Nghi Thức Cổ Phật Khất Thực Trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền

VLCĐ: Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền, nơi truyền trì mạch đạo, chốn hiển lý Đại Thừa là nơi mà tất cả những truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền liên quan với cội nguồn Tây trúc đều được bảo lưu duy trì, 
những lời phật dạy trong Giới kinh và nghi thức truyền thống Phật Giáo thời Phật tại thế hầu như đều được lưu giữ trọn vẹn trong những nghi thức Giới Đàn, trong đó có Nghi Thức Cổ Phật Khất Thực.

Phật Giáo vào khoảng cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II sau công nguyên được truyền vào đông độ, với tinh thần từ bi cứu độ không phân biệt giàu nghèo sang hèn, và chân lý " Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh và đề có khả năng thành Phật như nhau" cho nên giáo lý của Phật Đà được sự đón nhận cũng như đồng tình của tầng lớp quí tộc và trí thức Nho gia cũng như Đạo gia của Đông Độ và sự thành tâm tín ngưỡng của quần chúng trong xã hội, vì vậy Phật Giáo rất nhanh truyền bá rộng rãi trong cung đình cũng như dân gian.Khất thực là một trong những nghi thức tu tập tối quan trọng của Tăng Già Phật Giáo Ấn Độ do Đức Phật chế ra, Phật dạy đã là một vị Tăng sĩ điều trước tiên phải hành pháp Khất thực, vì vậy khi Phật Giáo truyền vào Đông độ Tăng Già vẫn như cổ lệ trì bình khất thực giáo hóa nhân gian.


Tăng già ở Ấn Độ trì bát khất thực là một trong những pháp môn tu tập tối thắng để diệt trừ tham tâm và ngã mạn, người dân Ấn Độ cho rằng người xuất gia cần phải hành trì pháp khất thực để làm duyên lành cho chúng sanh gieo trồng phước đức, chúng sanh nếu muốn tu tạo phước đức thì phải cúng dường cho chúng Tăng.


Khác với Ấn Độ truyền thống văn hóa, tập quán, phong tục của người Đông độ quan niệm về khất thực khác hẳn với Ấn Độ, người Đông Độ cho rằng khất thực là một trong những hành vi của người nghèo khổ, không có địa vị trong xã hội, không phải là tầng lớp trí thức cao quý, cho nên lúc đầu chư Tăng cũng đi trì bình khất thực, nhưng do có sự dị nghị cũng như hiểu lầm về giá trị của Tăng già trong xã hội, nhất là buổi ban đầu đa số chư Tăng đều là thầy của vua quan và quý tộc có địa vị rất cao trong xã hội.


Triều đình cũng như vua chúa các vị đại thí chủ phát tâm cúng dường y phục vật thực thay vì chư Tăng phải đi trì bình khất thực thì chỉ ở trong trú xứ chuyên tâm lo việc hoằng giáo tu trì. Ví dụ Vua Huệ Đế thời Tây Tấn lập chùa Hưng Thánh để cúng dường chư Tăng. Đời Bắc Ngụy có chế độ "Tăng Kỳ Hộ" quy định trong dân gian mỗi năm đóng 60 đấu gạo vào trong Tăng Tào để cúng dường cho Tăng...



Tăng đoàn Phật Giáo Bắc Truyền đến đời vua Lương Võ Đế, nhà vua vì muốn thể hiện tinh thần từ bi của Đạo Phật không ăn thịt chúng sanh, nên hết lòng xiển dương ăn chay, ra sắc lệnh cấm Tăng sĩ không được ăn mặn. Khất thực theo luật Phật chế khi đi bát thường là Phật tử cúng thức ăn gì, thì chư Tăng thọ dụng thức ăn đó, bất cứ là thực phẩm là chay hay mặn, việc cấm ăn mặn làm cho pháp trì bình khất thực gặp phải chướng ngại, chỉ còn cách trong chùa chư Tăng phải tự nấu thức ăn chay, cho nên dần dần truyền thống chư Tăng đi khất thực không còn được thực hiện trong Phật Giáo Bắc Truyền.


Đời Đông Tấn, để phù hợp với văn hóa tập tục truyền thống xã hội nông nghiệp của Đông độ, Ngài Đạo An Đại Sư lại đề xướng chư Tăng cần phải làm ruộng để tự nuôi sống mình, trong Cao Tăng Truyện Đông Tấn Cao Tăng Đạo An chép: "đem kinh vào trong ruộng, nghỉ việc chỉ lo đọc sách". Chư Tăng cũng cần phải làm ruộng để tự nuôi sống mình, chứ không phải chỉ biết đọc Kinh.


