VLCĐ: Phạm Thiên Thư xuất hiện rất muộn và lại ngưng rất sớm nhưng ông đã đóng góp vào giòng văn học Việt Nam những thành tích không nhỏ. Một trong những tác phẩm nầy Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc vào năm 1971.
Người đời đã bắt đầu yêu thơ ông qua những thi phẩm "Ngày Xưa Hoàng Thị" "Động Hoa Vàng"... phổ biến thành ca khúc.
VĂN HỌC PHẬT GIÁO
"Phạm Thiên Thư: lên non tìm động hoa vàng ngủ say" Thái Tú Hạp
Clip Video:
Những nhà chân tu Phật giáo ngày xưa quan niệm đi vào con đường Tôn Giáo phải xuất thế tìm nơi non cao tĩnh lặng để theo đuổi cuộc hành trình ngắn ngủi của một kiếp người. Một kiếp nhân sinh tạm bợ bằng thân xác đầy dẫy những sinh lão bệnh tử, thật cô đơn tội nghiệp giữa vô cùng buồn thảm của vũ trụ. Nơi nương tựa thực tiễn chỉ còn cách quay về với chính cái Tâm sâu thẳm, để truy tầm sào huyệt Tâm Trí An Bình. Khi đã ngộ được cái Tâm Chánh Niệm lúc đó mới đạt niềm hạnh phúc viên mãn trong đời sống. Nhiều Thiền sư đã diện bích để soi tâm, để tìm chính con đường đạo ở trong Tâm:
Diệu tính hư vô bất khả phàn Hư vô tâm ngộ đắc hà nan Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận Liên phát lô trung thấp vị càn.Tính không huyền diệu vô vàn Tâm không ngộ được nghĩ bàn gì đâu? Núi cao ngọc cháy đậm màu Trong lò sen thắm cho dầu lửa thiêu...(Lời Dạy Trước Khi Mất Thiền sư Ngộ Ấn)
Trong kinh Phật còn viện dẫn "Chiến thắng ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình. Đó là chiến công oanh liệt nhất." Ông Phạm Thiên Thư như một đạo sĩ xuống núi từ Chùa Pháp Hoa và ông như người rao giảng hiền hòa về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ... nhất là ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát-Nhã quả là một hành động phi thường.
Mầu nhiệm thay Kim Cương! Lạ lùng thay Kim Cương... ...Ước gì lòng tôi biến thành Kim Cương để phá tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để hết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát. Phải chăng đấy là cái tâm "Ưng vô sở trụ mà Sinh" nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đa làm sao cho Thái Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm- dĩ thiên hạ dục vi dục". Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:
"Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý Bạch vân xuất tụ bản vô tâm"(Giáo sư Nguyễn Đăng Thục giới thiệu Phạm Thiên Thư).
Những nhà thơ Phật giáo đã số thường thi triển nguồn cảm hứng dựa trên nền tảng tôn giáo và thiên nhiên, nhất là những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... và các bậc thiền sư này đã tạo cho giòng văn học Việt Nam càng phong phú, giá trị và sâu sắc hơn với những nét đặc thù của mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và dân tộc.
Đưa em tìm động hoa vàng (trước 1975) CS: Thái Thanh
Cuộc chiến đang đến hồi bùng vỡ ở nhiều mặt trận cao nguyên, miền địa đầu giới tuyến, mỗi ngày đều nhìn thấy những chiếc trực thăng trắng chở những chiến sĩ bị thương từ chiến trường về những bệnh viện ở những thành phố miền Nam, tâm trạng thanh niên hoang mang, cảm thấy đời sống buồn bã, thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như viên thuốc an thần:
...Rằng xưa có gã từ quan Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say... Ừ, thì mình ngại mưa mau Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi Sông này chảy một giòng thôi Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...
