VLCĐ: Những Quy định sinh hoạt trong Thiền môn được gọi là Thanh quy. Trước khi được nhận vào Tu viện, Tu sĩ phải nắm vững Thanh quy này và chấp thuận tuân thủ một cách nghiêm nhặt, bởi vì Thanh quy được xem như là một nền tảng sống còn của Tu viện, đánh mất Thanh quy coi như Tu viện không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Đạo Phật xuất hiện giữa cuộc đời như một vầng ánh sáng nhiệm mầu phá tan bóng đêm vô minh, như một con thuyền bao dung đưa chúng sinh vượt dòng sông sinh tử. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ xem mình là một vị thần linh. Ngài chỉ là một vị Thầy dẫn đường. Đi theo hay không, tùy mọi người. Giáo pháp cao cả, không có gì dấu diếm, thực hành hay không tùy mọi người. Chỉ có những người đủ chánh kiến, đủ dũng lực để thực hiện lời dạy đó mới có thể thoát khỏi vô minh, vượt dòng sinh tử.
Đạo Phật đã xuất hiện hơn 2500 năm, và đã hiện diện đến hôm nay với nhiều sắc thái khác biệt. Mỗi tôn phái tự chọn cho mình một chỗ đứng, tất cả đều nhằm thực hiện lý tưởng giải thoát giác ngộ của đạo Phật, dù với nhiều phương tiện khác nhau.
Tu viện ra đời cũng không có gì khác hơn là giúp cho Tu sĩ có điều kiện để thực hiện lý tưởng giác ngộ đó. Trước nhiều sắc thái tự độ và độ tha trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, Tu viện chọn lấy sắc thái chuyên tu. Đối với các pháp môn đang có, Tu viện chọn pháp môn Thiền định làm đường đi. Trong tình trạng Nam, Bắc Phật giáo, Tu viện chủ trương kết hợp tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo phát triển, trong đó gạn lọc cả hai để tìm ra điểm hợp lý nhất cho thời đại và cho mục tiêu giải thoát.
Điều mong mỏi duy nhất của chúng tôi làm sao cho trên nền trời Phật giáo hôm nay xuất hiện nhiều vì sao chứng ngộ chân thật. Chính những người chân tu thực ngộ này mới là những người duy trì lâu dài mạng mạch của Phật pháp, mới là những điểm quy hướng cho sự hòa hợp, thống nhất trong đạo Phật.
Đạo Phật đang bị phân hóa. Đạo Phật đang chạy theo hình thức. Suối nguồn tâm linh trong đạo Phật bị khô cạn. Nhiều bậc thức giả cùng thấy điều này và mỗi người cố gắng đi tìm phương hướng giải thoát. Tu viện này cũng muốn góp sức với thức giả các nơi để cứu vãn tình trạng trên, cũng để sức sống trong đạo Phật trổi dậy, để cho đạo Phật quả thực là một sự hiện diện đầy lợi ích đối với thế giới hôm nay và mai sau.
Bản Thanh quy này được soạn ra để áp dụng cho nội bộ Tu viện. Hệ thống giới luật truyền thống như 250 (227) giới tỳ kheo ... được tôn trọng không thay đổi. Còn những giới luật được nêu ra trong Thanh quy chỉ là sự tùy cơ của thời đại và của Tu viện, không có tính cách phá vỡ giới luật cũ.
Trước khi được nhận vào Tu viện, Tu sĩ phải nắm vững Thanh quy này và chấp thuận tuân thủ một cách nghiêm nhặt, bởi vì Thanh quy được xem như là một nền tảng sống còn của Tu viện, bởi vì sự đánh mất Thanh quy được xem như là Tu viện không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Với tâm nguyện thiết tha chân thành vì sự nghiệp chung của Phật Pháp, chúng tôi rất mong được sự chỉ dạy thêm của các bậc cao đức ở mọi nơi, và mong sự đồng tình ủng hộ của những người cùng chí hướng.
Nghi Thức Quá đường
TỔ CHỨC CỦA TU VIỆN
I. BAN QUẢN VIỆN :
1. TRỤ TRÌ :Trụ trì là người lãnh đạo cao nhất của Tu viện, có trách nhiệm tổ chức, xem xét mọi vấn đề của Tu viện, có trách nhiệm đề cử người có khả năng vào các chức vụ thích hợp, và quan trọng nhất, có trách nhiệm hướng dẫn sự tu học của đại chúng.
