Đi tìm dấu tích ngôi Chùa cổ ở Huyện Krông Bông - Đaklăk

 VLCĐ: Qua nhiều năm lặn lội với vùng đất căn cứ kháng chiến Krông Bông để làm công tác Phật sự, Đại Đức Hải Định (tên thân mật: Thầy Hải Định) hiện trụ trì chùa Hoa Lâm, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột đã được bà con Phật tử huyện Krông Bông kể về huyền thoại một ngôi chùa cổ ở vùng đất này.

Từ đó, thầy Hải Định luôn luôn nuôi trong lòng một ao ước sẽ đi tìm dấu tích của ngôi chùa huyền thoại ở vùng đất Krông Bông giàu truyền thống lịch sử. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời (28/8 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 13/10/2012) thầy Hải Định cùng chúng tôi tổ chức một chuyến khảo sát về xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông để tìm ngôi chùa cổ.



 


 


 


 



Thế rồi, vào một ngày đẹp trời (28/8 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 13/10/2012) thầy Hải Định cùng chúng tôi tổ chức một chuyến khảo sát về xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông để tìm ngôi chùa cổ.


Sau một tiếng 30 phút, leo đèo, vượt dốc, xe chúng tôi đã vượt một đoạn đường dài hơn 65 km từ thành phố Buôn Ma Thuột đến xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. Lần theo bức thư của một Phật tử gửi cho thầy Hải Định, đoàn chúng tôi đến gặp bác Trí ở thôn 1, xã Hòa Lễ. Theo bác Trí đoàn chúng tôi đến gặp bác Nguyễn Đức Hoàng, người cùng thôn 1. Được biết có đoàn Phật giáo tỉnh đến thăm, bác Hoàng đang hái cà phê sau vườn vội vàng về tiếp chúng tôi. Qua trao đổi của thầy Hải Định về việc đi tìm dấu tích ngôi chùa cổ ở vùng đất Krông Bông. Bác Hoàng đăm chiêu một lúc rồi kể lại: Vào khoảng năm 1959 - 1960, hơn chục hộ gia đình từ Tam Kỳ, Quảng Nam, Bình Định di cư lên vùng đất này để lập dinh điền theo kế hoạch bình định của Ngô Đình Diệm. Đến năm 1962, một trong số các hộ di cư lên đây đã dựng lên ngôi chùa bằng gỗ lợp tranh để làm nơi thờ tự và lễ Phật theo truyền thống Phật giáo của dân tộc Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày rằm, mồng một, rằm tháng 4, rằm tháng 7, dân trong vùng thường đến chùa này dâng hương, đọc kinh, lễ Phật. Sau đó, đến năm 1966, do chiến tranh ác liệt, dân di cư ở đây phải chạy vào khu căn cứ kháng chiến của tỉnh để lánh nạn. Chùa bỏ hoang và bị cháy do bom đạn Mỹ. Hiện nay dấu tích của chùa còn lại ở cuối thôn 5 của xã Hòa Lễ, muốn biết rõ hơn về ngôi chùa này, mời thầy và các anh đến gặp bác Troài ở thôn 5.


Trước khi chia tay thầy Hải Định chân thành cảm ơn bác Hoàng, bác Trí và tặng cho gia đình bác Hoàng, bác Trí những cuốn sách Phật, đĩa Phật, chuỗi hạt… gọi là tấm lòng của nhà Phật gửi cho mỗi thành viên trong gia đình. Chúc gia đình sống theo lời Phật đã dạy.