Đến đời nhà Đường, Thiền Tông hưng thạnh, Ngài Bách Trượng xiển dương "Nhất nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực", một ngày không làm thì ngày đó không ăn, thiết lập chế độ "Nông Thiền" trong Phật Giáo Bắc Truyền, chấm dứt truyền thống khất thực của Tăng Già trong Phật Giáo Bắc Truyền ở Đông độ, chính vì những nguyên nhân này mà truyền thống trì bình khất thực của Tăng Già chỉ còn là nghi thức trong "Truyền Y Phú Bát" trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền.



Nghi Thức Cổ Phật Khất Thực là một trong những nghi thức quan trọng Giới đàn Phật Giáo Bắc Truyền, nghi thức này được hầu hết các vị Tổ sư Trung Hoa cũng như Việt Nam khi khai đàn truyền giới đều có tổ chức hành nghi "Cổ Phật Khất Thực". Theo sách Hải Ngoại Ký Sự của Ngài Thạch Liêm Thiền Sư, khi khai đàn truyền giới tại Thuận Hóa cũng đều có hành nghi cổ Phật khất thực, sách chép: "... ngày thứ 3 cùng với Quốc sư dẫn lưỡng tự đại chúng tân giới tử đi vào hoàng cung hành nghi cổ Phật khất thực... nhà vua đắp tử y hai bên có hai vị Tăng trì tích cầm tọa cụ đứng đợi nơi cổng thành phía tây, hơn 1400 tân giới tử, đắp y trì bát trang nghiêm...".


Vì sao đi khất thực lại được xưng là nghi thức "Cổ Phật Khất Thực"? Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên có đoạn chép: "Một hôm Đức Phật dạy ngài A Nan: "Đã sắp đến giờ ngọ, ông nên trì bát vào thành để khất thực", Ngài A Nan đáp: "Bạch vâng". Đức Thế Tôn lại dạy: "Khi ông trì bát đi khất thực, nên nhớ phải y theo nghi thức của Thất Phật thời quá khứ", Ngài A Nan liền hỏi: "Nghi thức khất thực của Thất Phật thời quá khứ là như thế nào?". Phật gọi Ngài A Nan, Ngài A Nan đáp "Dạ" Phật lại dạy "trì bát đi khất thực đi".


Nghi thức Khất Thực vì sao lại liên quan đến Thất Phật. Trong sách Ngũ Bách La Hán nói về vị Tổ thứ 7 là Ngài Thất Phật Nan Đề Tôn Giả, có đoạn chép liên quan đến Thất Phật khất thực: "Thất Phật là bảy vị Phật Tổ thời quá khứ, vì độ chúng sanh mà nhẫn nại đi khất thực, không kể đông hè nóng lạnh, đi hóa độ khắp tất cả mọi nơi, cứu độ chúng sanh, siêu thăng Phật Độ...". Trong sách Chỉ Quán Bổ Hành Chuyên Hoằng quyển thứ 4 phần 3 chép: "Đây gọi là Khất thực, đầy đủ Đầu đà năm pháp khất thực....Thất Phật cùng Bồ Tát Phương Đẳng đều là hành giả khất thực..." . Vì vậy Nghi Thức Khất Thực được Phật Giáo Bắc Truyền xưng là "Nghi Cổ Phật Khất Thực".


Vì sao Thất Phật quá khứ được xưng là Cổ Phật. Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1 chép: "Thất Phật là bảy vị Cổ Phật từ vô lượng kiếp xa xưa không thể tính đếm ước lượng được, ứng thân hiện thế, tính từ hiện tại hiền kiếp 1000 vị Phật. Thất Phật là bảy vị Phật trước Đức Phật Thích Ca...".


Giới Đàn nơi nối truyền Chánh pháp, tục Phật huệ mạng, Khất thực lại là một pháp quan trọng của Tăng do Phật Đà chế định. Tăng chúng trì bình khất thực có hai ý nghĩa chính, thứ nhất là nuôi dưỡng sắc thân, thứ hai là tạo nhân duyên lành để chúng sanh gieo trồng phước điền. Vì vậy khi giới tử đăng đàn thọ Đại Giới để chính thức trở thành một vị Tăng pháp căn bản để trở thành một vị Tăng chân chính là khất thực, cho nên không thể không biết.

