Ước mơ của một chú tiểu

VLCĐ: Ước mơ của một chú tiểu: Ngày nay nhớ lại quãng đời làm chú tiểu mà tôi cảm thấy nuối tiếc. Quãng thời gian để chỏm sao mà quá nhiều kỷ niệm dễ thương. Ngày còn cái chỏm xinh xinh trên đầu, tôi cứ ngây ngất nhìn quý thầy đắp y vàng làm lễ mà ao ước. Mỗi khi trông quý thầy đắp y là tôi lại tính nhẩm coi còn bao lâu nữa tôi mới được diễm phúc khoác chiếc y vàng đó. Chỉ đơn giản như thế mà cũng trở thành ước mơ của một chú tiểu.

Những kỷ niệm đầy đạo tình, đạo vị trong chốn thiền môn. Nhiều lúc tôi thầm nguyện đức Phật biến tôi trở lại làm chú tiểu như năm xưa. Tôi thật sự nhớ những năm tháng đó. Tôi yêu những giây phút vui buồn đó.Tôi không muốn làm hòa thượng gì hết, chỉ muốn làm một chú tiểu vô tư hồn nhiên luôn có những ước mơ an lạc giải thoát trong giáo pháp.

Ngôi chùa tôi xuất gia nằm sâu trong một ngôi làng nhiều tre, dọc theo con sông. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây ăn trái, nào xoài, ổi, mận, me và nhiều thứ hoa thơm khác như ngọc lan và hoa sứ. Vào những đêm trăng tròn mà thả bộ kinh hành trước sân chùa thì tuyệt vời. Ánh trăng chiếu xuyên qua kẽ lá rọi xuống đất khiến ta cứ tưởng là những thỏi vàng di động huyền ảo. Cứ mỗi khi các thỏi vàng di động là không gian màu sữa ấy cho ta thưởng thức mùi thơm thoang thoảng của sứ, của ngọc lan. Ánh sáng ấy, mùi hương ấy hòa lẫn với tiếng xào xạt của lá tạo thành một không gian mầu nhiệm nơi cửa Phật.


Nguyên nhân xuất gia của tôi không biết do đâu. Trước khi xuất gia tôi đã là vị “khách không mời” của chùa. Ngày nào tôi cũng đến “chăm sóc” mấy cây xoài, cây ổi mỗi khi mùa trái chín. Hết mùa trái chín thì vị khách đó cũng vắng bóng dần dần. Cứ mỗi lần tôi đi chùa như vậy là được các chú tiểu cùng tuổi với tôi vui mừng tiếp rước, không những thế mà quý thầy còn để dành cho tôi nào trái cây, bánh chuối sau những ngày rằm, mùng một. Như thế tôi quen dần và dĩ nhiên tôi trở thành một thực khách thường xuyên trong chùa.

Nguyên nhân chính của tôi từ một đứa bé nghịch ngợm trở thành một chú tiểu hiền hòa có lẽ là do một số bánh chuối cúng Phật. Bởi vì khi dâng hương, hoa, quả phẩm cúng Phật, thí chủ đã phát Bồ-đề tâm rất rộng lớn. Cúng Phật rồi thì sau đó ai dùng cũng được, không nhất thiết phải là quý thầy, quý chú trong chùa. Ngày đó, tôi hưởng được nhiều bánh chuối cũng có nghĩa là tôi tiếp thu hạt giống Bồ-đề từ nhiều người khác nhau một cách gián tiếp. Nhờ hạt giống Bồ-đề ấy mà tôi trở nên hiền hòa và xuất gia. 


