Nhiếp tâm bằng Quán sổ tức để Định niệm hơi thở

VLCĐ: Quán Sổ tức là đếm hơi thở. Quán là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để theo dõi hơi thở ra vào của mình, mà mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn còn được coi là phương pháp để Định Niệm Hơi Thở.

Trong sách PHẬT HỌC PHỔ THÔNG của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa Ấn Hành 1997 đã phân tích ý nghĩa và hướng dẫn cách thực hành phép Quán Sổ tức. Đây là phép quán đứng đàu trong năm phép quán, trước tiên, phải biết quán là gì, quán như thế nào, và phải có một tâm trí định tình không tán loạn. Muốn được thế, trước tiên phải tập quán Sổ tức. Khi quán Sổ tức đã thuần phục rồi, thì các thứ quán sau mới dễ có kết quả, nghĩa là mới có thể trừ diệt dần các tâm bệnh: tham, sân, si mạn.


Phật dạy: "Tâm có định mới phát sinh trí huệ, có trí huệ mới phá trự được vô minh để minh tâm kiến tánh". Sở dĩ, các vị Thánh hiền được biết nhiều quá khứ vị lai và có nhiều điều thần diệu, đều do tâm đã định mà phát minh trí huệ sáng suốt, nên mới được như thế. Nên kinh chép: "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biến", nghĩa là ngăn vọng tâm lại được một chỗ, thì không việc gì chẳng thành tựu. Hành giả muốn cho tâm mình hết tán loạn, được yên định, thì phải tu phép quán Sổ tức, một phép quán rất dễ thật hành và rất kiến hiệu, ai cũng có thể làm được.



Tóm tắt phần thực hành:

Trước khi quán Sổ tức cần phải theo đúng những điều sau đây: 


1. Thức ăn: Phải ăn những thức ăn hợp với cơ thể của mình. Nếu ăn đồ nóng nẩy quá, thì thân thể sẽ bị bức rức, tâm sanh loạn động. Trái lại, nếu ăn những vật sanh lãnh, không tiêu hóa được, thì thân thể sẽ nặng nề, lừ đừ dễ sanh buồn ngủ.


2. Ðồ mặc: Phải ăn mặc cho hợp thời tiết. Khi trời nực, mặc đồ mỏng, khi trời lạnh, mặc đồ ấm. Nếu trái lại thân thể mất sự điều hòa, quán lâu có hiệu quả.


3. Chỗ ở: Phải ở chỗ thanh vắng, thì sự tu quán mới mau được thành công. Nếu ở chỗ ồn ào, đối với người mới tu, không khỏi bị loạn động.


4. Thời giờ tu: Nên lựa những giờ thanh vắng, như 10 giờ đêm, hay 4 giờ khuya. Nếu ở thành thị thì lựa giờ nào gia đình ngủ hết, chung quanh bớt tiếng động.


5. Tắm rửa: Thân thể phải thường tắm rửa sạch sẽ, để khỏi ngứa ngáy bứt rứt trong người.


6. Cách thức ngồi: Phải ngồi kiết già (hai chân tréo xếp lại gọn, thúc vào bắp vế cho sát), hoặc ngồi bán già (chân mặt tréo lên chân trái hay chân trái tréo lên chân mặt, thúc sát vào vế cho gọn gàng). Cách ngồi này đầu tiên chưa quen, không sao khỏi bị tê chân (chỉ tê chân khi đang ngồi thôi); qua thời gian hết tê rồi thì đau mỏi cả hai chân. Khi hết đau mỏi, về sau ngồi bao lâu cũng được.


7. Lưng: Lưng phải ngồi thẳng như vách tường, để cho các khớp xương sống ăn chịu đều nhau, như thế ngồi mới lâu được. Hành giả nên xem tấm vách tường kia, nhờ nó đứng thẳng, các viên gạch ăn chịu đồng đều, nên mới đứng lâu được , nếu hơi nghiêng, cố nhiên nó phải ngã.


8. Hai tay: Hai cánh tay vòng xuôi xuống, hai Bàn tay để trên hai chân, tay mặc gác lên tay trái, cách thức như Phật ngồi (xem hình đức Trung Tôn ngồi trong mỗi chùa).

9. Cổ và đầu. Cổ phải thẳng, đầu hơi ngã tới, hai mắt chỉ mở một phần tư (nếu mở mắt lớn thì tâm dễ bị loạn động, còn nhắm lại thì sanh hôn trầm).


Phương Pháp Sổ Tức 

Khi đã ngồi yên ổn đúng với như cách thức đã nói trên, hành giả bắt đầu đếm hơi thở. Trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những trược khí, uất kiết, nặng nề trong người đều tuông ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí mát mẻ, trong sạch của thiên nhiên.


Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hơi thở thấm vào bủa khắp thân tâm".


Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, không dài không ngắn, không mau không chậm, phải thở nhẹ nhàng như hơi rùa thở. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, hoặc bị uất kiết, có khi lại sanh ra giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thư thới khỏe khoắn.


Từ đây mới bắt đầu đếm hơi thở.

