Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa ở mức độ nào?

Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào? Sao bên nào cũng tự nhận là đi đúng đường và cao siêu hơn? Và tại sao Phật từng nói trong Kinh Pháp Hoa, Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là hàng thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Phật đã xếp hạng giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa vẫn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy?

HỎI: (Trần Thanh hỏi - TK Thích Giác Hoàng trả lời)

1) Tại sao một số kinh điển Đại Thừa lại không nằm trong Tam Tạng (Tripitaka), mặc dù chúng cũng là lời của Phật (như thị ngã văn), như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, v.v…?

2) Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào? Sao bên nào cũng tự nhận là đi đúng đường và cao siêu hơn? Và tại sao Phật từng nói trong Kinh Pháp Hoa, Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là hàng thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Phật đã xếp hạng giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa vẫn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy?

Xin đa tạ quý Thầy và đạo hữu.

TRẢ LỜI:

Phật tử Trần Thanh mến,

Trước nhất, chân thành gởi lời tán thán tinh thần học hỏi giáo pháp của Phật tử. GH chân thành cảm ơn Phật tử đã đặt vấn đề, nhân đó mà vài quan điểm nhỏ của người viết được trình bày.

Người viết xin trả lời ngắn gọn cho Phật tử.


1) Kinh điển Đại Thừa chắc chắn có mặt trong Tam Tạng (Tripiaka) dù ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hoặc Tây Tạng.

2) Sự chia rẽ giữa Đại thừa và Tiểu thừa trên bình diện tư tuởng khá mạnh, thậm chí có một số Kinh được xếp vào lời Phật thuyết của Đại thừa hoặc trong sử của Nam truyền vẫn còn mang dấu tích chê bai, đả kích lẫn nhau. Nhưng trên bình diện sinh hoạt vào những giai đoạn sau, sự căng thẳng của hai truyền thống đã giảm lần, tiến tới có những điểm chung và tu học chung trong cùng một khu vực.


3) Bên nào cũng đi đúng đường và cao siêu cả, nếu các vị thực hành đúng chánh pháp theo lời Phật dạy. Ngược lại, bên nào cũng đi không đúng đường vì không giữ giới luật và không thực hành những lời Phật dạy, không sống trong tinh thần chia sẻ, quý trọng và thương yêu lẫn nhau.


4) Căn cơ chúng sanh bất đồng, trong truyền thống Đại thừa vẫn có người vô trí và trong Thượng Toạ Bộ vẫn có những bậc lợi căn, không thể nào nói Đại thừa là căn cơ cao, còn bên Thượng Toạ Bộ là hạng chúng sanh có căn cơ thấp kém.

Điều cốt yếu trong khi học hỏi giáo pháp là “y nghĩa bất y ngữ”, nghĩa là nên hiểu cốt tuỷ, tinh thần của giáo pháp mà tu tập, không nên chấp trước trên ngôn ngữ văn tự. Tu hành cao siêu hay thoái đọa không phải do tu theo Đại thừa hay Tiểu thừa, mà chính yếu là do gột rửa những cặn bã trong tâm hay không.

Chúc Phật tử Trần Thanh an vui và tinh tấn hơn nữa.

Sau đây là bài viết trình bày chi tiết hơn.


1) Một số Kinh điển Đại Thừa không nằm trong Tam Tạng (Tipiaka)?

Sau Đức Phật nhập niết-bàn khoảng 100 năm, Phật giáo đã bắt đầu có sự phân phái rõ rệt. Đặc biệt, kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ 2 đánh dấu sự ra đời của 2 bộ phái lớn, đó là: Theravāda (Thượng Toạ Bộ) và Mahàsa
ghika (Đại Chúng Bộ). Hầu hết các học giả uyên bác trong lĩnh Phật học đều công nhận rằng, đến thế kỷ thứ nhất trước TL từ hai bộ phái chính này, đã phân hoá thành 18 mạc phái khác nữa, cuối cùng thành 20 bộ phái. Vào giai đoạn cuối thế kỷ thứ I TL, triều đại Kanika (78-101 TL), Phật giáo Đại Thừa được hưng khởi là nhờ công của Ngài Parśva (Hiếp Tôn Giả), Aśvaghosa (Mã Minh), và Vasumitra (Thế Hữu) và một số vị khác. Câu chuyện Mahāyāna và Hīnayāna (tên gán cho những vị theo truyền thống Theravàda lúc bấy giờ) bắt đầu từ đây một cách rõ rệt. Cả hai hệ thống này đều có những kinh điển đặc thù riêng tuỳ theo tư tuởng của trường phái đó đặt nặng. Tam tạng của Mahàyàna được viết bằng chữ Sanskrit, được gọi là Tripiaka và Tam tạng của Theravàda được viết bằng văn hệ Pàli, gọi là Tripiaka.


Do đó, nếu ta tìm các Kinh điển thuộc hệ Đại Thừa trong Tam tạng của Phật giáo Theravāda thì không thể có được. Ví dụ, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa NghiêmKinh Niết-bàn, hoặc Kinh Lăng NghiêmKinh Đại Bửu Tích, v.v… thì không thể nào tìm thấy trong danh mục của hệ thống kinh điển Phật giáo Theravāda. Nhưng các Kinh này, chúng ta có thể rất dễ dàng tìm thấy trong các danh mục Kinh điển Đại Thừa nói chung hoặc trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (1) của Trung Quốc, Nhật Bản và Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo Tây Tạng nói riêng.