Lúc đó, có vài lần tôi là một thính chúng bất đắc dĩ trong nhiều buổi thuyết pháp của thầy, nhưng tôi chẳng thấm một chút pháp vị, pháp lạc nào cả. Cái mà mang lại cho tôi nhiều pháp vị, pháp lạc nhất là vài trái chuối chín gần đen hay một đĩa xôi đã khô cứng trên mặt và một cái vuốt đầu nhẹ của thầy. Theo tôi, đó là bài pháp hay nhất, mang lại an lạc lâu nhất. Có lẽ do Bồ-đề tâm của các thí chủ thành kính quá cho nên đức Phật chứng giám và Ngài đã truyền vào trong nải chuối, đĩa xôi một chất liệu giải thoát. 


Ngày đó, tôi thường rủ mấy đứa bạn cùng làng lên chùa lượm trái cây để được quý thầy cho ăn bánh chuối và vuốt đầu, nhưng chẳng mấy đứa chịu đi. Thế mới biết những đứa ấy không đủ phước duyên để hưởng thụ hương vị Bồ-đề giải thoát của Phật. Cho đến khi tôi đã trở thành chú điệu, lúc nào tôi cảm thấy Bồ-đề tâm của tôi có phần yếu kém, tôi thường lẻn lên chánh điện, coi trước ngó sau cẩn thận, bẻ một trái chuối trên cỗ bồng hay xén bớt vài cái bánh in trên bàn Phật để bồi dưỡng Bồ-đề tâm. Mỗi lần bẻ chuối như vậy, tôi thường bẻ hàng dưới của nải chuối nằm giữa, sau đó hất qua hất lại cho lấp đi khoảng trống đó. Xén bánh in cũng vậy, lấy bớt một cái, sửa lại mấy cái kia cho đều để mọi người không nhận ra dấu mất. Tôi “chia xẻ” phần của đức Phật một cách lén lút như thế mà Ngài cũng vẫn mỉm cười tha thứ. Thật là đức Phật từ bi vô hạn. Chỉ có ông Hộ Pháp có ý gây rắc rối mà thôi, chống nạnh, trợn mắt, nghiêm mặt, nhưng tôi không sợ, vì tôi không lấy của ổng.


Một điều nữa cũng khiến cho tôi thích thú và ước mơ là những buổi chấp tác của các chú tiểu. Thì cũng mấy đứa bạn quen cùng lớp với tôi mà thôi, nhưng khi xuất gia, trên đầu chừa lại một lọn tóc cỏn con, mình mặc bộ áo vạc khách nâu sồng dài gần tới đầu gối thì đứa nào trông cũng dễ thương, cũng có dáng vẻ thanh cao giải thoát kỳ lạ. Không biết do lời kinh tiếng kệ hay do hấp thụ nét từ bi và hiền hòa của đức Phật mà đứa nào khi cạo tóc để chỏm gương mặt cũng trở nên sáng láng, nụ cười cũng tươi, toát lên một vẻ rất là thiên thần. 


Chính nét mặt đó, nụ cười đó và chỏm tóc đó đã chinh phục được thằng bé nghịch ngợm như tôi. Cũng mấy chuyện lặt vặt như rửa chén, nấu cơm, lặt rau mà tôi thường làm ở nhà, thế mà khi các chú làm thì trông đẹp lắm, cảm động lắm. Với bộ nâu sồng dài tới gối, các chú vừa lom khom quét nhà vừa đưa bàn tay nhỏ xíu vén lại cái chỏm mà thương. Khi các chú thọ trai, tôi thích nhìn các chú nâng chén cơm ngang trán cúng dường. 


Những bàn tay thiên thần nhỏ cũng bắt ấn. Tay trái thì co hai ngón giữa, ba ngón còn lại thẳng đứng lên để nâng bát cơm. Quý thầy thì dù có để bát cơm lên trên đấy cũng không sao, nhưng tội nghiệp cho các chú, ba ngón tay thẳng đứng đó muốn quỵ xuống. Tay phải thì ngón cái đè trên ngón áp út để ngang hông bát cơm. Trong những lúc quý thầy và các chú thọ trai như vậy, tôi chưa được phép ngồi chung, chỉ khi nào cúng dường xong, đến phần dùng cơm, tôi mới được ngồi cùng các chú ăn cơm. Khi đứng bên ngoài chắp tay trước ngực để hầu quý thầy cúng dường, tôi quan sát rất kỹ từ trên tới dưới. 