I. BAN QUẢN VIỆN :
1. TRỤ TRÌ :Trụ trì là người lãnh đạo cao nhất của Tu viện, có trách nhiệm tổ chức, xem xét mọi vấn đề của Tu viện, có trách nhiệm đề cử người có khả năng vào các chức vụ thích hợp, và quan trọng nhất, có trách nhiệm hướng dẫn sự tu học của đại chúng.
2. QUẢN CHÚNG :Quản chúng là người kế sau Trụ trì, có thể thay thế Trụ trì để giải quyết công việc khi Trụ trì vắng mặt, có trách nhiệm trực tiếp lo lắng đời sống của đại chúng, có trách nhiệm giữ tiền quỹ của Tu viện, có trách nhiệm điều phối người cho tri sự phân công tác.
3. TRI SỰ:Tri sự là người kế tiếp Quản chúng, có trách nhiệm sắp xếp công tác trong Tu viện. Tri sự phối hợp với Quản chúng trong việc điều phối nhân sự.
Ban Quản Viện lắng nghe ý kiến của đại chúng một cách chân thành cởi mở, sau đó, tùy theo trách nhiệm của mình mà đưa ra quyết định cuối cùng. Người đưa ra quyết định phải chịu trách nhiệm về kết quả của công việc trước Trụ trì và đại chúng.
4. TRI KHÁCH :Tri khách có nhiệm vụ tiếp khách, hướng dẫn khách tuân thủ nề nếp Tu viện, sắp xếp cho khách gặp Tu sĩ thân nhân, sắp xếp cho khách gặp Ban Quản Viện.
II. BAN CHỨC SỰ: Dưới Ban Quản Viện là Ban Chức Sự gồm nhiều người phụ trách phần việc chuyên môn của mình. Ban Chức Sự do Ban Quản Viện đề cử.
1. TRI KHỐ :Tri khố là người giữ gìn kho chứa của Tu viện gồm có vật dụng, dụng cụ, máy móc ... có thể kiêm luôn chức giữ thư viện.
2. TRI LƯƠNG :Tri lương là người lo việc ăn uống của đại chúng, có trách nhiệm giữ gìn kho lương thực, có trách nhiệm hướng dẫn Trị nhật chế biến thức ăn mỗi ngày, có trách nhiệm đi mua thực phẩm, có trách nhiệm phối hợp với Khán bệnh bồi dưỡng người bệnh. Tri lương phải có kiến thức về y học điều dưỡng, thường xuyên nắm bắt những tin tức khoa học liên quan đến nhiệm vụ của mình.
3. KHÁN BỆNH :Khán bệnh có trách nhiệm theo dõi sức khỏe của đại chúng, lập sổ sức khỏe cho từng người, phối hợp với Tri lương để góp ý kiến cụ thể trong việc ăn uống của đại chúng.Quản chúng theo dõi tiền chi phí cho việc điều trị.
Ngoài ra tùy tình hình thực tế, Tu viện sẽ có thêm một vài chức vụ khác. Ban Chức Sự phải có sổ sách cẩn thận về nhiệm vụ của mình và báo cáo đều đặn cho Ban Quản Viện về tình hình công việc.
III. CHÚNG TĂNG (HOẶC NI)
Tăng chúng được sắp xếp để việc tu tập được thuận tiện. Nếu là viện Ni, bốn người được ở chung một liêu, có ngăn ra từng gian nhỏ cá nhân. Trong mỗi liêu có nhà vệ sinh, mục đích để bảo đảm an ninh cho giới Ni.
Nếu là viện Tăng, mỗi người được ở riêng một thất nhỏ. Cứ bốn thất chung một nhà vệ sinh.
Những người còn trong giai đoạn công quả sẽ được ở gần khu vực trách nhiệm, và có thể ở chung trong một Tăng đường lớn. Bất cứ ai cũng phải đi qua giai đoạn công quả trước khi chuyển sang giai đoạn chuyên tu.