Rất tiếc là hệ thống Kinh điển Sanskrit tại Ấn Độ ngày nay không còn giữ nguyên vẹn, chỉ còn lại rất ít, nói đúng hơn chỉ là những mảnh vụn của Tam Tạng, vì chính sách xóa sạch Phật giáo ra khỏi cái nôi Ấn Độ của Hồi giáo cực đoan vào đầu thế kỷ thứ XIII dưới mọi hình thức. Nhưng cũng rất may mắn, các Kinh, Luật, Luận Sanskit này đã được dịch sang tiếng Hoa rất sớm, kéo dài từ hậu bán thế kỷ thứ II cho tới thế kỷ XIII. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong thư mục kinh điển Đại Thừa trong Hán tạng. Dựa vào cuốn A Catologue of the Buddhist Tripitaka của Bunyiu Nanjio, được Lokesh Chandra bổ sung và hiệu đính,  (2) chúng ta sẽ thấy rất rõ hệ thống Kinh điển Đại Thừa Phật giáo như thế nào, ngay cả hệ thống A-hàm và các luận sớ cũng như các tác phẩm gốc vốn bằng Hán văn do các học giả, các nhà nghiên cứu đời sau viết. Các Kinh Pháp HoaNiết–bànBảo Tích, Bát-nhã, v.v… trong hệ thống Tripiaka của Đại Thừa không những có mặt mà còn có một vị trí đặc biệt trong hệ thống Phật giáo Đại thừa nữa.


Một điểm cần lưu ý ở đây, chúng ta rất khó xác định Kinh điển do chính Đức Phật thuyết hay không chỉ vì mở màn Kinh bằng câu rất quen thuộc “như thị ngã văn” (tôi nghe như vầy). Vì việc biên tập kinh điển dưới dạng văn bản viết diễn ra rất muộn. Theo học giả rất nổi tiếng trong giới Phật học, giáo sư Sử học Étienne Lamotte đã trình bày trong tác phẩm nổi tiếng của ông,(3) Kinh điển của Thượng Toạ Bộ viết bằng ngôn ngữ Pàli đã được biên tập sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 3, dưới sự bảo trợ của Đại Đế Aśoka tại Pataliputra (nay là thủ phủ Patna thuộc bang Bihar).(4) Còn Kinh điển của Mahāyāna được viết bằng Sanskrit và một phần bằng tiếng Prakrit được biên tập 200 năm trước TL và bắt đầu phát triển sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ IV, nghĩa là khoảng thế kỷ I TL. Như vậy, làm sao bảo đảm được tính chất nguyên thuỷ của lời dạy Đức Phật sau một thời gian quá dài dưới dạng truyền khẩu và qua ký ức của con người. Qua quá trình nghiên chúng ta có thể phát hiện ra một số đoạn không được mạch lạc trong Kinh. Các học giả dựa trên phân tích văn bản học, họ cũng khám phá ra có một số đoạn nghi ngờ có thể là không phải cho chính Đức Phật tuyên thuyết hoặc được Đức Phật tuyên thuyết trong trường hợp nào và có thể nó phù hợp trong một số đoạn Kinh nào khác, chứ không thể trong đoạn kinh đó (5)


Trong hệ thống Kinh điển của hệ Theravàda, cụ thể nhất là sáu bộ luận không có tác giả (ngoại trừ bộ luận Kathavatthu), cũng thường được các vị Theravāda cho rằng các Luận này do chính Đức Phật thuyết, nhưng trong thực tế các vấn đề phân tích, chia chẻ các trạng thái tâm, v.v… chúng ta có thể đoán chắn rằng ngôn ngữ và bố cục của các luận phẩm đó không thể do chính Đức Phật trình bày. Thế nhưng vì để tạo niềm tin cho người đọc, các nhà viết luận còn cho rằng đây là giáo pháp cao siêu, vi diệu (Abhi) được Đức Phật thuyết cho các vị có căn cơ trình độ cao và thần thánh hóa hơn nữa, cho rằng Ðức Phật đã thuyết A-tỳ-đàm (Abhidhamma) cho mẫu hậu Maya trên cung trời Ðao-lợi (Tavatimsa). Ngài Buddhaghosa, nhà sớ giải nổi tiếng nhất của Phật giáo Theravāda sống vào thế kỷ IV-V TL cho rằng các luận phẩm đó là do Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) hệ thống từ thời Đức Phật còn tại thế để dễ nhớ, tu tập và giảng giải,(6) v.v... Nhưng khi đi sâu văn bản, chúng ta có thể đi đến kết luận mà không sợ sai lầm là các luận phẩm này là do công của các nhà đa văn, tinh thông Kinh tạng đã sớ giải, chia chẻ vấn đề tỉ mỉ hơn và sắp xếp chúng dưới một dạng có hệ thống mà thôi.


Còn phía bên Thượng Toạ Bộ lại cho rằng Kinh điển của Phật giáo Đại thừa sau này là nguỵ tạo, không phải lời của Phật thuyết. Vấn đề này là một vấn đề cần lưu tâm khi nghiên cứu dòng văn học Phật giáo Mahāyāna, và các nhà nghiên cứu Phật học Theravàda đã thường gọi những loại kinh điển như vậy là “nguỵ tác” (apocrypha). Cách đây không lâu, một vài học giả ra sức nghiên cứu về những kinh điển có thể bị nghi ngờ là do đời sau thêm vào trong hệ thống văn học Phật giáo Trung Quốc và họ cho các Kinh này là Kinh nguỵ tác(7). Do đó, câu “như thị ngã văn” trong Hán tạng hoặc câu “Evam me suta” (tôi nghe như vầy) trong Pàli tạng không thể là tiêu chí xác định đó là kinh do chính Đức Phật thuyết.