Quý thầy thì nghiêm trang, nhất tâm quán tưởng một cách thành kính, còn các chú thì vô tư hồn nhiên, quý thầy làm sao bắt chước làm vậy chứ chẳng hiểu nghĩa lý gì và tại sao làm vậy. Có chú thỉnh thoảng lắc lắc cái đầu một chút để cho cái chỏm khỏi rời vành tai. Chú đó mới làm điệu khoảng một năm, nên cái chỏm chưa đủ dài để an nghỉ trọn vẹn trên vành tai. Có vài chú chỏm rất dài, không những vắt ngang qua vành tai bên này mà còn có thể vắt qua vành tai bên kia nữa. Dễ thương nhất là mấy chú mới làm điệu khoảng vài tháng hay nửa năm, cái chỏm còn ngắn ngủn, thường rớt xuống che nửa vầng trán hay một con mắt.


Ngày ba mẹ tôi dẫn tôi lên chùa để xin thầy cho tôi được xuất gia tu hành, các chú trên chùa vui lắm. Ai cũng đến gần tôi đứng, chỉ đứng mà nhìn chứ không nói gì cả, sợ thầy quở. Ba mẹ tôi thưa với thầy rằng thôi thì cho tôi đi tu cho rồi, chứ một năm tôi đã ở trên chùa hết 300 ngày. Thầy tôi chỉ cười và nhận lời. Đơn giản như vậy mà tôi cũng được xuất gia. Lúc đó, tôi chỉ mới 8 tuổi. Thế là từ ngày ấy, tôi được mặc bộ đồ vạc khách nâu sồng. Mãi 3 tháng sau thì tôi mới được cạo tóc. Trên đầu tôi giờ đây cũng có một miếng chỏm ngắn trông như vết mực tàu khi viết nét thứ nhất của chữ NHƠN (người). 


Đối với mọi sinh hoạt trong chùa, tôi tưởng như quá quen thuộc, nhưng mọi việc hoàn toàn khác. Kể từ khi bộ nâu sồng và cái chỏm xuất hiện trên cơ thể nhỏ bé của tôi thì không khí thiền môn và cách sinh hoạt trong chùa lại chuyển sang một giai đoạn mới. Không phải quy củ thiền môn thay đổi mà giờ đây tôi thực sự nghiêm chỉnh hành trì mọi nguyên tắc, quy luật khắt khe trong chốn thiền môn. Lúc đó, tôi mới hiểu ra một điều rằng tại sao các chú trở nên dễ thương, dễ mến đến thế, là vì mọi nguyên tắc, quy luật trong chùa nhằm đào tạo con người từ thấp hèn trở nên cao thượng, thay đổi nếp sống bình phàm trở nên thánh thiện. 


Hàng ngày, tôi phải thức dậy từ rất sớm khi phía Đông chưa có một tia sáng. Vạn vật vẫn còn im lìm lắm, chỉ nghe từ xa vọng lại một vài tiếng gà gáy trong sương. Tôi được giao phó công việc thỉnh đại hồng chung thay cho chú có cái chỏm ngắn. Chú đó được theo quý thầy lên chánh điện tụng kinh. Vì tôi mới xuất gia chưa thuộc nhiều kinh, cho nên chỉ cầm quyển kinh nhỏ trong đó có bài nguyện chuông. Cứ đọc hết một bài kệ hay một danh hiệu của đức Phật, Bồ tát là thỉnh một tiếng chuông như trong quyển đó chỉ dẫn. Nhưng không phải bất cứ ai cầm quyển kinh nhỏ đó cũng có thể thỉnh chuông được. 


