VLCĐ: Tu Bụi - Truyện dài của tác giả Trần Kiêm Đoàn, người đọc: Biển Và Em - tu giữa bụi trần là câu chuyện kể về những đổi thay không ngừng trong cuộc đời của một con người với nhiều hạnh phúc lẫn đắng cay song hành. Qua cảm nhận của một người mà phần lớn cuộc sống riêng gắn liền với triết lý Phật giáo, tác giả Trần Kiêm Đòan đã gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào nhân vật Trí Hải-hình tượng của một kẻ thích “phiêu bạc giang hồ” giữa thế giới để hành đạo và sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang, quyền chức của một vị hòang thân nhà Nguyễn để nhập thế của sự tu hành.
Lấy xuống coi dần: CLIK CHUỘT
Được vua Gia Long tin dùng nhưng bị tân vương Minh Mạng nghi ngờ, thân phận “xuống chó” nhiều hơn “lên vua” của Trí Hải tưởng chừng như đã đi vào sự bế tắc, tuyệt vọng. Nhưnh chính lúc này, tinh thần hóa giải của đạo Phật đã giúp ông tìm ra phương hướng để giải quyết, vừa ít thiệt thòi nhất, vừa không gây đau khổ cho mình và cho người khác. Đó là quá trình chuyển hóa từ tình trạng bị dính mắc, trói buộc tròng vòng đời trần tục đến buông xả, tự do trong tinh thần từ bi và trí tuệ nhân bản đượm mùi triết lý Phật giáo. Cuộc sống tình cảm riêng tư của Trí Hải còn gắn liền với Ba Gấm-một cung nữ hầu cận riêng cho công chúa Ngọc Nữ và xuất thân trong một gia đình nông dân. Từ tình cảm và mối quan hệ anh-em, trên-dưới ban đầu, cả hai đã yêu nhau. Tuy không đến đích cuối cùng, nhưng cuộc tình đầy đam mê, thơ mộng và cũng lắm trái ngang của họ đã thóat qua ngõ cụt của tuyệt vọng, hủy họai để chuyển hóa thành lòng thương quý và sự hy sinh cao thượng cho mình và cho người.
Những diễn biến của câu chuyện, những suy nghĩ, hành động và chuyển biến tâm lý của các nhân vật trong Tu bụi vừa liền mạch, vừa cắt rời nhau qua mỗi chương để nói lên những vấn đề liên quan đến đạo Phật. Tuy nhiên, cái hay nhất là tác giả vẫn giữ được tính thống nhất của nội dung; các tình tiết được diễn đạt khá tinh tế, hấp dẫn, có khi vừa nhẹ nhàng, đôi lúc đầy kịch tính qua sự chuyển biến bất ngờ trong tính cách và cách hành xử của từng nhân vật. Điển hình nhất là trong chương 26, trận đấu sinh tử giữa Trần Minh và Phạm Xảo dẫn đến cái chết của Phạm Xảo mang đầy tính nhân văn và đưa diễn biến của câu truyện dài này đến đỉnh điểm tuyệt xảo. Thêm vào đó, Ba Gấm và thầy Tiêu từ giã cuộc đời trần trong xót xa nhưng cũng đầy lý tưởng “ vì nghĩa quên mình” chính là biểu tượng làm dấu nhấn cho việc Tu Bụi giữa đời, đem cái Tâm Giác Ngộ để xả kỷ, hành thiện…
Cuốn sách vừa lôi cuốn vừa khéo léo vừa đẹp về cả ba phương diện: văn học, triết học và đạo học. Đây là một đạo Phật gần với một triết lý sống thật giữa đời hơn là chìm sâu trong thế giới tâm linh thuần tôn giáo.
Đọc Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn, tôi có cảm tưởng như nhìn thấy một mảnh bóng dáng của chính mình qua nhận vật chính là Trí Hải.
Đời Trí Hải có nhiều biến cố. Từ vị trí của một vị Hoàng thân, được tiên vương Gia Long tin tưởng, nhưng lại bị tân vương Minh Mạng nghi ngờ, nhân vật Trí Hải từ địa vị cao sang, bước vào cuộc đời đầy gió bụi. Ông ta cũng có khi bị trôi nổi, vùi dập trong từng chặng đời khi lên, khi xuống qua hoàn cảnh sống và suy tư của riêng ông. Gặp những lúc khó khăn và khúc mắc nhất trong cuộc sống, Trí Hải phải dựa vào tinh thần hòa giải của Phật giáo để tìm ra phương hướng giải quyết. Hóa giải theo tinh thần đạo Phật trong Tu Bụi có 3 cấp độ: Biết rõ vấn đề như một khổ nạn tất yếu của cuộc sống; hiểu rõ và dấn thân sống thật với vấn đề; và sử dụng toàn trí toàn tâm để chuyển hóa khổ ách từ tình trạng bị dính mắc và trói buộc đến buông xả, tự do trong tinh thần từ bi và trí tuệ nhân bản đượm mùi Phật giáo.
