VLCĐ: Xin nguyện học theo hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm: Lắng nghe
không chỉ trích, nghe không oán hận, nghe không toan tính, dù điều tốt hay xấu.
Dù cho người đã đối với ta chưa từng tốt đẹp, dù là người đã làm nên tội lỗi.
Nghe để hiểu và giúp người khác nhận diện được nguồn gốc của khổ đau, để giúp
người an vui. Lắng nghe để thương yêu tất cả mọi người, mọi loài.
Có rất nhiều người trong cuộc đời, loay hoay đi tìm chân lý, tìm lẽ phải, những khái niệm trừu tượng rất đỗi xa xôi, người thì sống quá thực tế, an bằng với những niềm vui tạm bợ nơi trần thế. Thời gian trôi đi, trôi đi, và rồi tất cả họ cũng đều đau khổ, những hạnh phúc ví như bong bóng xà-phòng. Chân lý thì xa vời mà thực tế lắm lúc phũ phàng. Họ đi tìm niềm vui ở đâu, bỏ quên thực tại này. Vậy thì ai cho ta hạnh phúc?
Chúng
ta thường rất dễ quên rằng: còn có một nơi nương tựa rất vững chãi chính là “hải
đảo tự thân”. Bởi chưa có thể quay về, để nương tựa, tìm lại chính mình, để
lắng nghe, nhận diện với những nỗi khổ niềm đau trong ta, những lo toan, chật
vật vì đời sống vật chất cũng như tinh thần, nên hạnh phúc cứ mãi xa vời.
Trong đạo
Phật, có một phương pháp thực tập rất đơn giản để chế tác hỷ, lạc, đó chính là
con đường chánh niệm. Chánh niệm giúp cho ta sống vui trọn vẹn trong mỗi giây
phút thực tại, chìa khóa mở ra cho hành giả một phương trời mới. Chánh niệm,
hiểu đơn giản là ta có mặt và nhận biết những gì đang xảy ra xung quanh, “khi
đi biết rằng đang đi”, làm việc gì biết mình đang làm việc ấy. Đó chính là nghệ
thuật, là bí quyết để bạn thành công hơn trong cuộc sống. Chánh niệm tạo ra
nguồn năng lượng nội tâm mạnh mẽ, có thể lắng nghe chính mình, từ đó lắng nghe
được nỗi khổ niềm đau của mọi người, mọi loài xung quanh. Ở nơi đó, con người
cần mở rộng lòng để yêu thương nhiều hơn, bao dung, tha thứ, cảm thông và chia
sẻ nhiều hơn nữa.
Xã hội ngày
nay đang trong thời đại “mọi chi tiết xin liên hệ Google”, thông tin cập nhật
như chớp nhoáng, tất cả có vẻ vội vội, vàng vàng. Trong một cuộc sống của thời
đại quá nhiều thứ để bận rộn như học hành, công việc, giao tiếp, bạn bè, đi
lại… bận rộn vì một chiếc điện thoại có nhiều ứng dụng tiện ích như: facebook,
zalo, skype, viber… Sự thật là nhiều khi ta không tài nào kiểm soát nổi. Cùng
với sự phát triển đó, theo thông tin đăng trên báo, trên mạng xã hội ngày nay,
có rất nhiều những trường hợp cho thấy dấu hiệu suy sụp tinh thần, văn hóa,
nguy cơ xung đột xã hội, bế tắc trong cuộc sống dẫn đến tệ nạn gia tăng, bởi
rất nhiều nỗi niềm không được giải tỏa, không thể bày tỏ cho những người xung
quanh, những trái tim đau đớn, thương tổn vẫn lặng câm ở góc khuất nào đó giữa
sự hờ hững của cuộc đời.