Theo thiển ý của người viết, mặc dầu chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra một số kinh điển không phải do chính kim khẩu của Đức Phật tuyên thuyết, nhưng điều đó chỉ có giá trị cho việc khẳng định lại kinh điển nào ra đời sớm nhất và được tin là tư tưởng, ngôn ngữ và cách trình bày là của chính Đức Phật. Đứng trên phương diện tu tập, chúng ta có thể chấp nhận những gì theo lý trí của chúng ta cho là chân lý, có giá trị đến đời sống tu tập tâm linh thì chúng ta sẵn sàng mở rộng lòng để đón nhận, và những gì lý trí chúng ta nhận thấy là bất thiện, không đem lại lợi ích cho mình, cho người thì chúng ta không vội tin và không nên chấp nhận. Thái độ này rất tương hợp với lời dạy rất nổi tiếng, có thể được xem như hiến chương của Đức Phật, được ghi lại trong Tăng Chi Bộ (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338), xin trích lại nguyên văn như sau:


Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Nhưng này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: các pháp này là bất thiện, các pháp này có tội; các pháp này bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kālāma, hãy từ bỏ chúng!”


2) Sự phân chia của Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào?


Phật giáo đã diễn ra sự phân chia khá mạnh tại Ấn Độ thời tiền bán thế kỷ thứ nhất trở về sau. Điều này dẫn đến các bộ phái co cụm lại và hưng thịnh ở những địa hạt khác nhau, không còn tinh thần hoà hợp thống nhất “như nước với sữa” như thời Phật còn tại thế, ví dụ như Theravāda thì giáo hóa tập trung ở khu Maghadha (Ma-kiệt đà), nay thuộc Bang Bihar và một số vùng lân cận. Mahāsaghika (Đại Chúng Bộ), bộ phái tổ tiên của Đại thừa thì trú tại phía Bắc Ấn, một trong những trung tâm học thuật thời bấy giờ, đó là các vùng thuộc Afghanistan và Parkistan ngày nay(8). Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận dạng các tư tuởng trong các bộ Kinh như Pháp Hoa, rõ nhất là Kinh Duy-ma-cật. Bậc trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Phật là tôn giả Xá-lợi-phất mà còn thấp kém hơn cả một vị vua cõi trời và cả thập đại đệ tử của Đức Phật đều phải chạy dài không dám đi thăm bịnh cư sĩ Bồ-tát Duy-ma, và đặc biệt cách dùng chữ Hīnayāna mà người viết sẽ trình bày phía dưới.


Mặc dầu vậy, theo Phật Quốc Ký của Ngài Pháp Hiển để lại mà HT. Minh Châu đã tham khảo và viết tác phẩm: Fa-Hsien, the Unasssuming Pilgrim,(9) chúng ta có thể dựa vào một vài đoạn trong tài liệu này để đoán thêm tình trạng phân chia hay hoà hợp của Đại thừa và Tiểu thừa như thế nào. Sách ghi: “Tại Ma-kiệt-đà trong thành Ba-liên-phất, Pháp Hiển ghi: “Cạnh tháp Vua A-dục có một ngôi chùa Đại thừa rất tráng lệ. Lại còn có một ngôi chùa Tiểu thừa. Trong cả hai ngôi chùa có từ 600-700 tu sĩ….” (tr.75). Đến thế kỷ thứ VII TL, sau Ngài Pháp Hiển khoảng 200 năm, ngài Huyền Tráng đã du hành qua Ấn để tham học Kinh Luận và đặc biệt là Du Gìa Sư Địa Luận và chiêm bái Phật tích, trong Tây Du Ký của ngài có tường thuật lại tại Surath có khoảng 50 tu viện, trên 3000 tăng sĩ sống ở khu vực đó. Phần lớn là các vị theo Đại thừa… các vị theo các bộ phái khác cũng sống chung với nhau.(10) Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, mặc dầu có những chủ trương dị biệt trong cách tiếp cận lời Phật dạy, nhưng các vị trong cả hai hệ thống Hìnayàna và Mahàyàna sống tương đối hoà hợp với nhau, chứ không có dùng thế “loại trừ” như một sự phân chia các tông phái ở một số nước có Phật giáo sau này.


Chúng ta cũng nên lưu ý là từ “Tiểu Thừa” (Hīnayāna) và Đại Thừa (Mahāyāna) không hề tìm thấy trong năm bộ Nikàya của Thượng Toạ Bộ và bốn/ năm bộ A-hàm (Āgama) theo trường phái Sarvāstivāda (Nhất Thiết Hữu Bộ) hoặc của Dharmaguptaka (Pháp Tạng Bộ hoặc Đàm-vô-đức Bộ). Lại nữa, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng, không thể có một bộ phái nào, dù chủ trương hay cổ xuý một học thuyết nào, giả như là “dỏm” đi nữa, cũng không tự nhận mình là “Tiểu Thừa”, là cỗ xe nhỏ bao giờ( 10).Chúng ta có thể thấy trong lịch sử các bộ phái, không có bộ phái nào có danh hiệu “Hīnayāna” trong 10 bộ phái chi nhánh của Theravāda cả.


