, ngồi lặng im bên góc nhà ấy thôi là con đã hạnh phúc ấm áp biết mấy. Dẫu có bước đi trên cuộc đời đi nữa thì con vẫn yên tâm và mỉm cười tự sống.

Trăng về đất mẹ - Thích Pháp Bảo
Thế là một năm, Mẹ xa khuất bên kia núi. Để lại bao lắng đọng cho cuộc sống những người còn ở lại. Ngày đó Mẹ đi, con tưởng chừng Mẹ sẽ về. Đâu có biết là Mẹ đã đi thật rồi.


Có một buổi sáng tỉnh dậy, con chợt nhớ mình đã mất Mẹ, mà dường như một năm qua con đâu có cho rằng mình mất Mẹ mà chỉ nghĩ là Mẹ thong dong đi về một chân trời mới để thăm lại ngôi nhà xưa. Nơi đó Mẹ cũng đã từng đến và bước đi.

Nếu con biết Mẹ có một ngày ra đi sớm như vậy thì con sẽ tận dụng mọi thời gian có thể để được gần Mẹ lâu hơn và nói ra những gì con đang để dành bên trong để sẻ chia với Mẹ bao nhiêu điều trăn trở trong đời sống.


Trước đó con vẫn ấp ủ những ước mơ những ngày về bên Mẹ hay còn nhiều điều bất ngờ thú vị dành cho Mẹ. Một tháng dần hai tháng trôi đi, con lại đánh mất giá trị đích thực ấy, có lẽ vô tri. Mẹ đâu có đợi chờ con đâu mà Mẹ chỉ âm thấm nếm trải những đêm trường cô liêu. Lúc đó con phải đòi hỏi Mẹ mình phải thế này…thế này…với những trào lưu làm một người Mẹ phải xa hoa, nghiêm túc, quan hệ nhiều v.v…

Con còn có thái độ ích kỷ và ràng buộc Mẹ nhiều thứ như hai mươi tuổi là phải…ba mươi tuổi thì là…đến năm mươi tuổi rồi phải…bao nhiêu câu hỏi đáp được hiện lên trong tâm trí của một người con.


Lúc đó con thực sự chưa đặt mình vào trường hợp của Mẹ, thời gian của Mẹ, cuộc sống hằng ngày của Mẹ thế nào. Những dịp đoàn tụ với Mẹ, con luôn nghĩ mình đã có cơ may lớn, để dành những giây phút thảnh thơi nhất, ngồi chơi với Mẹ, dùng cơm với Mẹ hay muốn đưa Mẹ cùng đi ngắm cảnh, chiêm bái …mua tặng Mẹ những món quà thật giản đơn.

Đó là niềm vui mà con muốn hiến tặng và làm cho con với Mẹ có điều kiện chăm sóc, nuôi lớn nhau trong tinh thần hiếu đạo.


Hôm nay ánh trăng lại một lần nữa về trên quê hương này và bao quê hương khác. Nhưng bóng dáng Mẹ vẫn ở đâu đây trong nguồn nguyện ước vô tận của con. Con muốn cất lên lời xin lỗi, Mẹ hãy thứ tha cho những ngày tháng con xa Mẹ mà vẫn để cho Mẹ hằng mong mỏi và làm cho Mẹ thêm tiều tụy vì con.

Con cũng muốn ở nơi Mẹ nhiều cái thật vô lý, muốn Mẹ có đời sống như bao người phụ nữ khác. Mẹ chỉ biết âm thầm, lặng lẽ dấu đi dòng lệ bởi những sự vô tình, hờ hửng của con. Ngày xưa con ước gì Mẹ sẽ không còn bệnh, không còn phạt chúng con mỗi khi khó khăn đến với gia đình. Đến bây giờ về lại căn nhà mà đã hơn sáu mươi năm Mẹ tần tảo đơn chiếc nhưng chưa có giây phút nào con hiểu Mẹ hơn lúc này.Vì con muốn rằng Mẹ chỉ cần có mặt, ngồi lặng im bên góc nhà ấy thôi là con đã hạnh phúc ấm áp biết mấy. Dẫu có bước đi trên cuộc đời đi nữa thì con vẫn yên tâm và mỉm cười tự sống.