...Ta về rũ áo mây trôi Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan... ...Thì thôi! tóc ấy phù vân Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương ...Mai anh chết dưới cội đào Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...(Động Hoa Vàng)
Tôi cũng đồng nhận xét với nhà văn Võ Phiến: "Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ... thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em nầy em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới Kinh Hiền Kinh Ngọc, không biết chuông mõ gì ráo, thì trong kho tàng thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt đi chứ..."
Tam Đảo Hạnh Phu (Yukio Mishima) một trong những nhà văn nổi tiếng của Nhật, ông có viết một truyện ngắn với nhan đề "Chuyện Tình Của Nhà Sư Chùa Shiga" ông đã diễn tả cái nghịch lý ghê gớm xảy ra trong nội tâm của một thiền sư giữa tình yêu và đạo lý... Cuối cùng "Thiền sư đã quyết định từ bỏ tất cả để ra đi. Lòng Thiền sư thật bình thản, trống không. Cái trống không thật viên mãn vì ông đã chiêm nghiệm được ở cái hố thẳm vô cùng tận đó chỉ là Sắc, Không..."
Cái điều ỡm ờ nửa đời nửa đạo thật khác thường của Phạm Thiên Thư đã làm cho thế gian ngẩn ngơ, hoài nghi cái chân lý ông đang đeo đuổi. Một ông sư đã biết yêu và biểu lộ tình yêu một cách quá quắt khác thường, lãng mạn còn hơn những chàng trai bình thường mới biết yêu:
...Em tan trường về Anh theo Ngọ về Chân anh nặng nề Mai vào lớp học Anh còn ngẩn ngơ... ...Môi em mỉm cười Mang mang sầu đời, tình ơi! ...Ôi! Con đường về Bông hoa còn đẹp Lòng sao thấm mệt Ngắt vội hoa này Nhớ người thuở xưa... (Ngày Xưa Hoàng Thị)
...Em làm trang tôn kinh Anh làm nhà sư buồn Đêm đêm buồn tụng đọc Lòng chợt nhớ vương vương Đợi nhau từ mấy thuở Tìm nhau cõi vô thường Anh hóa thân làm mực Cho vừa giấy yêu đương... (Pháp Thân)
Mặc dù đang ở vào thời đại cuối thế kỷ 20 nhưng tình yêu đối với nhà sư Phạm Thiên Thư vẫn còn những cảm xúc thánh thiện, khép kín một chút bẽn lẽn khi hai người yêu nhau không dám gần nhau trong bàn tay nắm, vì sợ tình yêu sẽ tan biến đi như sương khói:
...Anh trao vội vàng Chùm hoa mới nở Ép vào cuối vở Muôn thuở còn vương...
Theo nhà văn Cao Mỵ Nhân cho biết "...Phathata là gì? Đó là ba chữ viết tắt của Pháp, Thân, Tâm. Có người nói đùa đó là ba chữ đầu tiên Phạm Thiên Thư, một cách đặt tên cơ quan, hãng xưởng dịch vụ, thí dụ VICASA là Viện Cán Sắt, BAKECO là Bánh Kẹo Công Ty v.v... chẳng hạn. Phạm Thiên Thư đa được khá đông tầng lớp nhân dân... ái mộ chân tình vì nhiều lý do, trước nhất là bản tính giản dị, chất phác, nhưng lại lãng mạn. Các vị tu sĩ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành... đều mến anh nên đều mời họ Phạm về thiền viện, giảng đường thuyết trình về đề tài Pháp, Thân, Tâm...
Với phương pháp Phathata khai mở mới mẻ về dưỡng tâm an tịnh, ngoài ra còn có thực hành châm cứu và nhân điện, đã đem lại cho nhà thơ Phạm Thiên Thư đôi chút an tâm về đời sống. Và nhất là vơi dịu bớt nỗi đau buồn từ khi nhà thơ Tuệ Mai (hiền thê) của anh vừa nằm xuống..."
----------------
Đăng nhận xét