Phải tạo ra sự cân đối giữa hai tiếng chuông trong thời lượng hợp lý. Tiếng trước vừa hết ngân nga mới được thỉnh tiếng tiếp theo, cho dù mỗi bài kệ độ dài không giống nhau. Khi thỉnh chuông, tâm hồn phải tuyệt đối an tịnh để tạo ra một năng lượng tập trung cao độ. Dùng năng lượng ấy chuyển đi khắp cơ thể, vào từng cơ bắp, từng tế bào. Có như thế ta mới thỉnh được tiếng chuông vừa lớn, vừa ấm, vừa êm ngân vang trong không gian tĩnh lặng. Tiếng chuông như thế mới chuyển tải được năng lượng từ bi, năng lượng an tịnh. Tiếng chuông như thế mới khiến người nghe trút bỏ mọi ưu phiền, sanh đại trí tuệ, buông gánh nặng luân hồi xuống và tiếng chuông như thế mới đủ tầm cỡ xoa dịu những nỗi đau khổ nhất trong các cõi địa ngục. Cũng chuông đó, chày đó, mà mỗi người cho ra một âm thinh khác nhau. Có một vị cao tăng nói với đại chúng rằng “chỉ cần thỉnh ba tiếng chuông, tôi có thể biết được các vị tu bao lâu và công phu tu tập tới đâu”.


Đại hồng chung chùa tôi lớn lắm và cái chày dộng chuông to hơn cái mình tôi lúc đó. Nó được treo ngang với một sợi dây to. Nếu nó đứng lên thì tôi phải kêu nó bằng anh, vì nó cao hơn tôi một chút. Khi đọc xong một bài kệ, tôi phải đưa chày ra xa rồi buông lỏng tay để nó đưa vô. Theo lực đó, tôi chạy theo để đẩy thêm. Làm như thế mới có thể thỉnh được tiếng chuông vừa đủ ngân xa, vừa ấm. Tôi có nghe các chú kể câu chuyện có một chú tiểu ở đâu đó cứ ngủ gật mỗi khi thỉnh chuông. 


Tôi nghĩ chắc chày chuông chùa đó nhỏ. Nếu chú đó ở chùa tôi thì nghiệp chướng ngủ gật không thể xảy ra được. Mỗi lần thỉnh chuông là 30 phút và phải thỉnh đủ 54 tiếng. Ngày đêm thỉnh chuông hai lần, buổi chiều tối và sáng sớm tinh mơ. Mỗi lần như vậy, phải đứng lên ngồi xuống, chạy tới chạy lui liên tục thì làm sao con “buồn ngủ” đậu trên mắt được. Khi thỉnh chuông được một tuần, tôi mới phát hiện ra rằng tôi đói bụng hơn các chú kia. Khổ nỗi là thầy tôi bắt gặp chú nào lảng vảng dưới nhà trù sau giờ tụng kinh là người đó phải quỳ trước bàn tổ một cây hương dài. 


Có một lần tôi rủ một chú nữa đi kiếm thứ gì ăn thêm sau khi đã tụng kinh, vì “bà cô ruột” tôi réo liên tục. Lúc đó thầy tôi đang tiếp khách. Những tưởng chuyến này thuận buồm xuôi gió, nào ngờ ông khách ra về sớm hơn chúng tôi dự đoán. Hai chúng tôi bị bắt quả tang đang chia nhau tô cơm nguội còn lại hồi chiều. Thầy bắt được, nhưng không nói một tiếng nào mà lặng lẽ đi lên phương trượng. Tôi biết chắc là tai họa sẽ ập tới. Tôi nhủ thầm rằng thà quỳ một cây hương còn hơn là cứ quằn quại suốt đêm không ngủ được với cái bụng xẹp lép. Thầy cho gọi hai chúng tôi lên và đưa một cây hương. Chúng tôi cung kính nhận hương. Tôi đo thử, cây hương dài hơn hai gang tay tôi lúc đó. Tôi nói nhỏ với chú kia rằng có lẽ chúng ta sẽ quỳ cho tới khi đại chúng xả thiền. Khi nghe tiếng kiểng báo giờ ngồi thiền, tôi xích lại gần cây hương trốc bớt bột hương phần dưới để cây hương chóng tàn, giảm bớt thời gian quỳ. Chiêu thức này thì thầy tôi chưa phát hiện được.