Trong Kinh Kim Cang Lược Sớ có chép : "Từ cổ thất Phật quá khứ cho đến nay, chư Phật đều đắp y trì bát đi khất thực, đây là nghi thức thường nhật của chư Phật vậy. Chư Phật lấy khất thực làm chánh mạng thực, thức ăn không phải do tín chúng cúng dường là không phải thức ăn của Tỳ Kheo vậy. Cho nên Phật chế là Tỳ Kheo phải đi khất thực để tự nuôi sống chánh mạng của mình...".


Khất thực là pháp môn tu hành thành tựu chánh mạng thanh tịnh của chư Phật, Thánh chúng. Trong Luật Thiện Kiến chép: "các bậc Thánh nhân trong Tam thừa đều trì bình bát đi khất thực để nuôi dưỡng tự thân". Khất thực là pháp căn bổn để duy trì mạng sống Tăng đoàn Phật Giáo, Tăng hành khất thực là bên trong khất thực để nuôi dưỡng thân huệ mạng, bên ngoài khất thực để thuyết pháp độ chúng sanh, vì vậy từ quá khứ chư Phật Bồ Tát cho đến chúng Tăng đều phải thọ trì. Trong sách Đầu Đà Kinh có chép: "...Thất Phật quá khứ cho đến các vị Bồ tát phương đẳng đều là những hành giả khất thực...".


Những ý nghĩa vi diệu của nghi thức Cổ Phật Khất Thực được nêu ra sau đây là một trong những bài pháp tối quan trọng cho những người sơ tâm học Phật, là ý chỉ tâm tông để cho những ai muốn phát tâm nhập vào hàng Thánh, cho nên nghi thức Cổ Phật Khất Thực luôn được chư vị Tổ sư tổ chức hành trì trong các Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền, để cho giới tử càng thêm phát tâm hành trì tu tập và để truyền thống của Tăng Già không bị mai một, quan trong hơn nữa là để viên mãn thành tựu một người đệ tử chân chánh của Đức Như Lai.


Đức Phật dạy các đệ tử xuất gia cần phải trì bình khất thực, đây là một pháp tu tối thắng, người tu hành cần gìn giữ thân mạng chân chánh của chính mình, nên dùng phương pháp tu hành chân chánh để nuôi dưỡng tự thân, phương pháp chân chánh nhất theo Đức Phật đó là trì bình khất thực, vì trì bình khất thực là pháp môn thể hiện sự chân thật của người tu sĩ, trước mặt mọi người thọ của cúng dường và có đầy đủ đức hạnh để tín chủ phát tâm cúng dường, thanh tịnh thọ cúng và an tâm thí cúng, chân thật tu hành, không cần phải dụng tâm bất chánh, "giả trang thiền tướng, cầu bỉ cung kính" khiến cho người cúng dường thối tâm bồ đề, đồng thời cũng tránh việc tích chứa của tín thí cúng dường làm của riêng tư, chướng ngăn Thánh đạo.


Phật dạy người xuất gia cần phải tu hành pháp trì bình khất thực, đây là phương pháp để tu luyện đức tính thiểu dục tri túc, người xuất gia từ bỏ tài sản gia nghiệp thế gian, bán buôn, sự nghiệp đều không còn nữa để an tâm tu hành, pháp môn trì bình khất thực là pháp môn tối thắng để người xuất gia tập hạnh khiêm tốn và cuộc sống giản đơn, là Sa môn Phật dạy chỉ cần ba y một bát, chổ ở là tùng lâm tinh xá, mỗi ngày khất thực nuôi thân để tu hành nếu thực hành được như vậy thì người ấy đã thành tựu được pháp viễn ly tham dục khổ não và luôn được thanh tịnh an lạc.


Khất thực là việc làm mỗi ngày của các bật xuất gia, đây là duyên lành để người xuất gia thọ đủ tứ sự cúng dường và hiểu thể nào là đời sống tri túc, không còn phiền não vì phải tích góp vật thực, sanh tâm tham luyến, tất cả vật dụng nhu yếu cho cuộc sống đều do sự cúng dường của thí chủ, tự thân mình không có tài sản riêng tư nên diệt được tâm ỷ có tài vật mà kiêu mạng, khất thực thọ chúng cúng dường còn tu tập hạnh tùy duyên, có thể ở trong chùa để thọ cúng, có thể đến nhà thí chủ để thọ cúng và có thể ra đường khất thực đều không có chướng ngại chỉ tùy theo duyên của chúng sanh để hóa độ.


