Việt Nam Thi Sử Hùng Ca - TNT Mặc Giang

VLCĐ: Việt Nam Thi Sử Hùng Ca là một tác phẩm thơ mang tính dân tộc và hiện đại. Chất thi vị của thơ thâm trầm mà tươi sáng, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước, cảm hoài thế sự thương đau. Rất mong được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc yêu thơ. Dù sao, đây cũng là một nổ lực của chính nhà thơ Mặc Giang trên bước đường sự nghiệp văn chương .





Mục Lục
01. Lời giới thiệu SG Phạm Trần Quốc Việt
02. Một cái nhìn về Thi Sử Hùng Ca Nhật Thu
03. Dẫn nhập Tác giả
04. Non nước Việt Nam (về địa lý)
05. Mở lối (vào Sử)
06. Từ Nguồn Cội đến Bắc Thuộc
07. Thời kỳ Bắc Thuộc, cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng - Bà Triệu
08. Cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế - Mai Hắc Đế
09. Cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương
10. Cuộc khởi nghĩa của Họ Khúc - Họ Dương
11. Ngô Quyền - Chiến thắng Bạch Đằng, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc
12. Triều đại Nhà Đinh (968-980)
13. Nhà Tiền Lê (980-1009)
14. Triều đại Nhà Lý (1010-1225)
15. Triều đại Nhà Trần (1225-1400)
16. Nhà Hồ và Hậu Trần (1400-1413)
17. Lam Sơn Lê Lợi và Triều đại Lê Sơ (1428-1527)
18. Nam - Bắc Triều, Trịnh - Nguyễn phân tranh (1527-1788)
19. Triều Nguyễn Tây Sơn (1778-1802)
20. Triều Nguyễn Gia Long (1802-1945)
21. Một cái nhìn về Phương Tây
22. Việt Nam trăm năm Pháp Thuộc
23. Năm năm Nhật xuất hiện và 9 năm Pháp quay lại
24. Một mốc thời gian
25. Em tôi, còn đó quê hương - Lịch sử nối dài.

Thêm 20 bài cũng của tác giả vào cuối Thi Sử:
01. Ta đi trên nước non mình
02. Tình ca muôn thuở của Người Việt Nam
03. Điệp khúc Quê Hương
04. Dệt mộng Mười Đi
05. Người Cha Việt Nam
06. Ông Cha của ta
07. Bài ca Mẹ Việt Nam
08. Hồn Non Nước
09. Tuyên ngôn của Nước Việt Nam
10. Tâm hồn Việt Nam
11. Anh hùng rơi lệ
12. Nặng tình Nước Non
13. Anh về thăm lại tình quê
14. Em về thăm lại quê xưa
15. Cha về thăm lại quê nhà
17. Mẹ về thăm lại quê nghèo
18. Trả ta Sông Núi
19. Dõng dạc Tuyên Ngôn
20. Ta bước đi.
**************
 T/g: Thích Nhật Tân - Mặc Giang
Lời Giới Thiệu

 Tình cờ tôi được cầm quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của Mặc Giang do một người bạn trao tay, tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc của sự đồng cảm tự tình dân tộc, vì ở thời buổi này vẫn còn có những người thiết tha với sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy tôi không ngại ngùng gì khi giới thiệu nhà thơ Mặc Giang với tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca.
Mặc Giang là một nhà thơ tư duy sâu sắc, một nhà thơ của thời đại với những thao thức về thân phận con người, những trăn trở về vận mệnh dân tộc, . . . Tất cả đã được Mặc Giang thể hiện trong Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trong sáng và xúc tích, tràn đầy lòng tự hào dân tộc khi được mang cái gène “Con Rồng Cháu Tiên” luân lưu trong huyết quản. 
Tôi xin trân trọng giới thiệu và xin mời quí vị, chúng ta cùng đi trên khắp nẻo đường đất nước để tâm tư lắng đọng cùng nhìn lại ngọn nguồn dân tộc, từ nguồn cội đến thời kỳ Bắc Thuộc “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, ba mươi năm . . .” như lời một bài hát của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.
Em tôi ơi, xin đừng buồn vì quê hương còn đó, dòng vận mệnh lịch sử sẽ nối dài tiếng gọi Việt Nam như Mặc Giang đã viết :
“Việt Nam non nước một nhà
Muôn ngàn năm nữa vẫn là Việt Nam”