Vậy ta phải
làm gì giữa thời cuộc như vậy? Đó không phải là trách nhiệm riêng ai, mà là
chính bản thân mỗi người chúng ta nên nhận biết: song song với thời đại tri
thức mới, khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc bên ngoài ấy, mỗi chúng ta cần
phải quay trở về bên trong nội tâm để thực tập trau dồi, tăng thêm năng lượng,
tăng “sức đề kháng” để dung hòa sự bình yên trong cuộc sống, chăm sóc nuôi
dưỡng lòng yêu thương của mình với mọi người xung quanh. Thi thoảng, bạn cũng
nên đặt chiếc điện thoại ở một góc khuất nào đó một vài ngày cho đến một tuần,
để nhận biết rõ ta đã bỏ quên nhiều việc làm rất thiết thực, để ý thức sự có
mặt trọn vẹn của những người thân thương xung quanh mình, để thấy sự sống của
thiên nhiên đang tiếp diễn biểu hiện sinh diệt thay cho một đời người. Đặt
chiếc điện thoại ở xa tầm tay một chút để nhận ra rằng: nó chỉ là một phương
tiện kết nối chứ không phải để “điều phối” cuộc sống ta. Đôi khi dừng lại chúng
ta mới có thể nhìn và nghe được những thanh âm trong cuộc sống, của nỗi niềm
hạnh phúc hay muộn phiền của chính bản thân mình và của mọi người. Đừng để cho
tất cả sự âu lo vây kín cả cuộc sống bạn. Có bao giờ ta đã thật sự lắng nghe
ta? Có bao giờ ta đã chân thành lắng nghe người? Một ngày, bạn nên dành một ít
thời gian như thế. Rất nhiều người cần một người bạn thật vững chãi chỉ để lắng
nghe thôi. Trong tác phẩm Hiểu về trái tim của thầy Thích Minh Niệm có bài thơ
rằng:
“Từ im
lặng trái tim
Ta nghe
lòng khắc khoải
Bao năm
qua đi đâu
Không hay
đời réo gọi”
Lắng nghe, đó
là hạnh nguyện của Đức Quan Thế Âm Bồ-tát. Vị Bồ-tát thường lắng nghe và cứu
khổ, cứu nạn cho cuộc đời. Con xin nguyện được lắng nghe, nguyện được cảm thông
và chia sẻ.
Nam mô
Bồ-tát Lắng Nghe Quan Thế Âm.
Lắng nghe
không chỉ trích, nghe không oán hận, nghe không toan tính, dù điều tốt hay xấu.
Dù cho người đã đối với ta chưa từng tốt đẹp, dù là người đã làm nên tội lỗi.
Nghe để hiểu và giúp người khác nhận diện được nguồn gốc của khổ đau, để giúp
người an vui. Lắng nghe để thương yêu tất cả mọi người, mọi loài.
Hãy lắng nghe
nhau. Hãy là nơi nương tựa vững chãi cho tôi, cho bạn.
Và, mời bạn
hãy cùng ngồi xuống đây cùng tôi, ngồi trong tĩnh lặng, cùng an trú trong từng
hơi thở, trong hiện tại. Những phút giây đó nối tiếp nhau. Mắt nhìn đời thương
yêu. Buông bỏ quá khứ, tương lai. Buông bỏ thì ta mới được thong dong và tự
tại. Bây giờ hạnh phúc đích thực là của bạn. Hạnh phúc không mang một tên gọi
mơ hồ. Thực tập như vậy, một ngày, bình thường thôi, nhưng bạn lại nhìn mọi
việc trong đời như áng mây lãng đãng trên trời kia, như dòng nước chảy dưới
sông, bởi những khó khăn, ưu lo, trở ngại, được ta thực tập ôm ấp và chuyển hóa
nhờ năng lượng của chánh niệm, kết quả từ sự lắng nghe và thấu hiểu. Tình yêu
thương được mở rộng khắp muôn nơi. Đó chính là an lạc và thảnh thơi.
Im
lặng để nghe. Lắng nghe để hiểu. “Hiểu
càng rộng, thương càng sâu”.
Thích Nữ Minh Tâm
Đăng nhận xét