Khi Phụ nữ là Tu sĩ

VLCĐ: Một sự trùng hợp thú vị, nhân kỷ niệm ngày Phụ Nữ Việt Nam năm nay, một nơi thật xa, xa lắm, có một vị nữ tu sĩ nhận quyết định Bổ nhiệm trụ trì một ngôi Chùa tranh tre nhưng đầy cỏ hoa và nắng gió. Chúng tôi muốn nói đến vị Sư cô Đức Thanh và địa danh Xã Đăk Sin, H Đăk R’Lấp, Tỉnh Đăk Nông.

Đường vào Chùa thật quanh co, đi một lần có lẽ sẽ nhầm vì cỏ bên đường nơi nào cũng giống nhau như lột, có chăng là quãng đường gập ghềnh, ấn tượng trước khi bước chân vô ngôi nhà tranh hở trước trống sau mà giờ đây đã được gọi là Chùa.

Tây nguyên đã vào lúc giao mùa, gió bắt đầu lộng và muỗi trong các lùm cây không còn xông ra tấn công chúng tôi như lần trước nữa, huynh đệ của sư cô Đức Thanh đã lần lượt tựu về để góp tay cho ngày mà Cô chính thức gởi hình hài mảnh mai bé nhỏ trên đôi chân trần của một cô gái xuất thân từ chốn phồn hoa đô hội. Đâu đó tiếng cười râm ran mỗi khi ông gió trêu đùa thổi phăng những giỏ hoa vừa mới cắm lăn nhào như con cù chao qua rồi đảo lại.

Mùi tre tươi, mùi tranh mục vẫn còn đâu đây, chả cần suy tư về bố cục, ánh sáng, những lỗ thủng trên nóc nhà tranh cũng đủ mang sợi sáng nhiệm màu rọi lên những tác phẩm mà các sư cô đang trình bày một cách ngẫu nhiên nhưng thật nhiều huyền thoại.

Trên những khuôn mặt lúc nào cũng như thể “thong dong tấc dạ rứa mà vui” có ai nghĩ rằng trong sâu kín của các sư cô đang lo, một nỗi lo bất ngờ khi chúng tôi vừa đến, chỉ đến khi bữa cơm trưa thực sự thanh bần chúng tôi mới hiểu ra rằng cái niêu cơm bé nhỏ không đủ chỗ cho chúng tôi mặc cho các cô vẫn hồn nhiên với tấm lòng rộng mở.


Người thành phố chúng tôi lâu nay dựa dẫm vào những tiện ích tiêu dùng có sẫn, họa hoằn lắm trúng ngày cúp điện và tâm lý thật sự siêng năng thì mới có “niêu cơm” nấu bằng lửa để rồi lát nữa đây sẽ giành nhau miếng cơm cháy. Ở đây thì khác, cuộc sống dân giã và đậm chất miền quê, cho nên niêu cơm mà nhiều cháy thì cơm nạc còn là bao?

Và… Chúng tôi đã được thưởng thức bữa cơm cháy thật ngon miệng, cho đến khi biết rằng Quý cô “ nhịn miệng đãi khách đường xa” rồi thì nhường qua nhín lại để tộ cơm đãi khách cứ xê lên rồi dịch xuống khi mà trong lòng đang chờ cho giờ quá bữa chóng đi qua.
 
Nhà bếp của “Chùa” cũng thật khiêm tốn, tất cả những gì để đưa vào miệng đều để tại đây, ấy vậy mà nhìn hoài chẳng thấy gạo nơi đâu, hóa ra gạo đã hết….

Thân mong manh đứng giữa trời nắng gió,
Hạt ngọc Trời cho mang nghị lực đến cho người
Gạo ơi là gạo, hạt ngọc Trời cho biến thành những cánh hoa xinh đem đang tặng cho đời hết rồi ư?

Viết tặng Quý Sư cô nhân buổi ghé thăm trước ngày Bổ nhiệm
Quang Ninh - VLCĐ
--------------

Đôi dòng tự sự của Sư Cô Đức Thanh dâng lên người Cha Kính yêu:

   Ba kính yêu của con!
   Chỉ còn gần hai tuần nữa là con làm lễ Bổ nhiệm trụ trì.
   Ba à! Đứa con gái bé bỏng Ba đưa đi xuất gia ngày nào bây giờ đã trưởng thành và khôn lớn.Biết Ba không còn nhưng con vẫn muốn viết thư cho Ba, để con vẫn biết rằng Ba luôn hiện hữu và theo dõi từng bước chân con.
Hôm nay con về thăm lại mái nhà xưa, đây chổ Ba ngồi,đây phòng Ba ngủ, con vẫn còn nghe đâu đây tiếng nói của Ba: "Mô phật cô mới về đó à!" Giờ tìm đâu thấy.......
   Vậy là lễ Bổ nhiệm của con không có Ba rồi......... Con cảm thấy buồn thấy nhớ Ba khôn nguôi. Con vừa mồ côi Thầy, mồ côi Ba, một nỗi mất mát lớn trong đời không có gì bù đắp nỗi... Ba biết không,có những lúc con tưởng chừng như không đứng vững trước những nghịch cảnh trái ngang của cuộc đời, nhớ tới Ba suốt đời tận tuỵ với Phật pháp, rồi những lời nhắn nhủ của Ba, con như có thêm nghị lực tiếp bước con đường phía trước.
     Có một điều làm con ray rức mãi là chưa một đưa Ba lên đây, để thấy được chỗ ở con gái của Ba đang làm phật sự, lúc đưa được Ba lên trên này thì chỉ là di ảnh và khói trầm quyện toả. Thắp nén hương lòng đứng trước di ảnh Ba,con nguyện sẽ dốc hết sức mình để phụng sự Tam Bảo" Dù bao nhiêu gian khổ,dù gặp nhiều nguy khó, lý tưởng con nguyện vẫn tôn thờ". Xin Ba hãy gia hộ cho con luôn chân cứng đá mềm Ba nhé! Thương và nhớ Ba thật nhiều

-----------------------------












Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.