Theo công trình nghiên cứu của HT. Piyadassi, thì “Danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa được biết đến vào khoảng thế kỷ thứ I trước TL, xuất hiện trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”(11).Hoà thuợng cũng nhấn mạnh đến khái niệm “thừa” không hề tìm thấy trong Tạng Pàli. Do đó, từ này chắc chắn là được các nhà biên tập sau này gán cho các vị theo truyền thống Thượng Toạ Bộ. Cách dùng từ thiếu tế nhị này kéo dài trên dưới 2000 năm trong truyền thống Mahàyàna, nó ảnh hưởng sâu rộng đến cả giới học Phật tri thức và ngay cả quần chúng bình dân ngày nay. HT. Thích Minh Châu, ngay trong lời giới thiệu về dịch phẩm Đại Thừa và sự Liên Hệ với Tiểu Thừa(12) HT. đã nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khi chúng ta tiếp tục dùng những từ “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa” để chống báng lẫn nhau và không có tinh thần rộng mở để tiếp nhận những tinh hoa của cả hai hệ thống. 


Người viết xin trích lại nguyên văn như sau:

Thái độ của một số Phật tử Ðại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ "Tiểu thừa". Nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Ðại thừa không được tìm trong Tam tạng Pàli và bốn bộ A Hàm mà chỉ là những danh từ được tạo ra về sau. Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chỉ có thể hiểu được tư tưởng Ðại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư tưởng nguyên thủy. Loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Ðại thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Ðại thừa cần phải xác nhận một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Ðại thừa. Lý do chính là tư tưởng Ðại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và nhiều nhà tự cho là Ðại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy.


Theo người viết, đọc suốt tiến trình lịch sử từ thời Phật còn tại thế, cho đến những năm tháng về sau, thì sự phân phái và sự chia rẽ giữa hai truyền thống lớn của Phật giáo lúc đó gần như là một sự kiện tất yếu phải xảy ra, một sự kiện đáng tiếc, nhưng không thể nào tránh khỏi! Sự chia rẽ Tăng đoàn đã có mầm mống ngay từ khi Đức Phật còn tại thế qua sự kiện Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) đòi thay Phật lãnh đạo Tăng đoàn và chế năm điều luật thái quá vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, cũng như kích động Tăng chúng đi theo đường hướng của ông. Tiếp theo là “thập sự phi pháp” của nhóm Tỳ-kheo tại Vajji (Bạt-kỳ). Lại nữa, một sự kiện “đóng góp” không nhỏ cho sự phân phái mãnh liệt đó là “ngũ sự” của Mahàdeva, mà sách sử Hán ngữ thường mệnh danh là “ngũ sự Đại Thiên”, cộng thêm các vấn đề thuộc học thuyết phát sanh khác nhau của mỗi bộ phái tạo nên sự bất đồng càng ngày càng mạnh hơn.


Trở lại vấn đề “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa”, cách đây trên 50 năm, ngày 25-5-1950, một sự kiện đáng ghi nhớ trong trang sử Phật giáo thế giới, 127 đại biểu đại diện cho Phật giáo của 29 nước đã tổ chức và thành lập hội “The World Fellowship of Buddhists” (Hội Thân Hữu Phật Giáo Thế Giới). Một trong những sự kiện nổi bật của Đại hội này là thống nhất không dùng chữ Hīnayāna (Tiểu Thừa) và bắt đầu sử dụng chữ Theravāda (Thượng Toạ Bộ).(13) Vậy, nếu ngày nay ta tiếp tục sử dụng từ Hìnayàna cho các vị tu tập theo đường lối của các vị Theravàda chủ trương với dụng ý là để xem nhẹ các giá trị đặc thù của Theravàda thì không nên! Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng từ Hìnayàna này theo văn bản sử học của thời kỳ xa xưa, như một sự thật khách quan khi đánh giá lại vấn đề và từ ngữ của thời ấy sử dụng, không những không lạc hậu mà còn rất đúng với tinh thần học thuật.


Ngày nay, nhiều học giả có khuynh hướng dùng từ “Bắc tông” hay “Bắc truyền Phật giáo” (Northern Buddhism) hoặc dùng từ “Phật giáo thời kỳ sau”/ “Hậu kỳ Phật giáo” (Later Buddhism) để chỉ cho Đại Thừa. “Nam Tông” hoặc “Nam phương Phật giáo” (Southern Buddhism) hoặc “Phật giáo thời kỳ đầu” (Early Buddhism) để chỉ cho Phật giáo theo truyền thống Theravāda nhằm tránh việc hiểu lầm do ngôn ngữ gây ra, mà cũng đúng với lộ trình truyền bá giáo pháp của cả hai hệ thống trên đến các nước khác thời bấy giờ.


3) Sao bên nào cũng tự nhận đi đúng đường và cao siêu hơn?

