VLCĐ: Nói đến Sớ điệp công văn trong Phật giáo Việt nam là đề cập đến nghi thức, nghi lễ và mẫu mực tất cả các loại giấy tờ được dùng trong các lễ tiết của dân tộc. Tất cả nghi thức và ý nghĩa các lễ trong Phật giáo đều phát xuất từ kim khẩu đức Phật, hoặc chư Tổ được ghi lại trong kinh điển. Về sau quý vị Cổ Ðức đã sang định lại cho phù hợp với nghi lễ cổ truyền của mỗi dân tộc mà không mất mục đích tối thượng của Ðạo Phật là giải thoát và lợi sanh.
Không cổ xuý hay thoả hiệp những điều mê tín dị đoan sẵn có của dân tộc đó, ngược lại còn dùng Phật pháp để soi sáng và đẩy lùi bóng tối mê tín dị đoan. Bằng cách áp dụng phương tiện hết sức thiện xảo trong nghi lễ, luôn luôn khế cơ, khế lý cho mỗi một chúng sanh hầu cứu vớt họ ra khỏi tam đồ, lục đạo và không bỏ rơi một chúng sanh nào cả.
Nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam chúng ta ít nhiều cũng đã ảnh hưởng nghi lễ Trung quốc, nhưng với tinh thần Quốc gia ,Dân tộc, tiền nhân đã gạn lọc để giữ lại những tinh túy phù hợp với tâm lý, đạo lý làm người và cuộc sống hàng ngày của dân tộc để phát triển, và loại bỏ những điều quá câu nệ, phức tạp, hình thức không cần thiết. Các ngài đã lập nên những bộ sách Gia Lễ cho toàn dân xử dụng như Thọ Mai Gia Lễ do ngài Hồ Sĩ Dương hiệu Thọ Mai người tỉnh Hải Dương -Bắc Việt viết vào đới Trần, bộ Thành Luận Gia Lễ do ngài Lê Quý Ðôn viết vào đời Lê.v.v...và cận đại cũng có rất nhiều sách nói về nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Nhưng Phật giáo được truyền vào Việt nam sớm hơn những thời điểm này rất xa, nên nghi thức Phật giáo đã hoà nhập vào nghi lễ phổ thông của quần chúng Việt nam một cách êm đẹp mà không thấy có bất cứ một điều gì nghịch lý cả. Nghi lễ Phật giáo đã chứa đựng nhiều mặt sinh hoạt của xã hội và con người Việt nam. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ khảo sát về phương diện công văn mà thôi. Khi đọc qua những tài liệu này, chúng ta cũng hiểu được phần nào công việc hoằng dương đạo pháp và phương pháp hành trì của người xưa qua phương diện nghi lễ, hầu rút tỉa được ít nhiều kinh nghiệm mà ứng phú đạo tràng trong hiện tại và tương lai, bất cứ ở đâu.
Sớ điệp công văn trong Phật giáo Việt nam là những cách thức, mẫu mực giấy tờ dùng để biểu bạch lên Tam bảo,hoặc tâu trình lên Thánh, Thần, Linh, Cô hồn.v.v...trong pháp giới lục đạo. Mục đích là giúp cho trai tín chủ tóm tắt những lời phát nguyện, những lời sám hồi tội khiên, cùng những ước nguyện hòng vun trồng công đức, tu hành.
Những loại văn bản sau đây hiện đang áp dụng:
1/ SỚ: Một tờ điều trần dâng lên bậc bề trên, trong Phật giáo Việt nam gọi là sớ hay sớ đầu, có tính cách như một lời phát nguyện dâng lên Tam bảo.
2/ BIỂU: Nói đầy đủ là Biểu bạch, nêu rõ ràng sự kiện cần trình bày lên Tam bảo hoặc chư vị Bồ Tát.
3/ TRẠNG: Bài văn giai bày sự việc trình lên Thánh, Thần.
4/ HỊCH: Lời của người trên hiểu dụ (kêu gọi) người dưới “vd:Hịch Nguyễn Trãi”.
5/ ÐIỆP: Bản văn có tinh cách làm sáng tỏ vấn đề để người xử dụng được dễ dàng trong việc đi lại hay thi hành nhiệm vụ.
6/ DẪN: Một thể văn dùng để nói đến một sự việc khác.
7/ PHAN: Một khổ vải dài rũ xuống có ghi chữ trên đó tuỳ theo mục đích của buổi lễ “vd: như Chẩn tế, bạt độ...”.
8/ BẢNG: Dùng để yết thị chương trình hành lễ (ngày nay gọi là chương trình).
9/ NHO: Một lá cờ có ghi tên của các vị Thần ngũ phương dùng để triệu thỉnh các Ngài trong một công việc nào đó.
