Cảm tác về cuộc đời và hành trạng của Thiền sư Nhất Hạnh

VLCĐ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh được sinh ra với tên húy là Nguyễn Xuân Bảo ở Thừa Thiên (miền trung Việt Nam) vào năm 1926. Vào năm 16 tuổi ông xuất gia ở chùa Từ Hiếu gần Huế, nơi ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật. Tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung Việt Nam, Ngài tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành một nhà sư vào năm 1949. Hiện nay được công nhận là một thiền sư và là lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu và các tu viện liên quan khác.


Chữ nghĩa nào để xưng dương Ngài cho vẹn
Ngôn từ nào để tán thán Ngài cho toàn
Bởi cuộc đời Ngài lấp lánh vô số điểm son
Bởi hành trạng Ngài lung linh muôn ngàn ảnh tượng
Tôi bỗng nhớ tác phẩm "Đường Xưa Mây Trắng"
Và "Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát" mà đi
Rồi hàng trăm tác phẩm vần vũ tức thì
Nổi trội cùng hành trình hoằng dương chuyển hóa
Mỗi bước chân một bông hoa nở rộ
Mỗi bước đi một vầng sáng hiển bày
Cả cuộc lữ, ca ngợi ư, nghiệt thay
Tôi quẳng hết, tự trầm tư lưu xuất

Viết một cách tự nhiên, nhưng thật chuẩn mực
Viết một cách bình thường, nhưng thật rõ ràng
Không thổi phồng mang tính chất khoe khoang
Không thêu dệt lộng hoang đường hư cấu
Bởi cuộc đời Ngài, vốn đã như rứa
Bởi hành trạng Ngài, vốn đã như ri
Cả thế giới tôn vinh, đâu phải làm vì
Cả nhân loại ngưỡng phục, dễ nào có được

Hơn nửa thế kỷ, Ngài sáng hơn ngôi sao Bắc Đẩu
Hơn năm mươi năm, Ngài tỏa rạng thiều quang
Mọi khung trời phủ rợp Ánh Đạo Vàng
Mọi ngõ ngách tương dung Đường Hóa Độ
Các tôn giáo khác nhau, Ngài là ngọn đèn sáng tỏ
Các chủng tộc khác nhau, Ngài là một bậc Đạo Sư
Từ chính giới, chính khách, khoa bảng, trí thức, cảm phục như như
Đến nam nữ, lão ấu, sang hèn, nghèo giàu, ngưỡng tôn như thị

Tôi không nói quá, rằng:
Năm mươi năm cận đại Phật Giáo Việt Nam
khó có một vị nào, để ví
Hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam
duy nhất riêng Ngài, có một không hai
Hàng trăm tác phẩm tôn giáo văn hóa văn học rực sáng Đông - Tây
Khai Tổ khai Tông "Pháp Môn Làng Mai" qui phục mọi màu da chủng tộc
Tôi đồng cảm, nhưng chưa hẳn đồng thuận với nhận định đánh giá, rằng:
Thế giới và nhân loại hôm nay
Nói về Phật Giáo
Nói về con người
Có ảnh hưởng, thuyết phục, lôi cuốn, sức hút:
Đức Đạt Lai Lạt Ma, "ngôi vị thứ nhất"
Ngài Thiền Sư Nhất Hạnh, "ngôi vị thứ hai"
Cũng vui, được thế giới ngưỡng phục tôn vinh
Cũng mừng, được nhân loại tán dương ca ngợi

Nhưng theo tôi
Đánh giá và so sánh như thế có vẻ khập khiễng
Cứ để tự nhiên
Đức Đạt Lai Lạt Ma là Đức Đạt Lai Lạt Ma
Ngài Thiền Sư Nhất Hạnh là Ngài Thiền Sư Nhất Hạnh
Đức Đạt Lai Lạt Ma là của Tây Tạng
Ngài Thiền Sư Nhất Hạnh là của Việt Nam
Đức Lạt Ma, mới sinh, được chọn Hóa Thân, sống trong cung ngọc điện vàng
Ngài Nhất Hạnh, ra đời, bình thường dân giả, lớn lên quê nghèo sỏi đá
Đức Lạt Ma, một vị vua Tây Tạng, đứng đầu thiên hạ
Ngài Nhất Hạnh, một Tăng Sĩ Việt Nam, áo vải nâu sồng
Đức Lạt Ma, xuất thân, vốn cái gì cũng có
Ngài Nhất Hạnh, hiện hữu, vốn cái gì cũng không
Biển là biển, sông là sông
Nào ai đem biển sánh sông chi nào
Trăng là trăng, sao là sao
Trăng mà đem ví với sao ngỡ ngàng
Ngọc là ngọc, vàng là vàng
Tự nhiên như thể ngọc vàng chi nghe
Hôm nay tôi viết đôi lời về Ngài Nhất Hạnh

Vốn biết
Mọi giới khác nhau đã có cái nhìn về Ngài
Nhiều thành phần khác nhau đã có cảm kích về Ngài
Hàng hàng lớp lớp "Tăng Thân" phủ phục tôn xưng với Ngài
Thì bài của tôi như đom đóm lập lòe chơi bóng tối
Đầu non vượt khỏi
Chót đỉnh băng qua
Ô hay một cõi Ta Bà
Thái Hư lọt bũm căn nhà Như Lai
Ô hay hải giác thiên nhai
Làng Hồng hiển thị Làng Mai vang lừng
Hoa đào trước ngõ trổ bông.

 
Viết, không bởi đã quan hệ liên lạc với Ngài trong những năm từ 1970 - 1975 qua một vài công việc trực tiếp của GH.
Viết, không bởi nhận tịnh tài hàng tháng để giúp đỡ người nghèo trại tỵ nạn Thái Lan đầu thập niên 80 một thời ở đó.
Viết, không bởi, ngôi chùa đang thuê tại Oxley, Brisbane, là địa điểm đầu tiên tiếp đón và tổ chức Khóa Tu Chánh Niệm, các thời Thuyết Pháp của Ngài trong chuyến hoằng hóa Úc Châu 1986.
Mà viết, bởi "Thử Tìm Dấu Chân" "Đường Xưa Mây Trắng" của một bậc thạc đức thượng thừa Phật Giáo Việt Nam.


Brisbane, ngày 20 tháng 11 năm 2014
Thích Nhật Tân 
Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.