Tăng chúng được quyền góp ý với ban Quản Viện về mọi việc của Tu viện. Tuy nhiên, nếu ban Quản Viện đã đưa ra quyết định thì Tăng chúng phải vui vẻ chấp hành, không được cố chấp ý kiến của mình. Công việc thành bại là do ban Quản Viện chịu trách nhiệm trước Trụ trì và đại chúng.
IV. ĐIỀU KIỆN NHẬP VIỆN :
Để được gia nhập Tu viện, một người phải hội đủ những điều kiện sau đây :
1. Được Trụ trì đồng ý.
2. Đã từng tới lui tìm hiểu đường lối Tu viện cẩn thận, không nông nổi vội vàng.
3. Có lòng tin nơi đường lối của Tu viện.
4. Quyết tâm ở lại Tu viện đến khi nào thực hiện xong sự tu tập.
5. Chấp nhận giai đoạn công quả ban đầu để tích lũy phước, học tập giáo lý, và rèn luyện giới hạnh.
6. Tuân thủ Thanh quy của Tu viện.
7. Không mắc bệnh truyền nhiễm, không tật nguyền.
8. Được cha mẹ đồng ý nếu còn phụ thuộc gia đình, được vợ hoặc chồng đồng ý nếu đã lập gia đình; được Bổn sư đồng ý nếu trước đó đã xuất gia.
9. Không trốn nghĩa vụ Nhà nước, không mắc nợ, đã hết trách nhiệm đối với công sở.
10. Đủ nhận thức sáng suốt, không già lẫn, không quá nhỏ ; không mắc bệnh tâm thần.
THỜI KHÓA TU VIỆN:
Vì trình độ tu tập và thể tạng khác nhau nên không có một thời khóa áp dụng chung cho tất cả mọi người. Thời khóa được Trụ trì sắp xếp linh động riêng từng người, và sẽ thay đổi khi người đó tiến bộ trong việc tu hành.
Quản chúng có nhiệm vụ theo dõi sự thực hiện thời khóa biểu này.
1. THỨC SỚM :Thức sớm là giờ thức dậy sau giấc ngủ đêm. Mỗi Tu sĩ được Trụ trì cho một giờ thức khác nhau. Tuy nhiên tất cả phải thức làm sao để sau giờ tọa thiền rồi vẫn trước sáu giờ để chuẩn bị cho buổi tiểu thực sáng.
2.TIỂU THỰC :Tiểu thực buổi sáng lúc 6 giờ 15 phút, (3 tiếng chuông). Những người đã sang giai đoạn chuyên tu thì mang bát đến nhà trù nhận thức ăn. Những người còn giai đoạn công quả thì dọn ăn chung nơi Trai đường.
Người đến phiên Trị nhật (nấu cơm) được ngủ sớm để dậy sớm nấu buổi cơm sáng.
3. LAO TÁC :Sau buổi tiểu thực, các Tu sĩ dọn dẹp vệ sinh cá nhân như giặt quần áo, lau quét phòng ốc, chuyển nước... rồi sau đó tham gia lao tác công cộng.
Đúng 7 giờ 30 là giờ lao tác công cộng. Nếu người còn trong giai đoạn công quả sẽ lao tác đến 10 giờ 30 (1 hồi chuông). Nếu người đã sang giai đoạn chuyên tu sẽ lao tác đến 8 giờ 30 (3 tiếng chuông).
Tri sự sẽ phân công cho công quả vào chiều hôm trước trong buổi lễ Phật phát lồ.
Người chuyên tu được tham vấn riêng với Trụ trì sau 8 giờ 30.
4. NGỌ TRAI :Các Tu sĩ sẽ tắm rửa vệ sinh cá nhân sau khi lao tác và dự Ngọ trai lúc 11 giờ 15 phút (3 tiếng chuông). Người công quả dự trai ở Trai đường tập thể. Người chuyên tu mang bát đến nhà trù lãnh phần cơm về thất.
Người chuyên tu sẽ xem bảng phân công tác ngày mai cho mình tại nhà trù.
5. NGHỈ TRƯA :Sau buổi Ngọ trai, các Tu sĩ dọn dẹp vệ sinh rồi nghỉ trưa đến khoảng 13 giờ 30 phút (1 hồi chuông).
6. SINH HOẠT CHIỀU :Sau khi thức trưa, người chuyên tu tiếp tục dụng công tu tập Thiền định; người công quả, hoặc lo nghiên cứu giáo lý, hoặc tọa thiền, hoặc lo nhiệm vụ đột xuất nào đó do Ban Quản Viện đề nghị.