Đoàn chúng tôi lại lên xe đến thôn 5 để tìm gặp bác Võ Tất Troài. Được sự thông tin trước của thầy Hải Định, nên bác Troài đã đợi sẵn chúng tôi ở cổng chùa Phước Vân. Thầy Hải Định mời bác Troài lên xe dẫn chúng tôi đến thôn 5 tìm dấu tích của ngôi chùa cổ. Đến nơi, bác Troài dẫn chúng tôi vào khu đất trước đây đã được xây dựng ngôi chùa cổ, và nói: Đây là khu đất của ngôi chùa rộng khoảng trên một héc ta. Trước đây, chùa được xây cất bằng khung gỗ có hàng cột gỗ lim chắc chắn, thưng bằng tre nứa, mái lợp tranh, dài khoảng 7 mét, rộng khoảng 4 mét, mặt quay ra một cái bàu lớn, sau này dân địa phương gọi là Bàu Chùa. Còn tên chùa thì không rõ. Chỉ nghe dân ở đây kể lại, trước kia thôn 5 được gọi là thôn Lễ Giáo. Chùa không có thầy chủ trì mà do người chủ xây chùa trông coi và tổ chức lễ tế Phật vào các ngày quy định của Phật giáo, nhất là các ngày rằm, mồng một, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, hàng năm nhân dân trong vùng đến lễ Phật rất đông với mong ước cầu cho “quốc thái, dân an”.


Đoàn chúng tôi lại tiếp tục theo bước chân của bác Troài đi thăm hết khu đất của chùa cổ, thăm Bàu Chùa, thăm gốc đa của chùa (nay chỉ còn lại một ụ đất). Về cây đa bên cạnh khu đất chùa: Theo người dân nơi đây kể lại, sau ngày giải phóng quê hương, cây đa to lớn đến 4 - 5 người ôm, cây cao tỏa bóng rợp cả mấy chục nóc nhà, chim chóc muôn nơi về đây làm tổ, hót vang suốt ngày, nhưng bây giờ chỉ còn trơ lại một gò đất nhỏ.


Người dân nơi đây còn kể lại, sau ngày giải phóng miền Nam, một số hộ trở về trước có đến ngôi chùa để tìm kiếm những vật còn sót lại, trong đó có một cụ già đã lấy bốn tấm đá kê cột chùa về kê cột nhà mình. Thế rồi qua bao năm tháng, bốn tấm đá cũng không còn nữa mà nó đã trở thành huyền thoại về ngôi chùa cổ.


Bác Troài còn kể lại: Sau giải phóng, tôi từ Quảng Trị di cư vào đây xây dựng kinh tế mới, có đến khu đất này, và tôi đã dựng lên một ngôi nhà cho cả gia đình tôi ở ngay cạnh khu đất của ngôi chùa cổ. Còn một gia đình khác thì làm ngay trong khu đất của ngôi chùa. Gia đình ấy ở đây một thời gian thì không ở được đành phải dời đi nơi khác (do mẹ ốm, con bị tâm thần dị tật), quả là khu đất chùa này rất linh thiêng.


Sau khi đi xem khu đất chùa cổ, đoàn chúng tôi theo bác Troài trở lại xe ô tô thì gặp một nhóm Phật tử, chủ yếu là các bà ở trong thôn, đến xin gặp thầy Hải Định. Thầy Hải Định vui vẻ gặp bà con trong tình thân thiết như người con đi xa nay trở về quê hương. Sau khi thăm hỏi sức khỏe bà con Phật tử, thầy Hải Định lấy sách Phật, đĩa VCD của Phật, chuỗi hạt tặng cho mọi người rồi thầy chào tất cả để trở về chùa Phước Vân.


Thật là cảm động, khi xe chúng tôi vừa đến sân chùa Phước Vân, thì bà con Phật tử đã đợi sẵn ngay trước cửa chùa hoan hỷ đón chúng tôi. Tất cả mọi người đều chắp tay trước ngực theo nghi lễ của Phật giáo để đón khách quý. Thầy Hải Định và chúng tôi chào tất cả mọi người rồi bước vào chùa.


Ngôi chùa Phước Vân mộc mạc đơn sơ, được xây dựng bằng gỗ, mái lợp ngói, rộng khoảng trên 30 m2, nhiều chỗ vách thưng bằng ván đã bị mục, hư hỏng, trông thật tội nghiệp. Nếu ai đã một lần đến đây cũng phải xúc động, rơi nước mắt.


Thầy Hải Định bước đến bàn thờ Phật dâng hương theo nghi lễ Phật giáo rồi thầy ngồi xuống chiếc chiếu hoa ngay sát bàn thờ Phật, thăm hỏi sức khỏe bà con Phật tử, rồi thầy lấy sách, đĩa VCD của nhà Phật, chuỗi hạt tặng cho mọi người.


