Kẻ xấu ác biết sám hối niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ

Kẻ xấu ác mà được vãng sinh, đó là nhờ có tâm niệm Phật dũng mãnh gấp trăm lần bình thường, cho nên mới có thể thành tựu trong mười niệm. Nếu không được vậy, chỉ cần một chút buông lơi chậm trễ, ắt phải sẩy chân rơi vào ba đường ác.

Trương Thiện Hòa:
Trương Thiện Hòa sống vào đời Đường, làm nghề mổ trâu để sống. Khi lâm chung nhìn thấy cả đàn trâu biết nói tiếng người, theo đòi mạng. Thiện Hòa kinh sợ quá, gọi vợ bảo: “Mau mau thỉnh tăng đến sám hối cho tôi.” Vị tăng được thỉnh đến dạy Trương Thiện Hòa rằng: “Quán kinh có nói: Người lâm chung nhìn thấy tướng xấu ác, nếu chí tâm niệm Phật liền được vãng sinh.” Thiện Hòa nói: “Địa ngục đến gấp lắm rồi, không có thì giờ lấy lư hương đâu.” Liền dùng tay phải cầm lửa, tay trái niêm hương, quay mặt về phía hướng tây chí thiết niệm Phật. Niệm chưa được mười tiếng, bỗng tự nói: “Phật đến đón tôi.” Nói xong thì qua đời. 

Oánh Kha
Oánh Kha sinh vào đời Tống, tuy đã xuất gia nhưng lại không kiêng rượu thịt. Tự nghĩ lại rằng, mình đã là một vị tăng mà làm việc hư hỏng xấu ác như vậy, tương lai phải chịu đọa lạc, biết làm sao? Nhờ người sống chung mang đến cho quyển Vãng sinh truyện để đọc. Đọc qua mỗi truyện đều thấy xúc động trong lòng, sau đó liền ngồi quay mặt về hướng Tây, chuyên tâm niệm Phật, bỏ cả ăn uống. 
Trải qua ba ngày, trong mộng thấy Phật bảo rằng: “Con vẫn còn sống được mười năm nữa, hãy tự nỗ lực.” Oánh Kha bạch Phật rằng: “Cõi Diêm-phù-đề đầy dẫy sự xấu ác, dễ mất chánh niệm, con nguyện được sinh về Cực Lạc sớm hơn, phụng sự chúng thánh.” Đức Phật dạy: “Nếu vậy thì sau ba ngày ta sẽ đón con.” 
Đến ngày, Oánh Kha thỉnh đại chúng tụng kinh A-di-đà, lát sau nói: “Phật và đại chúng đều đã đến.” Nói rồi an nhiên mà tịch. 

Trọng Minh

Trọng Minh sống vào đời Tống, tu nơi chùa Báo Ân ở Sơn Âm, không nghiêm giữ được giới hạnh. 
Một hôm, Trọng Minh mắc bệnh, nói với người bạn đồng tu là Đạo Ninh rằng: “Tâm thức tôi hết sức tán loạn, biết dùng cách gì đối trị?” Đạo Ninh khuyên chú tâm niệm Phật theo hơi thở. Trọng Minh nghe theo lời, chí tâm niệm Phật. 
Qua được bảy ngày, Trọng Minh kiệt sức. Đạo Ninh lại dạy phép quán tưởng hình tượng Phật ngay trước mắt mình. Trọng Minh quán tưởng được hồi lâu, bỗng nhìn thấy hai vị Bồ Tát, tiếp theo lại thấy Phật, rồi nhắm mắt qua đời. 
Lời bàn

Kẻ xấu ác mà được vãng sinh, đó là nhờ có tâm niệm Phật dũng mãnh gấp trăm lần bình thường, cho nên mới có thể thành tựu trong mười niệm. Nếu không được vậy, chỉ cần một chút buông lơi chậm trễ, ắt phải sẩy chân rơi vào ba đường ác. 

Chuyện vãng sinh của loài vật:
Rồng vãng sinh 
Kinh Bồ Tát xử thai chép rằng: “Có một con rồng nói với chim kim sí rằng: ‘Ta từ khi thọ sinh làm thân rồng, chưa từng giết hại, quấy nhiễu các loài sống trong nước. Sau khi ta mạng chung, sẽ sinh về cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.’” 

Chim vẹt vãng sinh 

Vào đời Đường, trong khoảng niên hiệu Trinh Nguyên, nhà họ Bùi ở Hà Đông có nuôi một con chim vẹt, dạy cho biết nói, thường niệm Phật, quá giờ ngọ không chịu ăn. Khi lâm chung, chim niệm Phật đủ mười niệm thì tắt hơi. Lúc hỏa thiêu tìm thấy hơn chục viên xá-lợi, ánh sáng rực rỡ chói mắt. 
Đại sư Tuệ Quán liền xây tháp cho chim, Doãn Vi Cao ở kinh thành viết bài bia ký. 

Chim sáo vãng sinh
Vào đời Tống, Quán Công nơi chùa Chánh Đẳng ở Hoàng Nham nuôi một con chim sáo, dạy nói được tiếng người. Chim thường niệm Phật không thôi. 
Một hôm, chim đứng chết trong lồng. Quán Công đào huyệt mai táng. Không lâu sau, từ đầu lưỡi chim mọc lên một đóa hoa sen màu đỏ tía. 
Đàm Châu cũng có người nuôi một con sáo, biết nói, thường niệm Phật. Sau khi sáo chết, người ấy cũng đóng quan tài mai táng như người. Bỗng thấy nơi mộ phần mọc lên một đóa hoa sen, tìm xuống tận gốc thì thấy hoa sen ấy mọc ra từ miệng chim. 

Đại sư Liên Trì nói rằng: “Chim vẹt, chim sáo, người dạy cho biết niệm Phật cũng là chuyện thường tình. Sao ngày nay không thấy chim vãng sinh nữa? Than ôi, cũng giống như người đời, cùng được nghe lời dạy niệm Phật, nhưng có người niệm với tâm thành tín, có người niệm với tâm dể duôi, xem thường. Vì thế nên người niệm Phật thì nhiều, người vãng sinh rất ít. Đối với chim vẹt, chim sáo, nào có khác gì đâu?”


Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.