Dùng chiều lúc 17h15'.
7. LỄ PHẬT, PHÁT LỒ :Đến 18h30' (3 tiếng chuông) các Tu sĩ công quả tập trung ở chánh điện để lễ Phật, phát lồ và nghe Trụ trì dạy giáo lý hoặc giới hạnh. Kết thúc khoảng 19h15'.
Các Tu sĩ chuyên tu tự lễ Phật nơi thất của mình.
8. TẬP Y VÕ DƯỠNG SINH :Đối với các Tu sĩ công quả :
– Nếu rảnh việc thì tập vào 3 buổi sáng (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), tối đến tập khí công từ 20h15' đến 20h30'.
– Nếu lao động mỗi ngày thì tập vào lúc 19h45' đến 20h30'.
Còn người chuyên tu nghĩa là đã thành thạo y võ dưỡng sinh nên tự tập lấy ở thất mình vào giờ giấc thích hợp. Không dùng chiều.
9. TỌA THIỀN BUỔI TỐI :Sau khi tập y võ dưỡng sinh đến 20h30' Tu sĩ công quả lau mình rồi tập trung lên chánh điện tọa thiền. Thời gian tọa thiền nhiều ít không giống nhau.
10. CHỈ TỊNH :Giờ chỉ tịnh qua đêm được Trụ trì sắp xếp riêng cho từng người. Những người sẽ Trị nhật vào ngày mai thì được nghỉ sớm hơn mọi người. Họ sẽ dậy sớm để tọa thiền rồi mới đi nấu cơm.
Đúng 22h00 là giờ chỉ tịnh hoặc trễ lắm là 22h30'.
NHỮNG NGHI THỨC CHÍNH
1. TIỂU THỰC BUỔI SÁNG: Các Tu sĩ chuyên tu lãnh phần ăn về thất đặt trên bàn, ngồi ngay ngắn, chấp tay Niệm danh hiệu Bổn sư ba lần, rồi dùng hai tay nâng chén cơm lên trán.
Theo Tỳ Ni cũ, Tu sĩ sẽ Niệm thầm :
" Chấp trì ứng khí
đương nguyện chúng sinh
thành tựu pháp khí
thọ thiên nhơn cúng
án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra.”
Nhưng Tu viện không sử dụng Tỳ Ni nầy.Theo Tu viện, khi nâng chén lên trán, Tu sĩ có tâm niệm dâng cúng mười phương Tam Bảo.
Sau đó để chén xuống, lấy muỗng múc ba miếng cơm thứ tự tưởng Niệm (Tam đề)
Thứ nhất nguyện đoạn trừ tất cả điều ác.
(Nguyện đoạn nhất thiết ác)
Thứ hai nguyện làm tất cả điều thiện.
(Nguyện tu nhất thiết thiện)
Thứ ba nguyện độ tất cả chúng sanh.
(Nguyện độ nhất thiết chúng)
Sau đó hai tay đỡ chén cơm trước ngực và xem xét rằng (ngũ quán):
Thứ nhất xét công lao làm thành thức ăn được đem đến rất là cực khổ.
(kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ)
Thứ hai xét đức hạnh mình toàn vẹn hay không để đáng được cúng dường vật thực này .
( thổn kỷ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng)
Thứ ba ngăn ngừa tâm xa lìa tội lỗi, trong đó tham sân si là chủ yếu.
(phòng tâm ly quá tam đẳng vi tông)
Thứ tư xem thức ăn như là thuốc hay để chữa bệnh gầy ốm.
(chánh sự lương dược vị liệu hình khô)
Thứ năm chỉ vì thành tựu đạo nghiệp nên mới dùng thức ăn này.
(vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực)
Sau đó bắt đầu dùng.
Sau khi dùng xong, xỉa răng uống nước, tráng miệng, chấp tay cầu nguyện cho thí chủ :
" Nguyện cho tất cả thí chủ cùng huynh đệ công quả được nhiều phúc lành, đạt được ý nguyện mong muốn và thành tựu Phật đạo. Nguyện cho chúng sinh đều được giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật"
– Các Tu sĩ công quả thì tập trung dùng tiểu thực nơi Trai đường, theo tiếng chuông khánh của Quản chúng hoặc tri sự và cùng Niệm ba lần danh hiệu Bổn sư. Sau đó 3 tiếng chuông khánh để cùng làm tam đề ngũ quán thầm trong tâm.