10/ BÀI VỊ: Tên chung của một thông báo về chỗ ngồi của chư vị Thần, Linh.v.v...
11/ THIẾP: Một bản văn để làm tin.
A/ Hình thức:
a/ Màu sắc: Sớ, Biểu, Trạng, Dẫn đều được viết trên giấy bản màu vàng. Còn các loại khác viết trên giấy màu đỏ hoặc trắng.
b/ Kích thước: Ngày xưa quy định tờ giấy bản dài khoảng 64 phân tây (cm), rộng 40 phân tây (cm), gấp làm đôi theo chiều ngang, gấp xong, bề dài là 40 cm, bề ngang là 32 cm, xếp thành 4 khổ bằng nhau. Mỗi khổ 8 cm bằng khoảng 4 ngón tay như người xưa đã dạy:”tiền nhất chưởng, hậu bán trương”.
c/ Cách trình bày: Phải viết đúng theo khuôn phép đã được người xưa quy định như: chỉ được viết một mặt mà thôi, viết chữ chân, không được viết chữ thảo. Hồng danh chư Phật, Bồ Tát, tên kinh, chú phải viết hoa lên hàng đầu hoặc giữa hàng gọi là Ðài hay Ðài lọng (nếu viết theo kiểu chữ nho xưa). Phía trên đầu tờ giấy phải chừa một khoảng trống bằng một lóng tay giữa (khoảng 3 cm), phía dưới cùng tờ giấy phải chừa một khoảng nhỏ nhất cũng phải đủ đường cho một con kiến bò (khoảng 2 cm) như người xưa đã căn dặn:”Thượng thông thiên đường, hạ triệt nghị tẩu”.Phần cuối cùng ghi ngày, tháng, năm và vị dâng sớ ký tên và đóng dấu.
B/ Nội dung:
a/ Nội dung của Sớ, Biểu.v.v...căn cứ vào bài kệ trong phảm “Biểu Bạch” ở tập luận “Thuyết pháp Minh nhẫn” như sau:
Biểu bạch Tam bảo cảnh.
Ðồng biệt trú trì Phật.
Tiên tán tu thiện thể,
Tứ thán thí chủ ý.
Thánh linh thành Bồ đề,
Thánh chúng nguyện thành tựu.
Hồi hướng pháp giới chúng,
Chư Thiên tăng uy quang.
Nghĩa là: Tờ sớ, biểu dâng lên Phật, Bồ Tát...(Tam bảo) là phải nêu rõ dâng lên vị nào: đồng trú trì Phật hay biệt trú trì Phật, tức là dâng lên một đức Phật hay nhiều đức Phật. Ðiều trước tiên là phải tán dương công đức tu thiện của ngài, sau đó nói rõ và ca ngợi thành ý của thí chủ, cầu nguyện bậc Thánh Linh phát tâm Bồ đề, lắng nghe cùng độ trì cho lời nguyện của chúng sanh được thành tựu. Tiếp theo là hồi hướng khắp thảy chúng sanh và cầu nguyện chư Thiên đều được tăng phần oai nghiêm, sáng lạng.
b/ Văn thể: Các lòng sớ, biểu... đều tuỳ cơ duyên mà trước thuật, phải hợp vào cảnh huống lúc khấn nguyện, tức là khế cơ và khế lý, nên chư Tổ ngày xưa, các vị Cổ Ðức, các vị thiện trí thức, Cư sĩ, Phật tử uyên bác đã trước thuật nội dung các lá sớ, biểu.v.v... để dâng cúng Phật, chư Bồ Tát. Theo quan niệm chư Phật là bậc Thế tôn, nên cách hành văn cho đến văn thể đều có quy cách nhất định, thường theo thể văn Biền ngẩu đối nhau rất sát (đối câu, đối chữ, đối ý...).
Ví dụ: Nhứt niệm chí thành đối Thập phương cảm cách.
Ta bà Giáo chủ hoằng khai giải thoát chi môn đối Cực lạc Ðạo sư tiếp dẫn vãng sanh chi lộ.
Phước, thọ, khương, ninh nãi nhân tâm chi tự nguyện đối Tai, ương, hạn, ách bằng Phật lực dĩ siêu thăng.v.v...
Hầu hết các lòng văn sớ, điệp...của Phật giáo Việt nam đang xử dụng đều ở trong bộ Tâm Nang và Thiện bổn. Nhưng càng về sau càng có nhiều việc xẩy ra như lễ thành hôn tại chùa chẳng hạn, dù lòng sớ đã được trước tác nhưng chưa được ghi vào các bộ công văn của Thiền môn để áp dụng. Do đó bất cứ ai, dù xuất gia hay tại gia có văn tài liễu đạt nghĩa kinh đều có thể trước thuật và làm bản văn mẩu mực cho người sau tùy duyên mà xử dụng sau khi đã được các ngài Cao tăng, Ðại đức trong giới Thiền môn chấp nhận.