Sài Gòn lập thu Ất Dậu 2005
SG PHẠM TRẦN QUỐC VIỆT
*****
 
Một cái nhìn về Thi Sử Hùng Ca
      Lục bát là thể thơ đặc biệt của người Việt Nam, từ thuở còn nằm nôi, vầng thơ Lục Bát qua tiếng ru của mẹ đã thấm vào tâm hồn. Lớn lên, khi tiếp xúc với văn hóa, được hai tác phẩm thơ Lục bát là Kim Vân Kiều của Thi hào Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu soi sáng. Vì vậy, thơ Lục bát đã thấm sâu trong mỗi tâm hồn của người Việt.
Hôm nay, đọc Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của nhà thơ Mặc Giang, thật sự tôi vô cùng thán phục. Bởi ngoài hai tác phẩm vĩ đại, Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều, còn một số tác phẩm đồ sộ xa xưa không danh tác giả nhưng bút trụ trong nền văn học như Phan - Trần, Quan Âm Thị Kính, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nhị Độ Mai. Như vậy, thể thơ Lục bát trường thiên (một vài ngàn câu), ít có thi nhân nào thực hiện. Thông thường chỉ vài ba hoặc năm bảy chục câu mà thôi. Như vậy, viết thơ Lục bát trường thiên là một thách thức khó khăn. Ở Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên  thì tác giả dựa vào cốt chuyện Trung Hoa, còn Việt Nam Thi Sử Hùng Ca, Mặc Giang dựa chính vào lịch sử dân tộc Việt Nam trải dài và xuyên suốt qua các triều đại. Quả thật đây là khó khăn rất lớn khi vận dụng âm sắc thơ Lục bát để chuyển tải đề tài lịch sử.
Thi Sử Hùng Ca sau khi đọc kỹ càng, cẩn trọng, tôi vô cùng xúc động. Nhà thơ Mặc Giang đã khéo léo vận dụng một cách linh hoạt bút pháp của thể thơ Lục bát, để chuyển tải nội dung từng giai đoạn lịch sử, lúc thì hùng tráng, lúc thì tủi hận đau thương v.v. Chỉ với hai câu sáu và tám liên kết nhau thành chuỗi xích dài vô tận. Việt Nam Thi Sử Hùng Ca là một tác phẩm thơ mang tính dân tộc và hiện đại. Chất thi vị của thơ thâm trầm mà tươi sáng, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước, cảm hoài thế sự thương đau.
Rất mong tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca sẽ được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc yêu thơ. Dù sao, đây cũng là một nổ lực của chính nhà thơ Mặc Giang trên bước đường sự nghiệp văn chương .
Ngày 30 tháng 12 năm 2005
Nhật Thu
 
DẪN NHẬP
Việt Nam Thi Sử Hùng Ca, là Thi Tập có tính sơ lược, tổng quát, đại cương xuyên suốt chiều dài 5000 năm lịch sử dân tộc, từ Hồng Bàng, các quốc tổ Hùng Vương, cho đến thời cận và hiện đại, tức cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, được soạn vào năm 2003 bằng thi ca, căn cứ theo các tài liệu :

1. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
2. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn
3. Việt Sử của Nguyễn Văn Bường
4. Các Triều Đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng
5. Tóm tắt Niên biểu Lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức
6. Địa lý Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ – Phạm Đình Tiếu
7. Bản đồ địa lý Việt Nam, theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê năm 1999

Việt Nam Thi Sử Hùng Ca, được dẫn nhập bài Non Nước Việt Nam, bằng 16 câu thơ biến thể tự do, và tiếp theo 80 câu theo thể lục bát, nói về địa lý Việt Nam, nhưng chỉ liệt kê tên tất cả mọi Tỉnh, Thành của đất nước, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, để tất cả mọi người Việt Nam dù được sinh ra ở bất cứ nơi đâu, xuyên qua mọi không gian, thời gian, nhưng khi nói về nguyên quán, là để nhớ đến vùng đất đầu đời, và nhớ đến toàn cõi Việt Nam.

Sau đó, để có cái nhìn tổng quát và khái lược 5000 năm lịch sử huy hoàng của dân tộc, dọc theo chiều dài mở nước, dựng nước, giữ nước, từ Tổ Tiên, qua các triều đại, cho đến từng thế hệ hôm nay, được diễn theo Thi Sử Hùng Ca, mở lối bằng 14 câu thơ biến thể tự do, và tiếp theo 722 câu theo thể thơ lục bát.
Hình dung bản đồ Việt Nam trước mặt, như chính mình đang đi, đang nhìn, đang thấy khắp Ba Miền, đi từ Bắc vào Nam, từ cao nguyên cho tới đồng bằng, qua sông qua suối qua đèo, băng rừng băng núi băng non, qua mọi Tỉnh, Thành của quê hương đất nước :

“Tôi xin mở bản dư đồ Hình cong chữ S
Ngắm từng Tỉnh, từng Vùng
Của nước Việt dấu yêu
Của giang sơn cẩm tú mỹ miều...
... Mở đầu, Miền Bắc khai nguyên
... Anh lên Miền Ngược, em về Miền Xuôi
Xuôi về Hà Nội mới thôi
Thăng Long hoài cổ, đổi dời Thành Đô
... Sài Gòn chưa vẹn câu thề
Em đi, đi nữa xuôi về Miền Nam
... Em đi, đi nữa em ơi
... Hình cong chữ “S” nơi nơi
Non non nước nước của Người Việt Nam”.