Tiểu thực buổi sáng không bắt buộc phải rời bàn ăn cùng một lúc, nên ai dùng xong tự chấp tay cầu nguyện rồi rời bàn trước, mang theo chén đũa ra sàn nước rửa.
– Khi vào bàn ăn, cũng như khi rời bàn ăn phải chắp tay xá chào đại chúng.
2. NGỌ TRAI Các Tu sĩ chuyên tu mang bát đến nhà trù lãnh phần cơm về cúng và dùng tại thất. Nghi thức giống như tiểu thực sáng, nhưng phải mặc áo tràng nghiêm chỉnh. Các Tu sĩ công quả mặc áo tràng đến Trai đường công cộng.
Nếu theo nghi thức của các chùa thì nâng bát bắt ấn tam sơn cam lồ và tụng :
" Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật
Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật
Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật
Đương lai hạ sanh Di Lặc tôn Phật
Cực lạc thế giới A di đà Phật
Thập phương tam thế nhaÁt thiết chư Phật
Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát
Chư tôn Bồ Tát ma ha tát
Ma ha Bát nhã Ba la mật
Tam đức lục vị
Cúng Phật cập Tăng
Pháp giới hữu tình
Phổ đồâng cúng dường
Nhược phạn thực thời
Đương nguyện chúng sanh
Thiền duyệt vi thực
Pháp hỷ sung mãn”
Nhưng Tu viện không dùng bài cúng dường nầy mà chỉ dùng hai tay nâng chén lên, không bắt ấn, tụng:
" Cúng dường mười phương Phật
Cúng dường mười phương Pháp
Cúng dường mười phương Tăng
Nguyện tất cả chúng sinh
Được đầy đủ vật thực
Và hoàn thành chánh Pháp
Xa lìa tâm bỏn xẻn
Từ bi rải khắp nơi"
Sau đó làm tam đề ngũ quán như trước
– Khi dùng xong phải chờ nhau tụng bài kinh và chú nguyện :
“ Không truy tìm quá khứ
Không ước vọng tương lai
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Bất động chẳng lung lay
Hãy thực hành như thế
Không một ai biết trước
Cái chết đến lúc nào
Tử thần có đợi đâu
Làm sao điều đình được
Vì thế nên nỗ lực
Tinh tấn suốt đêm ngày
Tỉnh giác từng phút giây
An trú bằng Chánh niệm
Như vậy mới xứng đáng
Người biết sống một mình
Kẻ ấy đã tôn vinh
Đạo nhiệm mầu vô thượng”
Sau đó Thầy cả chú nguyện:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
“Nguyện cho thí chủ cùng huynh đệ công quả được nhiều phước lành, đạt được ý nguyện mong muốn và thành tựu Phật đạo. Nguyện cho chúng sinh đều được giải thoát".
Toàn chúng Niệm theo :
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sau đó đồng đứng dậy, xá nhau và lui ra dọn dẹp.
3. LỄ PHẬT TỤNG KINH
Khoảng 18h30' là giờ lễ Phật các Tu sĩ chuyên tu tự lễ Phật tại thất của mình. Các Tu sĩ công quả tập trung tại Phật điện .
Phải chuẩn bị y áo sẵn sàng để khi nghe ba tiếng chuông thì nghiêm chỉnh đi về Phật điện đứng thành hai hàng dọc theo thứ tự.
Khi quay ra đánh chuông thì hai bên xá nhau (chào đại chúng) rồi quay về Phật tượng xá.
Kế đó sắp thành từng hàng ngang nhìn về Phật tượng cùng xướng chung:
“Đấng pháp vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loại
Nay con nguyện quy y
Diệt trừ vô lượng tội
Dâng lên lời tán thán
Ức kiếp vẫn không cùng
Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tòa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.”