Mỗi lần có người mới vô xuất gia, công việc thỉnh chuông lại được giao cho người ấy. Tôi thỉnh chuông được một năm mà chẳng thấy ai xuất gia nữa. Tôi, nếu tình hình này mà tiếp tục thì buổi chiều, phải ăn nhiều hơn một chút để khỏi lục cơm nguội mà quỳ một cây hương. Cái đoạn trường này có ai thấu cho tôi. Tôi đành âm thầm chịu đựng để đêm đêm nghe tiếng gọi của bao tử cầu cứu. Tôi cứ cầu nguyện cho đứa nào đó “chóng quay về bờ giác” để thay tôi làm công việc này. Vào buổi sáng sớm sau nửa tiếng đồng hồ thỉnh chuông, tôi còn phải xuống đun nước sôi, rửa bình chén trà, quét nhà, lau bàn ghế. Trước khi đại chúng xong thời công phu sáng thì tôi phải hoàn tất mọi công chuyện đó. Những việc như thế phải làm trong tư thế cẩn thận, nghiêm trang, chánh niệm và tươm tất. 


Có một lần thầy gọi tôi lên phòng, Thầy bắt đầu với một giọng chậm rãi và hiền hòa. Thầy nói rằng thời gian gần đây khi thầy dạy tôi học bộ Tỳ ni nhật dụng thiết yếu thì tôi thường hay bê trễ. Nấu nước pha trà cũng trễ, thậm chí khi nghe hiệu lệnh báo thức của đại chúng, tôi cũng dậy trễ. Thầy nói rằng chắc là tôi không có duyên với Phật pháp, cho nên đi tu chưa đầy một năm mà nghiệp giải đãi hiện ra. Thầy bảo nếu muốn tu thì cố gắng tinh tấn tu học, hầu thầy, phục dịch cho đại chúng, còn nếu không được thì nên trở lại cuộc sống thế tục, chứ đừng giải đãi mà mang nợ áo cơm của đàn na thí chủ mà bị đọa. Nghe đến đó, tôi nghẹn ngào uất ức lắm, chỉ biết nước mắt lưng tròng. Thầy hỏi tại sao tôi khóc và tôi có muốn tiếp tục làm điệu nữa không. Nếu muốn tiếp tục thì phải nghe lời thầy mà cố gắng tinh tấn dũng mãnh lên. Tôi vừa thút thít vừa lau nước mắt thưa với thầy rằng chính vì tôi tinh tấn nghe lời thầy mà mọi chuyện xảy ra như thế. Trước đó, tôi là thằng bé lanh lẹ siêng năng mà nay tự nhiên chững chạc đến nỗi chậm chạp. Thầy tôi nghe như vậy ngạc nhiên hỏi tại sao tôi nói như vậy. 


Tôi chấp tay trước ngực thưa với thầy rằng thầy dạy tôi khi thức dậy phải đọc câu kệ “Tảo giác”, súc miệng phải đọc bài “Sấu khẩu”, rửa tay, rửa mặt v.v… đều có một bài kệ kèm theo. Nói chung, tất cả mọi động tác trong ngày đều phải đọc kệ và chú. Từ khi thức dậy cho đến khi thời kinh bắt đầu chỉ có khoảng 10 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủn đó, tôi phải thực hiện bao nhiêu động tác, bao nhiêu bài kệ, bao nhiêu câu chú. Thử hỏi ngần ấy kệ tụng thì làm sao tôi có thể thực hiện xong trong vòng 10 phút. Vì lẽ đó, cho nên tôi thường hay trễ. Nghe tôi trình bày, thầy im lặng và bảo tôi xuống. May quá! Nếu lúc đó tôi không thể biện minh một cách logic như thế, chắc là tôi bị cắt giảm cơm chiều ba bữa và rửa chén một tuần. Nguyên tắc trong chùa quy định rằng chú nào nghe hiệu lệnh mà chậm trễ thì sẽ bị phạt như thế. Hồi đó, tôi không trình bày cặn kẽ với thầy lý do bê trễ thì không biết số phận của tôi sẽ ra sao. Chiều đó đã ăn cơm rồi mà thỉnh một hồi chuông còn đói huống chi mà bị phạt không ăn cơm chiều rồi còn rửa chén, tối thỉnh chuông thì chắc tôi phải “về cõi Phật” sớm.