Chiều kia con đã ra trang mộ của Mẹ mà hai hàng nước mắt đầm đìa chảy dài không ngớt, bỗng thấy mình xót xa và vỡ òa những hối hận muộn màng. Nhưng rồi nhìn xa hơn cũng tận mắt thấy bao nghĩa trang, ngôi mộ, lăng miếu của họ tộc, vua quan, người quyền quý, giàu sang, kẻ nghèo nàn, thế sống bao lâu mới đủ tâm ước nguyện của họ, con họ, cháu họ.


Tuy Mẹ sống sáu mươi năm thôi nhưng những gì vẫn còn đó, hình hài, tâm khảm, gia tài, vẫn còn có con cháu tiếp nối, nhận lấy tình thương, tâm bao dung che chở của Mẹ. Người thì hai mươi năm, người thì ba mươi năm, có người thì đến bốn mươi năm v.v…mà Mẹ đã trao tặng suốt cả cuộc đời những gì Mẹ có.

Con cảm thấy rất tự hào về Mẹ, bởi Mẹ như ánh trăng trong đêm tối, ngọn lửa khi Đông về, ngọn gió mùa Thu khi Hạ sang và đóa hoa mai khi mùa Xuân bước đến. Có thể nói, không có giây phút nào mà Mẹ được nghỉ ngơi và an nhàn vì sự sống, tương lai của các con. Cho dù hôm nay, ngày mai, dẫu tóc con đã bạc, áo vải úa màu nhưng tình thương yêu, hạnh chấp nhận, hy sinh của Mẹ là thứ gia sản, bài học uyên thâm cao cả nhất.


Mùa trăng đầu tiên đánh dấu Mẹ xa con, mái nhà xa Mẹ, con đường thiếu vắng chiếc xe đạp, tà áo dài lam hiền hậu của tháng ngày Mẹ sinh ra, nay đến lúc Mẹ cũng phải rời quê hương, đi tới một một quê hương mầu nhiệm. Con ở lại, xem như bắt đầu làm lại cuộc đời ba mươi năm. Không khỏi bận tâm, nghẹn ngào vì từ đây “Trên mỗi con đường, còn Ai đứng lặng trong sương khẽ buồn”.

Con xin chúc Mẹ bình yên bên phương trời non ẩn, mọi bụi hồng thế gian lắm sự cam go, Mẹ hãy ngủ yên bên dòng suối Tào khê mát rượi ngàn năm. Con vẫn hằng mong Mẹ sẽ tự do, thảnh thơi, mang chất liệu Phật nguyện, Bồ-tát hạnh, Thanh văn duyên giác để tiếp tục có đời sống hoa thơm cỏ lạ.

------------------------

Phương Xa Nhìn Mẹ !


Đã xuất bản vào 30-06-2013 Ca khúc thơ Thầy Pháp Bảo được phổ nhạc nằm trong Cd Tâm ảnh mẹ hiền. Nhạc sĩ Nguyễn Cửu Dũng thể hiện cho nhạc phẩm này
 

Chiều hôm nay hay là còn chiều đông khác lạ

Mai con về buồn tủi lẽ loi

Những âm thầm dấu quên dòng nước mắt

Mẹ đợi con về bên túp liều nương khoai

….

Ngày Mẹ vắng con hề đâu có biết

Tuổi tóc bạc mà con hằng gợi nhớ

Vào buổi chiều bên hiên thềm sưởi nắng

Nghe sóng biển dạt mãi vào lòng con

….

Mùa đông về từng nụ mai bén nở

Như lòng Mẹ tràn ngập lời Pháp nhũ

Ru đời con khôn lớn mỗi đêm ngày

Con chắp tay xin nhặt cánh lá cô đơn.

Mai con đi có ai nhìn theo gót

Mẹ đi rồi con lặn lội phương xa

Thích Pháp Bảo

Tôi đã trút linh hồn bên hố thẳm - Của bến bờ mộng tưởng với trăm năm - Nghe gió hú qua sườn đồi thăm thẳm - Giọt sương nào còn động chút mù tăm - Hương ngày củ đã u buồn tóc rối -Vết loang dần hối hả rượt theo nhau,

Thơ ca Phật giáo: Phù Hư Bến MộngPhù Hư Bến Mộng
Tác giả : Minh Chánh

Tôi đã trút linh hồn bên hố thẳm
Của bến bờ mộng tưởng với trăm năm
Nghe gió hú qua sườn đồi thăm thẳm
Giọt sương nào còn động chút mù tăm
Hương ngày củ đã u buồn tóc rối
Vết loang dần hối hả rượt theo nhau,
Con chim quý, vẫn một đời dong ruổi
Tìm lồng son đắp đuổi sống qua ngày
Thế cứ rồi xuân, hạ với thu, đông
Nghe cay đắng chạnh lòng đau dịu vợi
Cố níu kéo một chút gì để nhớ
Nhưng thực lòng, tình thế đã hoàn không
Điêu linh đó cứ về trên vực thẳm
Sáng mai nay thoang thoảng giọt mây ngàn.


