1. Đặt vấn đề
Đạo Phật du nhập vào nước ta khá rất sớm, từ thời vua Hùng Vương thứ 3. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận và Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam và các giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Phật giáo du nhập vào nước ta qua hai con đường Hồ Tiêu theo đường biển và Đồng Cỏ theo đường bộ.
Thời Khương Tăng Hội, (thế kỷ II STL), Phật giáo đã phát triển mạnh đến các làng xã. Văn hóa Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của nhiều dân tộc trên đất nước ta. Nhiều ngôi chùa đã trở thành di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào việc hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tây Nguyên là vùng đất có vai trò và vị trí kinh tế, xã hội, chính trị hết sức quan trọng, có những nét đặc thù về địa lý, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, con người. Theo Henri Maitre viết trong tác phẩm Les Jungles Moi (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Hà Nội), NXB Tri thức, 2008), thì thời kỳ từ thế kỷ XVIII – XIX Tây Nguyên đã xảy ra nhiều biến động chính trị lớn làm đảo lộn nhiều quốc gia, những cuộc chiến tranh lớn đã nổ ra làm thay đổi xã hội của các dân tộc vùng này. Nhiều nhà thám hiểm người Pháp, trong những ghi chép của mình đã gọi “vùng đất này là nơi không ai cai quản”
Tại bản đồ Ban Mé Thuột 1905 và 1918 của Henri Maitre có giới thiệu một Pagode (ngôi chùa) ở ngay trung tâm lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk, có lẽ sớm nhất ở khu vực Đông Dương phải kể tới tộc người Lào – Thái và người Khmer đã tiếp nhận Đạo Phật từ Ấn Độ truyền qua. Điều này được tác giả Trương Bi, viết về Văn hóa Lào và dấu tích tín ngưỡng Phật giáo ở Buôn Đôn đưng trên website http://baodaklak.vn ngoài ra có một số tác giả viết về Phật giáo từ năm 1951 đến nay. Nghiên cứu về Phật giáo ở Đắk Lắk trước 1951 chưa có ai đề cập đến.
Nội dung và phương pháp nghiên cứu:
Với mục đích tìm hiểu về quá
trình hình thành và phát triển của Đạo Phật trong phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk, vì
vậy nội dung nghiên cứu chính là tìm hiểu dấu ấn Đạo Phật trên Tây nguyên nói
chung, Đắk Lắk nói riêng.
Để thực hiện nội dung này, các vấn đề cần giải quyết là:
Điền dã tại nơi cư trú của người Lào, phỏng vấn, thu thập thông tin về sự di cư của người Lào từ Pắc Xế đến vùng đất Buôn Đôn và sự có mặt của ngôi thảo am và nhà sư trụ trì, ghi nhận về đời sống Phật giáo của người Lào nơi đây,…
Giám định cây Bồ đề, một loại cây luôn gắn bó với các ngôi chùa thờ Phật để xác định tuổi của cây, trên cơ sở đó đoán định năm Phật giáo du nhập vào cao nguyên.
Tiến hành giám định niên đại tượng Phật được thờ tại ngôi thảo am trước đây.
Song song với việc nghiên cứu các dấu tích của Đạo Phật trong cộng đồng người Lào tại khu vực Buôn Đôn, chúng tôi cũng bước đầu tìm hiểu qua các tư liệu lịch sử về cội nguồn và hành trình lịch sử của tộc người này trên vùng đất tỉnh Đắk Lắk ngày nay. Tiến hành tìm kiếm và thu thập các tư liệu có liên quan về địa lý, lịch sử, con người và văn hóa trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, nhằm bổ sung tư liệu và làm phong phú thêm cho đề tài nghiên cứu của mình. Những tư liệu này có thể đóng góp thêm nhận thức mới về quá trình hình thành và phát triển đầy biến động của lịch sử vùng đất này.
+ Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu
- Cách tiếp cận chính là dựa vào cộng đồng để thu thập tư liệu điều tra.
- Ngoài ra, để nghiên cứu đặc
điểm văn hóa, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cách tiếp cận
xã hội học và dân tộc học cũng sẽ được sử dụng.
- Sử dụng các phương pháp điền
dã, thu thập các tư liệu có liên quan thông qua các nhân chứng, vật chứng, sử
dụng kết quả giám định khoa học của cơ quan chức năng.
- Tìm kiếm các tài liệu lịch sử,
các công trình khảo cứu, địa chí cả trong và ngoài nước có liên quan, sau đó
chọn lọc phân tích, tổng hợp những thông tin cần thiết cho đề tài.