Tóm lại: Sớ, Biểu, Trạng, Hịch...là những án văn chương tuyệt tác, có vần có điệu được trình bày một cách hợp đạo, khiến người đọc cảm thấy hòa mình vào mà tự phát nguyện dâng trọn niềm tin lên chư Phật, chư Bồ Tát, xem như phương tiện dắt người vào đạo. Trên phương diện tinh thần là những yếu tố gây niềm tin một cách vững chắc đối với trai tín chủ.
Sớ điệp công văn trong Phật giáo Việt nam là một công việc khá năng nề, đòi hỏi người đảm trách phải có kiến thức chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để ứng phó và giải quyết tất cả mọi vấn đề từ trên bàn thờ đến tận nhà bếp, và phải có tinh thần cầu tiến, thường xuyên học hỏi với các bậc tôn túc, các vị chuyên khoa nghi lễ về các ngành thuộc khoa đó như: cách xử dụng các loại pháp khí, am hiểu các cung điệu, lễ nhạc, am tường khoa nghi, ý nghĩa các bài kệ để xử dụng đúng chỗ, đúng lễ, biết cách tổ chức các loại đàn tràng hầu giúp trai chủ hoàn thành sở nguyện. Ðăc biệt nhất là phải sang bằng tất cả mọi trở ngại xẩy ra trong tiến trình cung hành nghi lễ để tránh bỏ mất bất cứ một lễ lạc nào đã có trong chương trình. Ðược như vậy thì âm dương đều lợi lạc.
Khi thiết lập và trình bày nội dung của một văn sớ, cần nắm vững một số yếu tố sau đây:
1./ Những danh từ chỉ tháng.
Tháng 1: Thần duy Dần nguyệt, tiết thuộc mạnh Xuân, liễu đính hoàng kim, mai khai bạch ngọc.
Tháng 2: Thần duy lan nguyệt, tiết thuộc trung hòa, oanh chuyển như hoàng, hoa phi tợ cẩm.
Tháng 3: Thần duy đào nguyệt, tiết thuộc mộ Xuân, đào vũ phiên hồng, bính tinh điểm lục.
Tháng 4: Thần duy mạch nguyệt, tiết thuộc thanh hòa, hòe ấm dinh đình, hà hương mãn chiểu.
Tháng 5: Thần duy bồ nguyệt, tiết thuộc đoan dương, lựu hỏa thư đơn, ngải kỳ dương lục.
Tháng 6: Thần duy thử nguyệt, tiết thuộc quang dương, tử kết liên phòng, hương lưu lệ phố.
Tháng 7: Thần duy qua nguyệt, tiết thuộc lan thu, ngọc vũ sinh lương, kim phong đản thứ.
Tháng 8: Thần duy quế nguyệt, tiét thuộc trung thu, quế ảnh phù cơ, thiềm quang hiệu khiết.
Tháng 9: Thần duy cúc nguyệt,tiết thuộc trùng dương, lý cúc phiên hương, giang phong thấu cẩm.
Tháng 10: Thần duy dương nguyệt,tiết thuộc mạnh đông, nhứt tuyến thiêm trường, tam dương phục thủy.
Tháng 11: Thần duy gia nguyệt, tiết thuộc trọng đông, tuyết điểm hàng mai, gia phi ngọc quản.
Tháng 12: Thần duy lạp nguyệt, tiết thuộc quý đông, trúc diệp phù bôi, mai hoa ánh tịch.
Cách ghi thông thường._ Mỗi mùa có 3 tháng: Tháng đầu mùa là “Mạnh”,tháng giữa mùa là “Trọng”,tháng cuối mùa là “Quí”.
Do đó, vị công văn chỉ ghi tháng và mùa là đủ. Ví dụ; Lễ được tổ chức vào tháng 7 thì ghi “Thần duy mạnh nguyệt, tiết thuộc Thu thiên” là được rồi.
2./ Đóng Ấn triện:
Dấu Tam bảo: Dấu hình vuông, mỗi cạnh khoảng 7cm5 (7phân rưỡi tây), dùng để đóng trên sớ điệp và trên bì các loại công văn. Dấu chỉ được đóng khi nào đã được vị chứng minh hay chủ sám duyệt qua và đồng ý. Tuyệt đối không được đóng dấu trước (khống chỉ). Vị trí dấu đóng phải cách trên đầu công văn một khoảng cách bằng cạnh con dấu. Dấu Tam bảo khắc dương 4 chữ “PHẬT PHÁP TĂNG BẢO” theo lối chữ triện.