Thường mỗi khi lên chánh điện tụng kinh, các chú tiểu lên trước để đốt đèn, dâng hương, trải chiếu và sửa sang lại mọi thứ. Sau đó, thầy và đại chúng mới lên. Một bữa nọ, thầy và đại chúng lên tới nơi rồi mà chúng tôi không hay biết, còn đứng trước bàn Phật Di Lặc cười vì cái bụng bự của Ngài. Bữa sau, thầy gọi chúng tôi lên phòng và nghiêm nghị nói tại sao lên chánh điện rồi mà chúng tôi còn cười giỡn. Thầy nói sẽ phạt 6 chú tiểu chúng tôi quỳ hương. Chúng tôi thưa với thầy rằng chúng tôi chỉ cười một chút thôi, còn đức Phật Di Lặc cười hoài có sao đâu. Thầy bắt tụi tôi quỳ hương là oan lắm. Thế nhưng 6 chúng tôi vẫn bị phạt. Lần đó, tôi không có lý do gì biện hộ được. Thầy nói rằng đức Phật Di Lặc cười hoài mà không gây ra tiếng động nào, còn chúng tôi chỉ cười một lát, nhưng lại gây ồn ào khiến đại chúng tán niệm. Thầy chỉ cho chúng tôi tấm bản ghi “không được nói, cười lớn tiếng nơi tôn nghiêm” và thầy nói rằng nơi đây chỉ cấm cười lớn tiếng chứ không cấm cười bao giờ. 


Từ đó về sau, tôi rất thán phục thầy tôi với lối trị chúng nghiêm minh có tình có lý, khiến người ta tâm phục khẩu phục. Có một lần thầy tôi đành phải gạt lệ mà tươi cười. Bữa nọ tôi mặc áo chỉnh tề quỳ thưa với thầy rằng tôi thật sự chưa hiểu thấu điều thứ nhất trong kinh Bát đại nhân giác. Tôi thỉnh thầy giảng lại lần nữa. Thầy bắt đầu đọc nguyên âm chữ Hán “Đệ nhất giác ngộ: thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã...” và giảng: điều giác ngộ thứ nhất của chư Phật, Bồ-tát là phải hiểu mọi vật trên đời là vô thường, sáng còn tối mất, chế độ thay đổi liên tục, tổ chức này tranh giành với tổ chức kia, quốc gia thay ngôi đổi chủ… Nghe tới đó, tôi cung kính thưa với thầy rằng chiếc bình độc ẩm chế trà của thầy cũng theo nguyên tắc ấy. Chiều hôm qua còn mà sáng nay đã bể do tôi vô ý đánh rơi khi rửa. Đôi mắt thầy hơi sáng lên một chút quay sang nhìn chỗ khác. Thầy nói giọng hơi nhẹ rằng thầy sẽ thay chiếc bình khác. Thật ra chiếc bình độc ẩm kia đã chế trà cho thầy tôi 20 năm qua. Đây là lần đầu tiên thầy tôi im lặng một cách lạnh lùng. Đúng là cái gì mình yêu thích nhất cuối cùng cũng phải chia lìa.