3. Kết quả và thảo luận
Bắt đầu từ tháng 6/2010, sau khi
nắm được những thông tin ban đầu, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc điền dã tại
xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Chúng tôi đã gặp được một số người Lào theo đạo
Phật và đồng bào dân tộc tại đây, qua tiếp xúc chúng tôi được họ chỉ cho thấy
dấu tích của một ngôi chùa cổ. Ngôi chùa nay không còn, nhưng vẫn còn lại một
số dấu tích rất đáng lưu ý; nhất là trong khuôn viên của ngôi chùa xưa kia hiện
nay còn lại một cây bồ đề cổ thụ rất lớn. Cây bồ đề cổ thụ này hiện nằm trong
sân của nhà Văn hóa Cộng Đồng buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh
Đắk Lắk (bên cạnh dòng sông Sêrêpôk), và một tượng Phật đang thờ tại nhà dân
tại Buôn Trí, xã Krông Na. Chúng tôi xin được tóm lược một số nội dung chính
của đề tài như sau:
Dấu tích của ngôi chùa cổ:
Vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ 19, có
một người đàn ông người Lào tên là Luông Sỹ đã từ miền Nam nước Lào đến đây
buôn bán và định cư ở đây; sau đó theo chân ông có rất nhiều người Lào đã từ
Pắc Xế, xuôi theo dòng sông Mê Kông đến đây định cư lập nghiệp. Ông Luông Sĩ đã
thành lập nên Buôn Jang Lành này và là chủ làng đầu tiên. Một thời gian sau có
một tu sĩ người Lào đến đây truyền đạo, ông đã lập một am nhỏ và sinh sống tại
đây. Am thờ Phật được làm bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu nhà sàn, dài 3m, rộng 2
m, cao 3 m, sàn cao 1,5 m, do bà con buôn Yang Lành đóng góp công sức dựng lên,
dân trong buôn lui tới hương khói, cầu nguyện, trong am thờ rất nhiều tượng
Phật.
Dấu tích cây Bồ đề: Hằng năm nhà sư thường trở về Lào vài tháng rồi trở lại; Trong một dịp từ Lào sang, ông có mang theo một cây bồ đề và trồng tại đây. Cây Bồ đề hiện nay đã cao lớn, đường kính gốc 2,7 m, cao 29 m, tán lá rộng 17 m.
Một người dân trong Buôn tên là Di Tài, ông là người Lào gốc Tàu, bố người Tàu, mẹ người Lào. Chét Tài là thương nhân có tín ngưỡng Phật giáo nên thường chăm sóc hương khói cho ngôi thảo am khi các nhà sư trở về nước Lào. Vào những năm 60 thế kỷ trước, am bị hư đổ, một số tượng Phật bị mất cắp, một tượng được ông Nay Ly Lào là một người dân trong buôn đặt thờ ở hốc cây Bồ Đề, lâu ngày cây phát triển đã chôn trọn tượng Phật trong ấy. Hiện nay còn một tượng được người con rể của ông Di Tài là Bun My mang về thờ tại nhà riêng ở Buôn Trí; hiện nay bức tượng vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Dấu tích thác Phật (Peo Phă): Thác
Phật cách Trụ sở Ban quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn khoảng 8 km về phía Tây.
Thác Phật được hình thành từ một nhánh của dòng sông Sêrêpôk, các nhà Sư người
Lào thường ngược dòng sông Sêrêpôk qua lại khu vực này để truyền Đạo. Khi đến
đây vào mùa mưa nước lớn, gặp ghềnh thác nước chảy xiếc, thuyền khó đi qua
được, họ dừng chân lại nghỉ, làm lán trại bên bờ sông cạnh thác nước trong một
thời gian để làm bè vượt thác. Các nhà Sư trong lúc chờ đợi thường ngồi tham
thiền, tụng niệm và tiếp xúc với một số cư dân người Lào trong vùng.
(Phóng sự theo chân người đi tìm
dấu ấn Phật giáo …)
Đặc biệt là lễ hội Lễ hội Bunpimay:
Là tết cổ truyền của người Lào (mừng năm
mới), hay còn gọi là Tết té nước. Trong dịp này, người dân té nước để cầu may,
bình yên cho cả năm. Theo truyền thống, đây là Tết theo Phật lịch vì ở Lào
đạo Phật từ lâu đã trở thành quốc đạo. Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự
mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của
con người. Hằng năm, tại đảo Sê nô nằm trên địa bàn buôn Trí A, xã Krông Na
(Buôn Đôn), nơi có đông người Lào đang sinh sống, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào
tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Buôn Đôn, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ
xã Krông Na và Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đã tổ chức Lễ hội Bunpimay, Hội té
nước mừng năm mới cho cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại đây. Lễ hội
Bunpimay của người Lào tại xã Krông Ana huyện Buôn Đôn là sự giao thoa văn hóa
tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh văn hóa đa sắc tộc trên mảnh đất cao nguyên
Đắk Lắk, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc Lào có từ ngàn năm
nay, thể hiện truyền thống hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi
xanh tươi, đời đời bền vững.Đêr bảo đảm tính chính xác thời gian đạo Phật có
mặt tại Buôn Đôn, khi vết tích ngôi chùa cổ không còn thì việc giám định tuổi
của cây Bồ đề là cần thiết. Vì thời điểm trồng cây Bồ đề cũng chính là khoảng
thời gian tồn tại của ngôi chùa và các sinh hoạt Phật giáo. Đồng thời cũng được
kiểm chứng và so sánh với các tài liệu khoa học lịch sử về vùng đất Tây Nguyên
mà người Pháp để lại. Chúng tôi cũng tham khảo các tư liệu của Quốc Sử Quán
Triều Nguyễn có liên quan đến vùng đất này.
