VLCĐ: Bắt đầu
từ cái nhìn trên lộ trình giải thoát, chúng ta cần suy nghĩ về dẫn dụ sau: Nước
mặn, nước ngọt có chung một bản chất là thể lỏng. Phiền não, An lạc đều xuất
hiện từ nội tâm. Giải thoát, Ràng buộc tùy vào cái nhìn của chúng ta, hay nói
cách khác, đó là thái độ tâm của chúng ta với hoàn cảnh.
HỎI:
Kính Thầy, tôi không hiểu câu: "Tự do là ung
dung trong ràng buộc'' là thế nào? Hai chữ "ràng buộc" ở đây có
phải là Nghiệp duyên hay nói theo cách khác là Định mệnh đã an bày cho mỗi một
con người? Nhưng ở trong tư thế " ràng buộc " thì làm sao có được
sự " tự do " và bằng cách nào để chúng sinh "thoát" ra
khỏi sự "ràng buộc" này?!
Xin cảm niệm Thầy. A Di Đà Phật.
ĐÁP:
Thưa Đạo hữu- Phật giáo không tin vào thuyết Định mệnh hay cái gọi là ''số mệnh
an bày" mà chính là Nghiệp Duyên, là sự vô minh, chấp thủ ràng buộc
lấy tâm hồn con người chúng ta.
Nếu thực sự có Số Mệnh, nghĩa là có một thế lực
ngoại tại an bày, sắp đặt chúng ta, vậy thì sự tu hành giải thoát trở nên
vô nghĩa, vì có tu gì chăng nữa thì vĩnh kiếp cũng không thay đổi được gì.
- Nước biển thì mặn, nước sông thì ngọt nhưng có
chung một bản chất đó là nước, là thể lỏng.
Phiền não là khổ đau, Bồ Đề là giác ngộ nhưng cũng đều xuất hiện từ nội tâm.
Bùn thì hôi hám, sen thì thơm tho, nhưng sen lại vươn lên từ bùn. (No mud,
no lotus) Cùng thế ấy, sự giải thoát (tự do) được "mọc lên'' từ trong
sự ràng buộc của thế gian, cũng giống như sen được mọc lên từ bùn vậy!
Có hai người bị giam vào tù, một người chỉ thấy bốn bức tường xám ngắt giam hãm
đời mình, còn người kia thì nhìn qua song sắt trông thấy những vì sao và
vũ trụ bao la... Ai cho họ cái nhìn đó? Giải thoát hay ràng buộc phụ thuộc
vào ''cái nhìn'' của chúng ta, hay nói cách khác, đó là thái độ tâm
của chúng ta với hoàn cảnh. Ngài Di Lặc vẫn với nụ cười hỷ lạc dù chung
quanh Ngài là một đám con nít đeo bám, quấy rầy, hẳn đạo hữu đã trông thấy
hình tượng này rồi chứ!
Bodhgaya monk
------------------
Những điều cần suy nghĩ lại về ý tưởng của tác giả:
1/. Sen thì thơm tho, nhưng sen lại vươn lên từ bùn - Giải thoát xuất hiện
từ Ràng buộc(?) Như vậy có liên hệ gì với ý tưởng Giải thoát - Ràng buộc
tùy thái độ của tâm?
2/. Nhìn quay lại chính mình là thái độ tâm của
chúng ta đối với hoàn cảnh? Lý do gì mà ta có được thái độ tâm không ràng
buộc? Nếu không có lý do hợp lý thì thái độ này chỉ có tính gượng ép, dằn nén
mà thôi, sau đó thì đâu cũng vô đó - phiền não trở lại như thường?
HT
Đăng nhận xét