Vì để tôn vinh một lý tưởng nào mà mình bỏ cả cuộc đời theo đuổi, để gây ấn tượng và niềm tin cho người đọc, nên trong một số Kinh Đại Thừa thường nói “Kinh này là Vua trong các Kinh”, “là pháp tối thượng thừa”, “là đệ nhất nghĩa đế”. Dĩ nhiên, nếu giáo lý của Đức Phật được vận dụng một cách đúng đắn, dầu là hệ A-hàm, hệ Bát-nhãPhương QuảngHoa NghiêmNiết-bàn chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lớn cho mình và cho người, cho nhân quần xã hội thì kinh nào cũng tối thượng thừa cả. Xét về giáo nghĩa, chúng ta có thể thấy điểm dị biệt về tư tuởng và các cách lý giải lời Phật dạy của các bộ phái tuy có, nhưng về pháp môn tu tập căn bản thì không khác. HT. Thích Minh Châu trong lời giới thiệu trong bản dịch vừa đề cập ở trên, nói rằng:


Ðọc kỹ tiến trình tư tưởng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy các luận sư không vị nào là không muốn diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ Phụ. Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng trung thành của các nhà luận sư.

Chúng ta có thể lấy ngay ảnh dụ trong Kinh Pháp Hoa, phẩm “Dược Thảo Dụ”, Đức Phật đã ví giáo pháp của Ngài giống như một trận mưa rào tuỳ theo từng hạng cây cỏ mà hấp thụ khác nhau, chứ không hề phân biệt trận mưa rào này cốt để cho các loại cây cao, bóng cả hấp thụ hay trận mưa rào này để cho các loài cỏ, bụi rậm thấp kém hấp thụ! Biển cả chỉ có một vị, đó là vị mặn; giáo Pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Giáo pháp thì không có “tiểu-đại”, chỉ có người “tiểu-đại” mà thôi!


4) Đức Phật đã xếp hạng giữa hai phái: Đại Thừa và Tiểu Thừa qua Kinh Pháp Hoa?

     Như đạo hữu đã trích ý rải rác từ các phẩm của Kinh Pháp Hoa, cho rằng Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là trình độ thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Đức Phật đã xếp hạng trình độ giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa còn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy? Người viết xin trình bày sau:


Mặc dù, Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh có lẽ phổ biến và được các nhà sớ giải, chú thích nhiều nhất, và đã từng trở thành một trào lưu tu học chính của Trung Quốc và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản, Triều Tiên, cũng như Việt Nam gần đây. Tuy nhiên, xét về phương diện ra đời của Kinh sớm nhất là vào thế kỷ thứ I TL, sau kỳ kiết tập kinh điển lần IV.(15) Bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được HT. Thích Trí Tịnh dịch sang Việt ngữ mà lâu nay chúng ta thường trì tụng xuất phát từ bản chữ Hán được ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) dịch từ nguyên tác Sanskrit Saddharmapu.n.darìka sùtra sang tiếng Hoa thuộc thời Diêu Tần (384- 417 TL). Bản Sanskrit này là bản hoàn hảo nhất trong các bản mà các học giả sau này đã phát hiện và đã được chọn làm Kinh tiêu chuẩn cho Thiên Thai Tông. Trước thời ngài Kumārajīva cũng có một dịch phẩm mang tựa đề Tát-đàm-phân-đà-lợi Kinh do phiên âm từ chữ Saddharmapu.n.darìka sùtra, bản dịch này dịch không hoàn hảo hai phẩm “Hiện Bảo Tháp” và “Đề-bà-đạt-đa”. 


Đọc tiếp phần trình bày vắn tắt các ấn bản của Kinh Pháp Hoa trong A Catalogue of the Buddhist Tripitaka của Bunjiu Nanjio, chúng ta sẽ thấy tất cả là có tới 6 bản dịch Kinh Pháp Hoa, với các tựa đề khác nhau, và nội dung không nhất quán, không phải bản tiếng Hoa mà ngay cả bản Sanskrit. Cho tới ngày nay các bản dịch này cũng còn được lưu giữ nguyên vẹn trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và được phổ biến rộng rãi dưới dạng CD ROM.(16)Một bản dịch khác của Saddharmapuṇḍarīka sūtra là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với các phẩm phụ), chỉ có 27 phẩm, vì phẩm “Hiện Bảo Tháp” (số 11) và “Đề-bà-đạt-đa” (số 12) được gộp thành một. Về điểm này, thì bản dịch lại chính xác với bản Sanskrit mà mục lục các Kinh của Hodgson (Catalogue of Hodgson Manuscript) trình bày. 


Cũng theo tư liệu trên, có ít nhất 2 ấn bản Sanskrit được phát hiện, một bản thì giống với bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập. Bản thứ hai, thì tương đồng với bản dịch Chánh Pháp Hoa Kinh, nhưng trong bản này lại thiếu phẩm “Diệu Âm Bồ-tát”. Nhưng bản Sanskrit đầu, phẩm “Dược Thảo Dụ” lại thiếu cả nửa phẩm “Dược Thảo Dụ” trong ấn bản Sanskrit sau, và nhiều đoạn “thiếu-dư” trong cả hai ấn bản, chưa kể tới trật tự phẩm của cả hai bản Sanskrit và các bản dịch. Chuyện thiếu dư trong các bản tiếng Hoa và Sanskrit được các nhà nghiên cứu Kinh Pháp Hoa sẽ đi chuyên sâu hơn. Trong phần “Lịch Sử Thành Lập” của công trình nghiên cứu Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa của HT. Thích Chơn Thiện, theo Junjiro Takakusu, ông đã phát hiện bản dịch mà Ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang Hoa văn lúc đầu cũng chỉ 27 phẩm, sau này đệ tử của Ngài là Pháp Hiền đưa thêm phẩm Đề-bà-đạt-đa, cũng như một số ý kiến cho rằng phẩm Tựa có thể do một nhà Sư Trung Hoa sáng tác với lối hành văn rất nhuyễn tóm tắt toàn bộ 27 phẩm kia. Đi sâu vấn đề này đòi hỏi kiến thức chuyên môn hơn.