Khi từng miền đất nước, như đã cấu thành cho con người Việt Nam máu đỏ da vàng, cho tình tự yêu thương chạy dài từ thành thị đến thôn trang. Thật vậy, từng nẻo đường quê hương như phảng phất : Kia bóng cờ bay “Những lối đi, chạy ngang qua đất đỏ”. Reo khúc khải hoàn với “Những lối về, chạy dọc dưới trời xanh”. Và mỗi bước đi như có hồn thiêng khói quyện, hồn sử lung linh, máu lệ đầy vơi nhưng lẫm liệt oai hùng, hy sinh gian khổ nhưng huy hoàng bất khuất. Mỗi chúng ta hãy lần theo từng trang sử qua từng thời kỳ của 5000 năm văn hiến của đất nước Việt Nam, đang được mở ra :

“Tôi xin mở bản đồ đất nước Việt Nam
... Tổ quốc, giang sơn, giòng giống Tiên Rồng”
“Quê hương từ độ khơi dòng
Mở trang Sử Việt oai hùng ngàn năm
Đi từ huyền sử xa xăm
Hồn thiêng sông núi Việt Nam muôn đời
... Em đi trong mộng trong mơ
Năm ngàn năm đã đợi chờ thật lâu...
  Và cuối cùng, đi vào kết thúc lịch sử 5000 năm, rồi lại mở ra 5000 năm nữa ...
“Nước là nước, nhà là nhà
Nhà là của nước, nước là của sông
Em ơi, con cháu Lạc Hồng
Em ơi, dòng dõi con Rồng cháu Tiên
Quê hương còn đó, Ba Miền
Việt Nam còn đó, núi liền với sông
Trường Sơn có thấu Biển Đông !
Thái Bình có thấu Sông Hồng, Cửu Long !
Đồng Nai đứng đợi cuối dòng
Nước bao nhiêu nữa, cũng nguồn mà ra
VIỆT NAM, NON NƯỚC MỘT NHÀ
NĂM NGÀN NĂM NỮA CŨNG LÀ VIỆT NAM”.

Việt Nam Thi Sử Hùng Ca, được soạn thảo bằng cách, nhìn vào bản đồ Việt Nam và cuốn Địa lý Việt Nam từ Bắc vào Nam ; đọc, lược, đối chiếu qua 5 bộ sách lịch sử, qua thời gian, qua từng thời kỳ và các triều đại, cảm tác suốt một tuần lễ, tổng cộng qua 832 câu thơ, gồm 30 câu biến thể tự do, 802 câu theo thể lục bát. Sau đó, tự tác giả đọc lại, sửa, đánh máy, bình chú cũng xuyên suốt trong một tuần lễ.
Như vậy, cả hai hai tuần lễ của tháng 9 năm 2003, Thi Tập VIỆT NAM THI SỬ HÙNG CA, một sản phẩm của con tim, khối óc, tình tự, trí tuệ được thành hình. Thi tập này chưa nhưng sẽ được tác giả tự ấn hành trong nay mai.

Rất mong những bậc cao minh góp ý hoặc mách bảo những sai sót, khiếm khuyết, nhất là về sử, hay tự chính tác giả khi phát hiện được, sẽ sửa chữa, đính chính, trước khi in ấn, hoặc vào những lần tái bản, để Việt Nam Thi Sử Hùng Ca được hoàn thiện hoàn mỹ, không phải của riêng tác giả mà của tất cả mọi người.
Rất mong, Việt Nam Thi Sử Hùng Ca sẽ được chân thành gởi đến, và như một cống hiến dâng tặng đến tất cả mọi người Việt Nam, qua mọi không gian thời gian, và ao ước mọi người Việt Nam đều mang tình tự quê hương đậm đà, đều có những nỗi niềm khắc khoải nhưng tràn đầy diễm phúc tự hào, qua âm hưởng Việt Nam Thi Sử Hùng Ca 5000 năm dân tộc và Ba Miền nước Việt dấu yêu.

Ngày 06 tháng 8 năm 2005
Trân trọng và cẩn chí
TNT Mặc Giang
********
Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.