Đến phần lễ Phật thì Phật giáo Bắc phương lễ Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Di lặc, các vị Bồ Tát. Tuy nhiên vì tinh thần dung hợp nguyên thủy và Đại thừa nên Tu viện chỉ lễ Phật, Pháp, Tăng tổng quát mà thôi. Cách thức lễ Phật thì quỳ mà lễ, không đứng lên quỳ xuống:
Chí tâm đảnh lễ, Nam Mô khắp mười phương hư không tất cả chư Phật.
Chí tâm đảnh lễ, Nam Mô khắp mười phương hư không tất cả chánh pháp.
Chí tâm đảnh lễ, Nam Mô khắp mười phương hư không tất cả hiền thánh Tăng .
Sau khi lễ Phật toàn chúng tụng kinh "Sống hòa hợp" va ø"Từ tâm".
4. PHÁT LỒ
Lễ phát lồ vào hai ngày 14 và 29 âm lịch hàng tháng.
Toàn chúng ngồi thành 2 dãy dọc đối diện với nhau theo thứ tự đã sắp xếp.
Trụ trì chủ tọa buổi lễ phát lồ, cho đọc lại giới điều, và yêu cầu từng người trình bày những diễn biến nội tâm của mình, những lỗi lầm vừa mới phạm, hoặc những lỗi lầm mà từ xa xưa mình không biết, bây giờ nhờ thông hiểu đạo lý mới biết được lỗi ngày trước vv...
Người phát lồ khi thấy mình có lỗi, sẽ ra giữa hai hàng đại chúng lễ rồi bạch rằng :
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch trên Thầy cùng toàn thể đại chúng, con là Tỳ kheo (hoặc Sa Di...)tự thấy mình có lỗi như sau:
(Kế đó tự phân tích lỗi mình cho chúng thấy)
Con kính mong trên Thầy và đại chúng từ bi chứng minh cho con sám hối, và xin chỉ dạy để con sáng suốt không còn lỗi lầm tiếp tục.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”
Lúc đó Trụ trì sẽ phân tích về nội dung khuyết điểm cho toàn chúng rút kinh nghiệm học hỏi và cho phép người phát lồ lễ Phật.
Người phát lồ bạch :
"Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trên Thầy và đại chúng đã từ bi chỉ dạy, con xin thành tâm đảnh lễ cúng dường".
Rồi lễ 3 lễ lui về chỗ ngồi.
Tiếp theo người khác.
Nếu người nào không tự thấy lỗi thì ngồi yên tại chỗ chấp tay bạch :
" Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch trên Thầy cùng toàn thể đại chúng, con là Tỳ kheo (hoặc Sa di...), vì con si mê nên con chưa tự thấy được lỗi mình, con kính mong trên Thầy và đại chúng nếu thấy con có lỗi xin từ bi hoan hỉ chỉ cho, con sẽ y pháp sám hối cho ba nghiệp được thanh tịnh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Mục đích lễ phát lồ để Tu sĩ rèn luyện giới hạnh. Khi tự bộc bạch lỗi mình, bản ngã sẽ tiêu diệt rất nhiều. Đồng thời cái lỗi của mình cũng có thể là lỗi của nhiều người khác mà họ chưa tự biết. Thế nên việc phát lồ là việc lợi mình lợi người đầy đủ.
Hơn nữa, khi đó Trụ trì sẽ phân tích kỹ nội dung làm cho mọi người ý thức sâu sắc hơn về giới hạnh.
Trong lễ phát lồ này chỉ có tự nói lỗi mình chứ không nói lỗi người khác. Trong đời sống đại chúng, chắc chắn các Tu sĩ cũng thấy được lỗi của huynh đệ. Tuy nhiên, không nên đưa lỗi đó ra tập thể, chỉ nên góp ý riêng để cho huynh đệ mình tự thấy lỗi và tự đem ra phát lồ. Như vậy có tính cách cao thượng hơn. Nếu huynh đệ không chịu nhận sự góp ý hãy đến trình với Ban Quản Viện, nhất là Trụ trì. Phải hiểu rằng nếu mình tảng lờ lỗi lầm của huynh đệ mà không cố gắng giúp huynh đệ sửa chữa, mình mang tội nặng với Phật pháp.
Những Tu sĩ chuyên tu không còn dự phát lồ mỗi chiều, nếu có lỗi sẽ đến sám hối trực tiếp với Trụ trì vào giờ thích hợp.
Đăng nhận xét