Vào trung tuần tháng 11 năm 2013, được sự giúp đỡ của các nhà khoa học bộ môn Quản lý rừng và Môi trường - Trường Đại học Tây Nguyên, chúng tôi đã mời các chuyên viên giám định do Phó giáo sư Tiến sĩ Bảo Huy – trưởng bộ Môn Quản lý rừng và Môi trường của Trường Đại học Tây Nguyên làm trưởng đoàn, với đầy đủ các phương tiện khoa học để xác định tuổi của cây Bồ đề bằng phương pháp khoan xác định tuổi cây: Khoan sinh trưởng của Pressler.
Kết quả như sau: Cây Bồ đề này có tên khoa học là Ficus religiosa L, thuộc họ thực vật Dâu Tằm – Moraceae, bộ thực vật Gai – Urticales, lớp Ngọc Lan – Magnoliopsida, ngành thực vật Ngọc Lan – Magnoliophyta. Cây có đường kính 271,9 cm, chiều cao 28,8 m, bán kính tán lá trung bình 13,5 m, có 9 thân, rễ phụ ít, tán lá rộng tròn đều theo các hướng. Cây có độ tuổi trung bình là 115 năm, cao nhất là 131 năm, thấp nhất là 99 năm. Cây bồ đề này thuộc giống đa bồ đề được mang từ Ấn Độ vào trồng ở Việt Nam, hoặc có thể là qua một nước trung gian nào đó (ở đây là Lào), tuổi của cây được khẳng định là khoảng 115 năm.
Như vậy theo kết quả thì cây bồ đề được trồng vào khoảng năm 1885 – 1915, thời gian này cũng tương ứng với các sự kiện trong lời kể của các nhân chứng là dân bản địa như trình bày trên đây. Đồng thời cũng trùng khớp với các dấu tích còn sót lại của ngôi chùa cổ (thảo am), cũng như một số tư liệu cổ mà chúng tôi có được, trong đó quan trọng nhất là các bản đồ do người Pháp lập trong khi xâm chiếm Bản Đôn năm 1898, trong các bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1904 và 1918, có đánh dấu một vài khu vực có tên là Pagode – mà trong tiếng Pháp Pagode là chỉ ngôi chùa tháp
Chúng tôi thấy rằng: Tuy Đạo Phật có tại vùng Buôn Đôn từ rất sớm, nhưng Đạo Phật lúc này vẫn còn rất sơ khai và chỉ tồn tại giới hạn trong một cộng đồng tộc người Lào với niềm tin Phật một cách thuần hậu, tự phát chứ chưa có tổ chức. Phật giáo lúc này cũng chỉ là những tín đồ theo đạo với sự hướng dẫn của các vị Sư sãi trong mỗi buôn làng. Vì thiết chế xã hội của người Lào nói riêng và các tộc người tại chỗ khác ở khu vực Tây Nguyên nói chung lúc này tương đối giống nhau,là mỗi tộc người chỉ sống quần cư biệt lập trong từng buôn làng, mỗi buôn làng như là một xã hội thu nhỏ - chưa có thiết chế xã hội cấp lớn hơn: như xã, huyện, tỉnh. Chỉ đến khi những người Kinh đầu tiên đến cao nguyên này lập nghiệp, trong số họ có nhiều tín đồ Phật giáo và họ đã thành lập nên những tổ chức Phật giáo. Sau đó với sự cho phép và công nhận của nhà nước từng thời kỳ, lần lượt quy mô tổ chức Phật Giáo ngày càng phát triển và có hệ thống như ngày nay.
Qua nghiên cứu và phân tích các dấu tích liên quan đến Phật giáo, chúng ta thấy đạo Phật là tôn giáo có mặt đầu tiên tại Đắk Lắk. Từ trước thế kỷ XIX, văn hóa Phật giáo đã đến vùng đất này.
Từ những chứng cứ đó chúng tôi có thể khẳng định rằng: Đạo Phật đã có mặt tại vùng đất Cao Nguyên Đắk Lắk từ rất lâu, theo những gì chúng tôi xác định được thì ít nhất là vào những thập niên cuối của thể kỷ XIX, tại khu vực là Bản Đôn trước đây – nay là các buôn Yang Lành, buôn Trí, buôn D’rang Phôk xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đạo Phật đã có trong cộng đồng tộc người Lào Lùm (Lào vùng thấp), theo hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), do các nhà Sư từ vương quốc Lào truyền sang.
Thích Hải Định
Đăng nhận xét