Bác Troài, đại diện cho Ban Hộ tự chùa Phước Vân báo cáo với thầy: Chùa chúng con đang xây dựng dở dang, nay hết kinh phí nhờ thầy giúp đỡ. Thầy Hải Định thong thả trả lời: Các bác cứ nói tổng thể xây dựng chùa là bao nhiêu, hiện nay còn thiếu các hạng mục gì để thầy kêu gọi các chùa trong tỉnh cúng dường. Riêng thầy sẽ cúng dường phần mái lợp của chùa. Nghe thầy Hải Định nói đến đây, bà con Phật tử vỗ tay vui mừng.


Sau đó, thầy Hải Định cùng chúng tôi và Ban Hộ tự chùa Phước Vân đi xem công trình xây dựng chùa, chụp ảnh lưu niệm với bà con Phật tử, rồi trở về ngôi chùa gỗ ăn bữa cơm chay với bà con Phật tử trong tình cảm ấm áp của một gia đình Phật tử trên vùng đất giàu truyền thống Phật giáo, và truyền thống cách mạng.


Sau bữa cơm, tôi được anh Cao Thọ (năm nay khoảng 50 tuổi) kể rằng: Gia đình tôi quê ở quận 2, thành phố Đà Nẵng, di cư đến thôn 5, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông vào năm 1976. Sau khi ổn định cuộc sống, anh em Phật tử chúng tôi họp nhau lại và thống nhất xin mượn cha tôi là ông Cao Thơ một lô đất rộng khoảng 1.000 m2 để làm ngôi nhà niệm Phật Đường với tên gọi Phước Vân. Khu nhà niệm Phật Đường được hình thành từ năm 1992, lúc đầu có 7 hộ Phật tử và Ban Hộ tự lâm thời. Đến năm 2002 nhà niệm Phật Đường được chính quyền địa phương công nhận là một trong những tổ chức Phật giáo của huyện Krông Bông.


Đến năm 2010, nhờ sự làm việc tích cực của Ban Hộ tự, trong đó có bác Võ Tất Troài nên chính quyền địa phương đã cấp cho một khu đất rộng khoảng 8,3 sào trên một đồi cao thuộc thôn 4, xã Hòa Lễ, để xây dựng chùa. Đến đầu năm 2011, nhà niệm Phật Đường Phước Minh được đổi thành chùa Phước Vân và dời về vị trí khu đất mới thuộc thôn 4, xã Hòa Lễ như bây giờ.


Nhờ sự hảo tâm của bà con Phật tử gần xa, và một số đơn vị doanh nghiệp trong huyện Krông Bông, tháng 2/2012 chùa làm lễ đặt đá động thổ. Đến tháng 4/2012 chùa mới được khởi công xây dựng. Đến nay gần cuối tháng 10/2012 ngôi chùa kiên cố mới hoàn thiện được gần 2/3 công trình. Do thiếu vốn nên công trình xây dựng chùa Phước Vân đang tạm dừng lại. Bà con Phật tử nơi đây đang mong cầu các nhà hảo tâm và bà con Phật tử gần xa với tấm lòng vàng tiếp tục cúng dường để công trình xây dựng chùa Phước Vân được đưa vào sử dụng đúng dịp đón năm mới năm 2013.


Từ chỗ chỉ có 7 hộ Phật tử, đến nay chùa Phước Vân đã có 80 Phật tử, 120 đạo hữu, một lòng gắn bó với Phật giáo, sống có ích cho gia đình, xã hội và dân tộc, luôn luôn hướng thiện để giúp mọi người sống từ bi, bác ái “mình vì mọi người” vì sự phồn vinh của đất nước. Nếu công trình xây dựng chùa Phước Vân được hoàn thành sớm, nơi đây là điểm hội tụ của bà con Phật tử xã Hòa Lễ, để bà con đạo hữu trong huyện, trong tỉnh và quốc tế đến dâng hương lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng của vùng đất căn cứ kháng chiến Krông Bông kiên cường, bất khuất, giàu truyền thống Phật giáo./.


Trương Bi

Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.