Do đó, chúng ta không thể nào phủ nhận lịch sử, và có thể khẳng định lại một lần nữa, việc biên tập Kinh Pháp Hoa ra đời tương đối muộn và chắc chắn là do các nhà tư tưởng Đại Thừa thời bấy giờ biên tập. Về phần lợi ích của việc thọ trì Kinh Pháp Hoa hay giá trị thực tiễn của bộ Kinh, không phải mục đích nhắm đến bài viết này, nên người viết không trình bày.

Một vấn đề nữa, đó là vấn đề Niết-bàn (Nirvāa) cho rằng Tiểu thừa không có niết-bàn. HT. Thích Trí Quang, trong phần “Ghi Sau Khi Duyệt Pháp Hoa” của bản dịch Kinh Hoa Sen Chánh Pháp cũng thừa nhận tư tưởng “Pháp Hoa công nhận tiểu thừa nhưng không công nhận tiểu thừa có niết-bàn”Trong khi đó, Đức Phật đã xác định và tán dương không biết bao nhiêu lần trong hệ thống Nikāya và Āgama là các vị A-la-hán là các vị đã cắt đứt dòng chảy ái nhiễm của mọi cảnh giới (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu), là vị “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc làm đã xong, không còn trở lui đời sống này nữa”, các vị này mới thật sự đạt đến mục tiêu của đời sống phạm hạnh.


Lại nữa, mặc dầu nhiều nơi trong Kinh Pháp Hoa không ca ngợi công hạnh của các vị A-la-hán, nhưng có lẽ cũng để hoà giải mối tranh chấp của các bộ phái, vì tư tuởng “Tam Thừa quy nhất”, đã xuất hiện. Giả như Đức Phật có nói Tam Thừa đi nữa cũng là phương tiện quyền giáo để dẫn dụ đến Nhất Phật thừa. Đó là điểm hay của Kinh Pháp Hoa, mà người viết thường tâm đắc.


Đến đây, quý vị lại có thể đặt vấn đề, như vậy câu “như thị ngã văn” trong Kinh điển Đại Thừa, cụ thể như Kinh Pháp Hoa, là ngoa mà lại cho là lời của Tôn giả Ànanda thuật lại, như vậy có trái với giới thứ tư của Đức Phật dạy cho hàng Phật tử không? Chúng tôi xin đưa ra cách lý giải khác mang tính hoà giải khá hay của HT. Thích Chơn Thiện, cho người đọc sự thông cảm và thấy tinh thần vì mục đích truyền bá Phật Pháp của các bậc Tổ sư hơn là vì tên tuổi của mình: “Do vì lời kinh phù hợp với giáo lý truyền thống nên có thể được xem là do Phật thuyếtChư Tổ không dám nhận lãnh trách nhiệm chuyển bánh xe Pháp. Vả lại, bảo Kinh do Đức Phật dạy sẽ khơi dậy được niềm tin Pháp sâu xa trong tâm người học hỏi và tu tập kinh hơn. Do nhằm xây dựng niềm tin Pháp ấy cho đời, nên Kinh Đại Thừa được chư Tổ kiết tập dưới hình thức Phật thuyết”(Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Lời Tựa).


Trở lại vấn đề mà Phật tử đưa ra, sao mà các vị Theravāda lại tự nhận mình là Nguyên Thuỷ đúng với lời Phật dạy? Thật ra, chữ Nguyên Thuỷ vốn xuất phát từ chữ Theravàda, mà chữ này vốn có nghĩa là bộ phái của những vị trưởng lão (Thera: nghĩa là lớn, trưởng lão; vàda có nghĩa là bộ phái, trường phái hoặc là học thuyết), như vậy, đúng ra chữ này nên được dịch là học thuyết của những vị Trưởng Lão, hoặc là chủ trương của những vị Trưởng Lão, và để cho có vẻ thành học thuyết thì ta nên dịch là bộ phái của các vị Trưởng Lão hoặc như cách dịch của các dịch giả Trung Quốc thỉnh thoảng dịch là “Thượng Toạ Bộ”. Bộ phái này cũng còn có cách viết khác là: Sthaviravāda (theo Sanskrit) hoặc tên khác là Vibhajavāda, có nghĩa là Phân Tích Bộ (bộ phái chủ trương các học thuyết cần phải phân tích trên lý trí). 


Như đã đề cập trên, các nhà Đại Thừa đã cho tất cả các học thuyết, chủ trương khác với đường lối chủ trương của mình là “tiểu thừa”, và điều này đã gây mâu thuẫn không ít trên dưới 2000 năm rồi. Thuật ngữ “Nguyên Thuỷ” bằng tiếng việt và tiếng Anh xuất hiện cũng không sớm. Vào cuối thế kỷ XIX, các dịch giả của hội “Pali Text Society” (Hội Kinh Điển Pàli) đã dịch chữ Theravàda thành chữ “Early Budddhism”, vốn có nghĩa là Phật giáo thời kỳ đầu, hoặc các nhà viết sử thường chép trường phái này là: “The most orthodox school of Buddhism” (trường phái Phật giáo chính thống nhất). Các Kinh điển Pàli dịch thành “Early Buddhist Manuscriptures/Texts/ Canon” (Kinh điển Phật giáo thời kỳ đầu). Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt, như Bà I. B. Horner, cũng là một dịch giả nổi tiếng, đóng góp vào sự nghiệp dịch thuật kinh điển sang tiếng Anh rất lớn, dịch chữ Theravàda thành “Primitive Buddhism”(17) (Phật giáo Nguyên Thuỷ), nhưng không được các học giả sử dụng từ của Bà nhiều. Còn một số vị khác, thỉnh thoảng dịch chữ Theravāda thành “trường phái của những người bảo thủ” (conservative School), nhưng nghĩa này cũng không sát và không được các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều.