Phương pháp đếm hơi thở có bốn cách như sau: 


1. Ðếm hơi lẻ. Nghĩa là thở hơi ra đếm một, thở hơi vô đếm hai, thở hơi ra đếm ba, thở hơi vô đếm bốn, đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ, một giờ hay hai giờ tùy ý.


2. Ðếm hơi chẵn. Nghĩa là thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười lại, mãi cho đến khi đi ngủ.

Phương pháp đếm hơi chẵn này rất thông dụng, xưa nay người ta vẫn thường dùng, và đếm hơi thở ra dễ hơn, khỏi bịnh tồn khí (chứa hơi lại trong phổi).


3. Ðếm thuận: Nghĩa là đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được, nhưng tuần tự từ một đến mười.


4. Ðếm nghịch: Nghĩa là cũng dùng hai cách đếm trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một.

Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.


Những Ðiều Lầm Lộn Thường Xảy Ra Trong Khi Ðếm Hơi Thở  

Những điều lầm lộn mà hành giả thường mắc phải trong khi mới bắt đầu tu phép Sổ tức là:


1. Tăng: Nghĩa là thở ít mà đếm nhiều, đếm nhảy vọt, như ba liền đếm đến năm, hoặc mới năm liền nhảy lên đếm tám v.v…

2. Giảm: Nghĩa là thở nhiều mà đếm ít, đếm thụt lùi, như đến bốn rồi lại đếm ba, hay bảy rồi lại đếm sáu v.v…

3. Vô ký: Nghĩa là không nhớ rõ mình đã đếm đến số mấy rồi.

Mỗi khi lầm lộn như thế, phải bắt đầu đếm lại. Phải tập cho đến khi nào không còn mắc phải những lầm lộn nói trên, thì tâm trí mới được yên tịnh.


PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ:

Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn tuyệt vời. Trước khi muốn tu tập pháp môn này quý vị nên chọn một nơi thanh vắng và yên tĩnh, ít có người qua lại. Khi chọn được xong chỗ ngồi, quý vị ngồi xuống, ngồi kiết già hoặc bán già đều được cả, phải giữ gìn lưng thẳng, quay mặt vào vách, hay gốc cây, hai mắt nhìn phớt xuống chóp mũi.


Khi tư thế ngồi yên ổn xong thì quý vị bắt đầu hít vào một hơi thở chậm, dài. Khi nào hít vào hết sức thì quý vị lại thở ra cũng chậm, nhẹ và dài. Khi thở ra hết thì quý vị trở lại hơi thở bình thường, kèm theo pháp hướng tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.


Khi thở đúng 5 hơi thở thì quý vị lại nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi lại tiếp tục thở bình thường như trên. Khi thấy hơi thở ra vào đều đều, tâm gom tại nhân trung thì quý vị cứ tiếp tục tu tập vừa tác ý vừa hít thở cho đến tu tập như vậy được 30’ mà không có một niệm nào xen vào, thì đó là kết quả thứ nhất của sự nhiếp tâm trong hơi thở.


Khi tu tập được 30’ không có một niệm nào xen vào trong hơi thở thì không cần phải tác ý câu: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” nữa, mà phải nhắc bằng những câu khác để xả tâm mình trong khi đang thở.


Thí dụ nhắc tâm bằng câu: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, rồi quý vị thở 5 hơi thở. Sau đó lại nhắc tâm: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”, rồi thở tiếp 5 hơi, và nhắc tâm: “Quán ly si tôi biết tôi hít vô, quán ly si tôi biết tôi thở ra”,rồi quý vị cứ tiếp tục 5 hoặc 10 hơi thì một lần hướng tâm như sau:


“Quán đoạn dứt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm tham tôi biết tôi thở ra”.

“Quán đoạn dứt tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm sân tôi biết tôi thở ra”.

“Quán đoạn dứt tâm si tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm si tôi biết tôi thở ra”.


Như thế, cứ cách 5 hơi thở thì một lần hướng tâm (Đừng để cho một niệm khác xen vào trong khi ta thở và tác ý).

Khi tu tập Định Niệm Hơi Thở như vậy độ 30 phút thì quý vị xả nghỉ. Nếu quý vị có sức ngồi tu tập bền lâu thì cũng nên tu tập 30 phút rồi xả nghỉ, không nên tăng hơn suốt trong ngày đêm Thọ Bát Quan Trai Giới. Quý vị cứ tu tập từng hành động, trong công việc làm, hay lúc đi kinh hành, luôn luôn tu tập Định Niệm Hơi Thở kèm theo pháp hướng để xả tâm thì tâm hồn quý vị sẽ được thanh thản.

Đây là bài tham khảo thêm về Giới Niệm Hơi Thở, hơi thở ra, hơi thở vô để quý Phật tử nghiên cứu. Pháp môn Giới Niệm Hơi Thở Ra, Hơi Thở Vô là một pháp môn mang lại lợi ích rất lớn cho công cuộc chiến đấu với mặt trận sinh tử luân hồi của nhân quả.


Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.