Đấy là cách giải quyết vấn đề ít thiệt thòi nhất và không gây đau khổ cho mình và cho người, bởi vì cốt tủy của sự thay đổi hay "tu" là chuyển hóa thực tế chứ không tiêu diệt vấn nạn bằng danh từ suông hay bằng sự ỷ lại siêu hình, dễ dãi nào cả. Như lối thoát cho cuộc tình đầy đam mê, thơ mộng nhưng ngang trái giữa Trí Hải và Ba Gấm không phải là một ngõ cụt của tuyệt vọng, hủy hoại mà là sự chuyển hóa từ dục vọng tầm thường vươn lên cao thành ra lòng thương quý và sự hy sinh cao thượng cho mình và cho người.
Từ gốc rễ, Trí Hải không phải là người theo đạo Phật, nhưng ông đã học và đã thực hành theo tinh thần đạo Phật qua hai nhân vật tu sĩ là sư Trúc Lâm và thầy Tiều. Tuy phương pháp tu hành khác nhau, thầy Tiều đi vào đời sống xô bồ đời thường và sư Trúc Lâm đi vào đời sống thanh tịnh, ẩn dật, nhưng cả hai vị tu sĩ này đều thấy rõ được bản chất cá nhân để chọn pháp môn thích hợp cho mình và cho đời. Tôi có cảm tưởng như hai nhà sư xuất hiện giữa đời này khác nhau như sao Hôm, sao Mai; nhưng từ trong cội nguồn, họ là Sâm Thương, là một, là hai lữ hành cùng bước đi trên một con đường Trí Tuệ dẫn về phương giải thoát.
Về hình thức văn chương, Tu Bụi không phải là một tác phẩm tiểu thuyết (fiction) đúng nghĩa; mà cũng chẳng phải là một tác phẩm biên khảo hay lịch sử mang tính phi tiểu thuyết (non-fiction) thực sự. Nhiều đoạn văn đẹp và giàu vần điệu trôi chảy như thơ. Nhiều đoạn văn lý luận mang tính triết học và phân tích tâm lý rất sâu và trừu tượng. Cũng có những đoạn văn trình bày sự kiện lịch sử, dữ kiện xã hội và khoa học có thật để làm bối cảnh cho dòng tưởng tượng trôi chảy. Nhưng thật ra, chất liệu "lịch sử" trong Tu Bụi thường chỉ là một cái cớ được dựng lên bằng dữ kiện trộn lẫn với tưởng tượng và sự sáng tạo đầy tính nghệ sĩ và phóng khoáng của tác giả. Bởi thế, nếu đi tìm lịch sử trong Tu Bụi thì phải tìm bằng tiếng hát tuyệt vời của chàng Trương Chi tưởng tượng bên cạnh Mỵ Nương là nàng công chúa yêu kiều đâu đó trong lịch sử.
Theo tôi, đây là một tác phẩm mang đậm nét tinh thần đạo Phật, lý giải được một số tín điều cũng như quan niệm triết học vẫn còn nằm sâu trong góc khuất tư tưởng. Với cảm nhận nghệ thuật riêng, tôi nhận định rằng: Tu Bụi vừa lôi cuốn vừa khéo léo vừa đẹp về cả ba phương diện: văn học, triết học và đạo học. Đây là một đạo Phật gần với một triết lý sống thật giữa đời hơn là chìm sâu trong thế giới tâm linh thuần tôn giáo.
Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả là cái Tâm của người viết. Đấy là tấm lòng hướng đến điều thiện. Tác giả Trần Kiêm Đoàn đã dùng đến một lối hành văn trôi chảy, uyển chuyển, giàu hình tượng và ví von đầy cảm xúc. Ngay cả trong lý luận thì hình ảnh và cảm tính nghệ thuật cũng đã được vận dụng một cách tài hoa. Lắm lúc, sự lãng mạn tràn trề hay phẫn nộ, bùng vỡ nhưng vẫn giữ được vẻ tròn trịa, quý phái và cổ kính trong ý, trong từ và trong điệu văn.
Nếu chỉ phủi bụi bằng đôi tay và cây chổi của đời thường thì chỉ làm cho những lớp bụi có cơ dày thêm. Bụi đời chỉ có thể rửa sạch bằng đôi mắt thương (từ nhân) và bằng tấm lòng trung chính (chân tâm). Tác phẩm Tu Bụi đã thành công trong việc gợi ý "Quét bụi trần gian" qua nghệ thuật kết cấu mang tính biểu tượng (symbolism) và tâm lý nhân vật được xây dựng mang tính cường điệu sáng tạo (creative exaggeraion) gây ấn tượng sâu và đậm cho người đọc.
Tu bụi để phủi được lớp bụi vong tình.
Trong dòng suối cũ tâm linh,
có một con nước vừa lên,
rất mới.
Trích Lời giới thiệu sách của Bác sĩ Mahinđa Phúc NguyênColombo
Đăng nhận xét