Có lẽ cũng nên đề cập ở đây, ai là người sử dụng chữ “nguyên thuỷ” đầu tiên trong quá trình dịch thuật hay trước tác trong giới học thuật Việt Nam, xin chờ một bài khảo cứu có giá trị của các nhà nghiên cứu khác.


Theo như trên đã trình bày, chữ Theravāda (Pāli) hoặc Sthavira (Sanskrit) được dịch sang chữ Hán là Thượng Toạ bộ, không dịch là Nguyên thuỷ bộ. Điều này có thể được kiểm chứng qua các nguyên tác bằng chữ Hán. Tác phẩm: Dị Bộ Tông Luân Luận (đã được HT. Thích Trí Quang dịch sang tiếng Việt) dịch chữ Theravāda thành Thượng toạ bộ, còn một số bản kinh luật, luận khác của Theravāda hoặc của các bộ phái của Theravāda cũng như ngay cả các ký sự của các Ngài chiêm bái như Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh đều dùng chữ “Tiểu thừa” (Hīnayāna) để chỉ cho các bộ phái thuộc Theravada. Theo chỗ biết của người viết thì chưa tìm ra sách tiếng Hoa nào dùng chữ “Nguyên thuỷ” để chỉ cho bộ phái Theravāda.


Chúng ta không thể không kể đến công của dịch phẩm của HT. Quảng Độ Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken (người Nhật), rất tiếc là bản dịch không đề rõ Kimura Taiken viết vào năm nào để truy nguyên ông đã sử dụng chữ “Nguyên Thuỷ” để chỉ cho Theravada và Tiểu Thừa (Hīnayāna) để chỉ cho các bộ phái của Theravāda.


      Theo thông tin của cư sĩ Bình Anson cung cấp, đến năm 1957 khi Giáo Hội Tăng-già Phật giáo Nguyên Thuỷ được thành lập, thì chữ “Nguyên Thuỷ” đã được ra đời, hoặc có thể sớm hơn nữa. Người viết nghĩ rằng, chính vì lý do này mà các học giả Việt Nam mạnh dạn sử dụng chữ “Nguyên Thuỷ” để chỉ cho bộ phái Theravàda, trên thực tế, cuộc sống xã hội và môi trường tự nhiên thay đổi từng sát-na, làm sao con người hiện nay giữ đúng được cả nội dung và hình thức giáo pháp như thời Phật còn tại thế cách nay hơn 2.500 năm. Nếu ai có cố gắng hết sức mình, cũng chỉ giữ được phần nào tinh hoa của giáo pháp mà thôi. Điều này chúng ta có thể phát hiện một cách dễ dàng qua cách hành trì và tiếp cận Kinh, Luật và Luận của 3 nước Phật giáo Theravāda mạnh nhất, đó là Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan.


Trước khi kết thúc, người viết xin thưa là những gì người viết trình bày với mục đích khiêm tốn là đưa ra vài quan điểm nhỏ của mình, hy vọng nó sẽ bổ túc phần nào mà Phật tử có thể cần thiết, chứ không hề dụng tâm “chê-khen” kinh điển hoặc các bộ phái và các bậc hữu công tiền bối đối với hai dòng văn học Phật giáo lớn. Và để trình bày quan điểm của người viết về thái độ khi tiếp cận giáo pháp như thế nào, xin trân trọng giới thiệu bài viết Thái Ðộ Cần Có Khi Ðọc Kinh Phật” của HT. Thích Thiện Siêu, như là lời kết của người viết xin gởi đến độc giả. Kính mong các bậc thiện tri thức tường tri.


Để cung cấp thêm các bài viết có chủ để liên hệ về Tiểu Thừa và Đại Thừa, xin giới thiệu bài “Đạo Phật Nguyên Thuỷ và Đạo Phật Đại Thừa, nguyên tác của HT. W. Rahula, được Sư Thiện Minh dịch; bài viết “Mahayana và Theravada” của cư sĩ Bình An Sơn đều được đăng trong trang nhà Buddhasasana.


Thân chúc Phật tử thân tâm thường an lạc, đạo tâm bất thối đối với chánh pháp, và ngọn đèn chánh pháp mỗi ngày mỗi rực sáng trong lòng của quý Phật tử và của tất cả chúng sanh.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

 

 


(1) Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishò Shìnshù Daizòkyò) gọi tắt là “Đại Chánh Tạng”. Tạng này dựa vào các tạng có trước từ thời Tống, Nguyên, Minh và các bản di thư, thạch thư ở Đôn Hoàng. Ngoài ra các nhà biên tập tạng này còn tham khảo các tạng của Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng và những phần còn sót lại tại Ấn Độ. Như vậy, “Đại Chánh Tạng” cho tới ngày nay, nó có thể được xem như là Tạng tiêu chuẩn nhất của các nước Phật giáo vốn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc được ấn hành tại Nhật khoảng năm 1924- 1929.