Vạn Hạnh ngày 19/6/2012


VLCĐ: Xin lặng lẽ dập đầu chân đức Phật - Nén nghẹn ngào dâng một chút tâm hương - Tạ ơn Phật đã mang về Chân lý- Đưa nhân sinh qua bóng tối đêm trường.
Vô Lượng Ân Tình
Thích Tánh Tuệ


Tạ ơn Mẹ cho còn dòng sữa ngọt
Tình bao la như lượng của đất trời..
Dạy con sống cho đi hơn là nhận
Biết thương người còn bất hạnh, đơn côi.
Tạ ơn Cha đã cho con cuộc sống
Lúc vỗ về, khi giáo huấn nghiêm minh
Tình Cha đó, tựa sơn hà cao rộng
Con trưởng thành trong đức độ, hy sinh.



Tạ ơn Anh,'' đời trai vì sông núi ''
Quên gian lao cho Tổ quốc thanh bình
Quê hương đẹp lúa hai mùa phơi phới
Và làng thôn yên giấc, sống an ninh.

Tạ ơn Em đã sớm chiều bên Mẹ
Lo cho Cha chân yếu buổi hao gầy
Vừa may vá, chăm một bầy thơ trẻ
Chuyện trong ngoài quán xuyến một bàn tay.

Tạ ơn Trời đã cho bầu dưỡng khí
Cho muôn sinh hơi thở sống trong lành.
Cho mưa nắng mùa màng thêm đẹp ý,
Bừng trăng sao đêm vũ trụ long lanh.

Tạ ơn Đất cho muôn loài cư ngụ
Cho rừng xanh, sông suối, lá hoa ngàn..
Như Tình Mẹ ấp ôm từng trái, nụ
Có bao giờ mong đáp trả, hỏi han.

Tạ ơn Nước cho làn da sán lạn
Giọt Cam lồ mầu nhiệm đức Quan Âm
Giả dụ nước bỗng một ngày khô cạn
Sự sống lìa, ai tính chuyện trăm năm ?

Tạ ơn Hoa đã vì đời tươi nở,
Ơn con đường rạng rỡ ánh dương soi,
Tạ ơn chim hót bên hè phố chợ
Giữa bôn ba cơm áo.. chợt môi cười.

Ôi vô lượng, ôi ơn đời vô lượng!
Mà một lần sao nói hết '' Tạ ơn!''
Bao hạnh phúc.. chỉ cần ta nhận diện
Hạt bụi này ơn vũ trụ, giang sơn..

- Xin lặng lẽ dập đầu chân đức Phật
Nén nghẹn ngào dâng một chút tâm hương
Tạ ơn Phật đã mang về Chân lý
Đưa nhân sinh qua bóng tối đêm trường.
Tạ ơn Đạo, Tạ ơn Đời, tất cả..
Ơn vạn loài chan chứa một Tình thương.

Mùa lễ Tạ Ơn - Thanks Giving 2013
-------------------------
Cứ ngỡ
Thích Tánh Tuệ

Cứ ngỡ nhà tu không biết yêu?
Sống không tình cảm, sống cô liêu
Tháng ngày chỉ biết câu kinh kệ
Chôn đời trong nếp sống quạnh hiu.
Vỡ lẽ... nhà tu cũng biết yêu!
Mà không yêu một, lại yêu nhiều.
Sang, hèn, đẹp, xấu.. đều yêu cả
Tim này không biết rộng bao nhiêu!



Cứ tưởng nhà tu chẳng biết buồn
Ai dè có lúc... lệ thầm tuôn,
Thương đời thống khổ hoài mê đắm
Chẳng biết phương nao hướng cội nguồn...