Dấu niêm phong: Dấu hình vuông, mỗi cạnh 6cm5 (6 phân rưỡi tây), dùng để đóng phía dưới bì sớ điệp ở mặt trước. Dấu khắc dương 2 chữ “CẨN PHONG” cũng theo lối chữ triện.
Dấu đóng trên Ðiệp: Dấu hình chữ nhật, chiều dài khoảng 8cm5 (8 phân rưỡi tây), rộng 4cm5 (4 phân rưỡi tây); dùng để đóng trên 4 chữ mở đầu và 3 chữ kết thúc của tờ điệp. Dấu đóng cách trên đầu tờ điệp cở 5 phân tây. Dấu khắc dương 4 chữ “PHẬT TỔ GIA PHONG”.
Dấu của vị chứng minh hay chủ sám: Dấu hình chữ nhật, chiều dài khoảng 3cm (3 phân tây), có hai loại:
a/ Loại dấu dương: khắc Pháp danh vị Tỳ kheo theo lối chữ triện, chữ nổi lên khi đóng dấu. Loại dấu này dùng để đóng trên sớ khi biểu bạch lên Tam bảo.
b/ Loại dấu âm: khắc Pháp hiệu của vị Tỳ kheo cũng theo lối chữ triện, chữ chìm trong dấu, khi đóng chữ không dính mực. Loại này dùng để đóng trên các điệp văn cấp cho Linh.
Vị trí đóng dấu: Dấu được đóng ngay trên Pháp danh hay Pháp hiệu và chữ ký của vị Chứng minh hay Chủ sám
3./ Xưng Hô trong Văn Sớ:
Cách xưng hô với người được dâng cúng:
Sống Chết
Cha Hiển khảo (đã mai táng rồi)
Cố phụ (khi còn trên đất, chưa chôn)
Mẹ Hiển tỷ (đã chôn rồi)
Cố mẫu (chưa mai táng)
Ông nội (đời thứ 3)Hiển tổ khảo
Bà nội Hiển tổ tỷ
Ông cố (đời thứ 4)Hiển tằng tổ khảo
Bà cố Hiển tằng tổ tỷ
Ông cao (đời thứ 5)Hiển cao tổ khảo
Bà cao Hiển cao tổ tỷ
Từ đây trở lên, mỗi đời thêm một chữ “cao” và chỉ thêm tố đa là 2 chữ nữa mà thôi. Nếu trên 3 chữ cao thì chỉ dùng thêm một chữ “thượng” nữa.
Ví dụ: Thượng cao cao cao tổ khảo.
Con Hiển thệ tử (con trai)
Hiển thệ nữ (con gái)
Cháu nội (3 đời)
Hiển đích tôn (cháu nội trưởng)
Hiển nội tôn (cháu nội thứ)
Cháu cố (4 đời) Hiển tằng tôn
Cháu cao (5 đời) Hiển huyền tôn
Cách xưng hô của người đứng cúng:
Cha chết, con trai xưng: Cô tử (chưa chôn), con gái xưng: Cô nữ
Mẹ chết, con trai xưng: Ai tử, con gái xưng: Ai nữ
Cha, mẹ đều chết (một người đã chết trước, nay thêm một người nữa)
Con trai xưng: Cô ai tử, Con gái xưng: Cô ai nữ
Con gái đã có chồng: Giá nữ
Cha,mẹ chết chôn cất xong xuôi, từ đây về sau.
Con trai xưng: Hiếu tử hay Thân tử, Con gái xưng: Hiếu nữ hay Thân nữ
Rể xưng: Nghĩa tế, Dâu xưng: Hôn
Cháu nội trưởng (cha chết trước ông bà) :
Ðích tôn thừa trọng
Cháu nội trưởng (cha chưa chết): Ðích tôn
Cháu nội : Nội tôn
Cháu gọi bằng cố (4 đời) : Tằng tôn
Cháu gọi bằng cao (5 đời) : Huyền tôn
Cháu 6 đời: Lai tôn
Cháu 7 đời: Côn tôn
Cháu 8 đời: Nhưng tôn
Cháu 9 đời: Vân tôn
Cháu 10 đời: Nhĩ tôn
Dòng trực hệ, cháu gọi là tôn, sau đời thứ 10 đều gọi là Tự tôn.
Vợ của cháu thêm chữ hôn sau chữ tôn; ví dụ: vợ của cháu nội là nội tôn hôn
Cháu gái thêm chữ nữ sau chữ tôn; ví dụ: cháu nội gái là nội tôn nữ.
Chồng của cháu gái thêm chữ tế sau chữ tôn; ví dụ: chồng của cháu nội gái là nội tôn tế. .Dòng bàng hệ, hậu duệ tôn, cháu gọi là Ðiệt.
Đăng nhận xét