Dần dà năm tháng trôi qua đã xói mòn cái chỏm trên đầu của tôi, cuốn trôi cuộc đời làm điệu của tôi vào dĩ vãng. Thoáng một cái mà tôi đã 25 tuổi, tuổi chuẩn bị thọ giới Tỳ-kheo. Ước mơ từ thuở nhỏ sắp trở thành hiện thực, cái ước mơ khoác chiếc y vàng như quý thầy. Ngày thọ giới trở về, tôi cũng cứ sinh hoạt bình thường như hồi còn điệu. Có một điều khiến tôi khó hiểu là ngày xưa các chú đối với tôi vui vẻ, thoải mái, giờ đây họ e dè, cẩn thận. Đi đâu họ cũng nhường tôi đi trước. Khi ăn gì họ cũng cung kính mời tôi ăn trước. Nói chuyện gì họ cũng thưa thưa dạ dạ luôn miệng. Chuyện gì đã xảy ra khiến cho chúng tôi ngăn cách? Lúc này không có chú nào dám ngồi ngang hàng với tôi hay nắm tay tôi dạo quanh chùa mỗi đêm trăng sáng để dẫm lên các thỏi vàng di động. 


Tôi không ngờ cái ước mơ ngày xưa của tôi lại nghiêm trọng đến như thế. Một khi người nào đã thọ giới Tỳ-kheo rồi thì nghiễm nhiên là một thành viên của tăng đoàn, là đấng Tam bảo trong đời, là người thừa đương, tiếp nối mạng mạch của chư Phật, Tổ mà hoằng dương giáo lý để lợi lạc quần sanh. Ôi! tôi đâu có biết rằng một vị Tỳ-kheo lại quan trọng đến như vậy. Lý do tại sao các chú quý trọng tôi hơn, cung kính tôi hơn. Đó là truyền thống và nề nếp tôn ty trật tự trong chốn thiền môn. Tôi chợt nhớ bài kệ đầu tiên khi thầy cạo tóc cho tôi “Thiện tai! Thiện nam tử, năng liễu thế vô thường, xả tục thú nê hoàn, công đức nan tư nghì”.


Giờ đây nghĩ lại hơn 15 năm làm điệu là khoảng thời gian tu tập và huấn luyện cho Bồ-đề tâm lớn mạnh và cũng là thời gian đào tạo một mẫu người lý tưởng, có oai nghi, có hạnh kiểm đáng là tiêu chuẩn cho truyền thống trong thiền môn. Thời gian đó quý lắm, quan trọng lắm. Trong kinh Hiền Ngu có nêu 4 cái nhỏ rất quan trọng: hoàng đế nhỏ, rắn độc nhỏ, đốm lửa nhỏ và chú tiểu nhỏ. Hoàng đế nhỏ lớn lên có thể tung hoành thiên hạ, tạo nên một lịch sử hào hùng. Rắn độc nhỏ có thể truyền độc chết một sinh mạng lớn hơn nó. 


Đốm lửa nhỏ có thể đốt cả một khu rừng và chú tiểu nhỏ lớn lên hoằng dương chánh pháp, quảng độ chúng sanh, làm rạng rỡ đạo pháp, khai nguồn tuệ giác vô tận, khắp năm châu bốn biển. Những nỗi vui buồn trong thời gian làm điệu của tôi chỉ là một góc rất nhỏ trong truyền thống thiền môn, thế nhưng nó chứa đựng được phần lớn những nếp sống lý tưởng của một thời làm điệu nhằm giáo dục và đào tạo một mẫu người lý tưởng của đạo Phật. Tôi không thể nào quên được những giây phút vui buồn trong thời gian làm điệu. Dường như cho tới bây giờ nó vẫn là chất liệu sống cho nếp sống xuất gia của tôi. Nếu ai đó xuất gia mà không trải qua thời gian làm điệu thì uổng lắm, giống như đã bỏ qua buổi lễ khai mạc của một lễ hội lớn. Bài viết này chỉ là bản tường thuật tóm lược buổi lễ khai mạc của cuộc sống xuất gia.

Theo Pháp Luân


Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.