Đã thế, còn không thương mến nhau!
Lại gây chồng chất những cơn đau.
'' Đường đời chật chội hoài chen lấn ''
Cửa đạo thênh thang.. mãi lắc đầu!
Cứ tưởng nhà tu chẳng biết cười
Ngờ đâu.. ''hàm tiếu'' rạng trên môi .
Du hành bất chợt dừng chân lại
Vui thấy người kia giúp đỡ người...

Cứ ngỡ nhà tu chẳng có Tình
Ai ngờ... tình rộng tới muôn sinh.
Cỏ, cây, sông, núi.. đều ôm trọn
Mà vắng bên lòng những sắc, thinh...
Vẫn yêu như gió qua màn lưới
Chẳng vướng vào đâu, trút cạn tình
Nắm tay bằng hữu cùng đi tới
Lồng lộng niềm thương trong tiếng Kinh.

Cứ nghĩ nhà tu sống lạ lùng
Đâu dè... tâm đẹp, ý bao dung.
Sông Hằng bao nước tình bao lượng
Có sống gần ai mới tận cùng.





VLCĐ: Nói về thế đất của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các nhà phong thủy gọi đó là cuộc đất "Tứ thủy triều quy, Tứ thú tụ" (nghĩa là bốn phía đều có nước bao bọc ôm lấy thành phố và có bốn ngọn núi nhỏ, tượng hình bốn con thú tụ lại để gìn giữ khí đất, giúp điều hòa âm dương và sự vượng phát của thành phố Nha Trang).

Trên ngọn đồi Sinh Trung, một trong bốn ngọn núi Tứ linh giữa lòng thành phố biển Nha Trang, chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa tọa lạc tại số 132 đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa


Bốn ngọn núi gồm có: Hòn Trại Thủy nằm ở địa đầu phía Tây thành phố Nha Trang có hình thù của một con Dơi, nằm xòe đôi cánh, người xưa gọi là "Ngọc Bức Hàm Hoàn" ( Dơi ngọc ngậm vòng ngọc ) - Hòn Hoa Sơn còn gọi là Núi Một,  nó trông giống con Rùa vì phần núi nhỏ hướng ra biển Đông như "đầu Rùa", trên có ngọn cổ Tháp nhỏ của Tổ Phật Ấn nên gọi là "Kim Qui đới Tháp", (Rùa Vàng đội tháp).-Núi Cảnh Long ở Chụt, núi chạy dài theo bờ biển, giống như một con Rồng xanh. "Thanh Long hý thủy", (Rồng xanh giỡn nước).- Hòn Sinh Trung : còn gọi là Bạch Tượng "Bạch Tượng quyện hồ" (Voi trắng cuốn hồ nước).


Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa ngày xưa nguyên là miếu Thờ các vị Công Thần nhà Nguyễn, có tên là miếu Tinh Trung. Miếu Tinh Trung là theo tấm gương trung nghĩa của Quan Vân Trường – thời Tam quốc: “Tinh trung xung nhật nguyêt. Nghĩa khí quán càn khôn” (Tinh trung nhật nguyêt rạng soi.Ngất trời nghĩa khí trong ngoài tiếng vang), sau đổi là Sinh Trung (theo địa danh đồi Sinh Trung). Miếu  được xây dựng năm 1802 dưới triều Gia Long. Năm 1852,  thời triều Nguyễn, Miếu được trùng tu và đổi tên là Trung Nghĩa miếu.


Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, phường Vạn Thạnh, tp.Nha Trang, Khánh Hòa


Khoảng năm 1948 - 1950 Đức Bà Đoan Huy Hoàng Thái hậu – (tức Bà Từ Cung) nhũ danh là Hoàng Thị Cúc, Pháp danh Trừng Thành – tự Diệu Hòa, thân mẫu của vua Bảo Đại và cũng là Hoàng thái hậu cuối cùng của Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong một dịp Bà về thăm đất Khánh Hòa, đến Nha Trang lên viếng miếu Trung Nghĩa thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình, thâm nghiêm, u tịch thích hợp cho một ngôi chùa nên Đức Bà đã vận động Ban Khánh tiết và các cụ hào lão làng Vạn Thạnh  hiến cúng cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa làm nơi thờ Phật.

Sau khi Ban Khánh tiết và các cụ Hào lão đồng ý hiến cúng Miếu Trung Nghĩa cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Giáo hội đã đặc cử một Ban Đại Diện và lấy tên là Khuôn hội Phật giáo thôn III, Kỳ Viên.

Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (Đúc Bà Từ Cung)


Khi công việc tu chỉnh miếu thờ các vị Công Thần Triều Nguyễn thành chùa thờ Phật hoàn tất, Giáo hội Phật giáo Tỉnh Khánh Hòa và Phật tử Khuôn hội Kỳ Viên đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hội Trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa Trụ trì. Ở cương vị trụ trì, Hòa thượng đặt lại tên: Linh Sơn Kỳ Viên Khuôn hội. Ngài chính là Tổ Khai sơn chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa (Nha Trang).


HT.Thích Thiện Minh, Tổ Khai sơn chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa

Vì nhiều công việc phật sự của Giáo hội nên Hòa thượng Thích Thiện Minh đã cử Hòa thượng Thích Từ Mãn trụ trì. Sau một thời gian Hòa thượng Thích Từ Mãn nhận nhiệm vụ Phật sự tại Đà Lạt, Hòa thượng Thích Từ Mãn đã giao lại cho Hòa thượng Thích Chí Tín trụ trì (1951-1957). Kế tiếp Hòa Thượng Thích Chí Tín là Hòa thượng Thích Viên Mãn trụ trì (1958-1976).


Đất nước thống nhất, năm 1977 Thượng tọa Thích Trí Viên nhận Trụ trì chùa Kỳ Viên do Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang đề cử, Ban Đại Diện Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa bổ nhiệm. Sau khi nhận nhiệm vụ trụ trì Giáo hội giao, năm 1986 Thượng tọa Thích Trí Viên bắt đầu tu sửa những công trình phụ. Đến năm 1990, Thượng Tọa trụ trì họp Ban Hộ Tự, Ban Nghi Lễ và Phật tử phát tâm Đại trùng tu ngôi Chánh điện, Hậu Tổ và những công trinh phụ khác…


Nhờ Tam Bảo gia hộ, chư Tôn đức Tăng Ni trợ niệm, nam nữ phật tử phát tâm cúng dường, sau hơn 10 tháng xây dựng ngôi Chánh điện, Hậu Tổ... đã hoàn tất.

Đến ngày 19 tháng 2 năm 1992, Đại lễ Khánh thành được tổ chức và chùa được đổi tên là KỲ VIÊN TRUNG NGHĨA TỰ.


Bên trong cổng tam quan chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, Nha Trang

Kể từ khi Kỳ Viên Trung Nghĩa phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ, chùa là địa điểm  dừng chân của chư tăng Phật tử vào những ngày lễ lớn. Năm 1993, Giới tử của Đại Giới Đàn Trí Thủ, Long Sơn quy tụ nơi đây.


Năm 1995, Thượng tọa trụ trì và Ban Hộ tự đã xây dựng Tổ đường thờ Tổ Khai sơn Hòa thượng Thích Thiện Minh, và giảng đường để có nơi Tăng chúng học và Phật tử sinh hoạt.

Năm 1996, tu sửa lại tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên.

Năm 1997, xây dựng tượng Đức Di Lặc lộ thiên và bậc cấp. Năm 2000, tu sửa cổng Tam quan. Năm 2002, tu sửa gác Đại Hồng Chung.

Năm 2004, xây dựng tượng Đức Văn Thù Bồ Tát lộ thiên. Từ ấy đến nay, mỗi năm đều có xây dựng kiến tạo thêm Lộc Uyển, phương trượng Trụ trì, nhà khách, tượng đài Địa Tạng, Tháp ô linh cốt… Và đặc biệt đã lắp cầu thang máy để chư Tôn đức Tăng Ni cao niên và phật tử lớn tuổi lên chùa thuận tiện. Kỳ Viên Trung Nghĩa là ngôi chùa đẹp, hiện là trụ sở của Ban Hoằng Pháp GHPGVN  tỉnh Khánh Hòa, là nơi tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên và các khóa thi Phật pháp cho cư sĩ phật tử.


Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa ngày nay không chỉ là nơi Tăng chúng tu học, nơi sinh hoạt và tu tập của đạo tràng Pháp Hoa, một trong những đạo tràng được Hòa thượng Tôn sư Thích Trí Quảng hoằng pháp khắp mọi miền đất nước, nơi phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của thành phố biển Nha Trang, quê hương xứ Trầm, biển Yến.


Phật Di Lăc lộ thiên trước sân chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa

Quán Thế Âm Bồ tát lộ thiên


Địa Tạng Vương Bồ Tát


Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.