(2) Nguyên mục lục này được biên tập vào thời nhà Minh, Trung Hoa, nguyên thuỷ có tựa đề: Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo Mục Lục, được học giả đương đại Bunjiu Nanjio, Nhật Bản đối chiếu, bổ sung, cũng như học giả Lokesk Chandra bổ sung và hiệu đính lại một lần nữa. (Delhi: Jayyed Press,1980).


(3) Nguyên tác bằng tiếng Pháp Histoire du Bouddhisme Indiendes origines à l’ère ‘Saka (1958) được Sara Webb-Bon dịch sang Anh ngữ với tiêu đề History of Indian Buddhism from the Origins to the ‘Saka Era, (Louvain-Paris: Peters Press, 1988, pp.556-557).


(4) Có rất nhiều ý kiến bất đồng về việc biên tập Kinh điển Pàli bằng chữ viết, một số cho rằng chính Ngài Mahinda đã vận động biên tập bằng chữ viết tại Sri Lanka, nhưng theo thiển ý của người viết không thể nào một mình tôn giả Mahinda có trí nhớ siêu việt hết những lời dạy của Đức Phật. Lại nữa, văn hóa Sri Lanka lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ rất lớn, không lẽ nào các bậc Thánh giả và các đại tri thức của Ấn Độ không nghĩ ra cách biên tập chữ viết, mà sau này lại copy Kinh điển Pàli từ Tích Lan. Do đó, người viết ủng hộ quan điểm của Lamotte và một số vị khác cho rằng, Ngài Mahinda chỉ đem Kinh điển Pàli sang Tích Lan truyền bá và tại đó có thể biên tập lại một lần nữa.


(5) Xem thêm: G.C. Pande, A Studies in the Origins of Buddhism (Delhi: Moltilal Banasidass, 1999)Tác phẩm này là một trong những công trình nghiên cứu tuyệt vời của giáo sư về Kinh Tạng Phật giáo Thượng Toạ Bộ, được xuất bản đầu tiên năm 1957 và được tái bản nhiều lần: 1974, 1983, 1995, 1999. Quý vị có thể tham khảo từ chương IV đến chương VII để xác định ý chúng tôi vừa trình bày trên.


(6) Xem K. N. Norman, Pali Literature (Wiesbaden: Otto Harrassowitz, 1983, p. 98).


(7) Xem tuyển tập Chinese Buddhist Apocrypha do Robert E. Buswell, Jr biên tập (Delhi: Sri Satguru Publications, 1992).


(8) Xem N. Dutt, Early History of the Spread of Buddhism and Buddhist Schools(New Delhi: Rajest Publications, 1925, pp.132-134).


(9) Tác phẩm này được Ni sư Trí hải dịch sang tiếng Việt: Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái (TP.HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1977).


(10) Thomas Watters, On Yuan Chwang’s Travels in India (1904-5) (ed. by T.W. Rhys Davids and S.B. Bushell), 2 vols, (Delhi: Munshiram Manoharlal Pulishers Pvt. Ltd., 1996, vol. 2, p. 248).


(11) Vì chữ Hīnayāna, được dịch sang Anh ngữ là “Small Vehicle”, chữ Hán là “Tiểu Thừa”, nhưng thực chất chữ Hìna, không những có nghĩa là nhỏ (small), mà còn có nghĩa là dỏm, tồi, thấp, kém, xấu xa, hạ liệt, đáng khinh bỉ. W. E. Soothhill and L. Honous (compiled) A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (1837), (Delhi: Motilal Banasidass, 1997, p.54) cũng dịch chữ này là: below, lower, inferior, low, to decend, let down, put down. Tương tự, trong Pali-English Dictionary do T.W.Rhys Davids và W. Stede biên tập thì cũng cho các nghĩa của từ Hìnayàna như sau: inferior, low, poor, miserable, vile, base, contemptible, despicable (p. 732). Còn nếu các nhà trước tác, biên tập muốn dùng chữ “nhỏ” (small) để đối lập với chữ “lớn” (great), thì có lẽ đã sử dụng từ “culla” bằng tiếng Pàli hoặc “cù.la” trong Sanskrit thay cho chữ “Hìna” rồi.


12) Piyadassi, The Spectrum of Buddhism, (Taiwan: The Corporate of the Buddha Educational Foundation, p. 427) .


(13) Nguyên tác của N.Dutt, Aspects of Mahāyāna Buddhism and Its Relations to Hīnayāna (London: Luzac, 1930). Bản dịch được nhà Xuất Bản TP.HCM tái bản năm 1999.


(14) Cố Hoà Thuợng Thích Thanh Kiểm đã trình bày vấn đề này vắn tắt nhưng rất rõ trong cuốn Luợc Sử Phật Giáo Ấn Độ (Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr. 144-147).


(15) Chúng tôi có đĩa CD ROM Đại Tạng Kinh Trung Hoa (đĩa 1) do Thầy Thích Minh Nhẫn viết phần giới thiệu và hướng dẫn sử dụng.


(16)  Thông qua tiêu đề của tác phẩm Women under Primitive Buddhism (1930), (Delhi: Moltilal Banarsidass Publishers Private Limited, 1975, 1990, 1999).




Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.