Thực hành pháp khất thực là để diệt trừ tâm kiêu mạng, người xuất gia thế phát ly gia là thể hiện ý chí từ bỏ thân tướng tốt đẹp của thế gian, mặc áo Ca Sa xả bỏ hết thảy trang sức của thế gian, tay ôm bình bát đi khất thực thể hiện đức khiêm nhường và sự xả bỏ kiêu mạn, mỗi bước chân trên đường đi khất thực là mỗi bước đến gần với quả vị Phật, mỗi bước mỗi đến gần để hóa duyên và phổ độ chúng sanh.

Mỗi ngày mỗi bát cơm khất của tín thí, bình đẳng thọ nhận sự cúng dường của hết thảy chúng sanh, thực hành tâm bình đẳng không còn phân biệt, đối với giàu sang, nghèo khó, ngon dở, tốt xấu, chỉ còn duy nhất một tâm niệm, trên đền bốn ơn nặng dưới cứu khổ ba loài.


Chư Tăng trì bình khất thực là tự mình đang tu tập hạnh diệt trừ tham sân si, nuôi dưỡng tâm đại từ, người cúng dường hoan hỷ vì có thể theo tâm nguyện và khả năng của mình để dâng cúng. Chư Tăng trì bình đi khất thực là một trong những pháp kết duyên với chúng sanh tối thắng nhất, vì tín chúng có thể tùy theo phương tiện của mình mà hỷ cúng, và có thể tùy lúc tùy nơi để thân cận Tam Bảo, tùy thời có thể kết duyên cúng dường Tam Bảo.


Chư tăng trì bình đi khất thực làm cho hình bóng của Tam Bảo thường trụ trong cuộc đời, hình bóng Tăng già hiện ở cuộc đời luôn nhắc nhở cho tín chúng cũng như xã hội luôn có ý thức sự trường tồn cũng như giá trì hằng còn của thế gian trụ trì Tam Bảo, đồng thời cũng là một trong những lời nhắc nhở về từ bi, đạo đức sống về tình thương, về trí tuệ sống động nhất trên cuộc đời.


Giới Đàn là nơi giới tử cầu Giới chỉ vì một niệm siêu thoát sanh tử, Tăng Ni đắc giới chỉ có tâm đầu "tục Phật huệ mạng, hoằng pháp lợi sanh", Tăng đoàn trì Giới tức Phật Pháp hưng long, Chánh pháp cửu trụ, vì vậy Giới Đàn là nơi cụ túc viên mãn hết thảy các công hạnh trên, nơi thành tựu hết thảy chư Phật công đức, nơi lưu giữ và truyền thừa Phật Pháp tâm tông, truyền thống Tăng đoàn từ đây được xiển dương và phát triển.


Tăng già Phật Giáo Bắc Truyền vì những nhân duyên trên nên pháp môn trì bình khất thực của chư Phật không còn được duy trì, nhưng không vì lý do đó mà việc hành trì khất thực bị mai một, khất thực từ một việc làm thường nhật của chư Tăng được thăng hoa thành một nghi thức truyền thống trang nghiêm long trọng trong Giới Đàn, từ những việc làm thường nhật thành một nét văn hóa truyền thống mang tính biểu trưng của Phật Giáo, cổ lệ của chư Phật, cội nguồn của chúng Tăng, nghi thức "Cổ Phật Khất Thực" trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền, nét đẹp trang nghiêm giải thoát của người con Phật luôn được gìn giữ và ngày một thăng hoa trong tâm niệm "Truyền Đăng Tục Diệm.". Với chí hướng "Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh".

Phật dạy "Tùy duyên bất biến". Phật Giáo Bắc Truyền tùy duyên hóa độ chúng sanh Đông độ nên trong sinh hoạt của Tăng đoàn có những sự thay đổi để phù hợp và thích nghi với quốc độ, xã hội và tập tục văn hóa đông phương, hình thức tuy có thay đổi nhưng hành trì và nội dung của các pháp thì không có sự thay đổi, nghi thức Cổ Phật Khất Thực cũng như vậy suốt hơn 2500 năm qua dù chư Tăng Phật Giáo Bắc Truyền không còn như truyền thống ngày xưa đi khất thực nữa, nhưng hành trì Quá Đường thọ thực trong thường nhật vẫn như cổ lệ xưa dùng bình bát để thọ thực, nghi thức truyền thống đi khất thực vẫn được tái hiện khi các Đại Giới đàn khai mở và nghi thức truyền thống này sẽ mãi mãi còn lại trên thế gian như hình bóng thường trụ của Tăng Già.


Thích Tâm Mãn - 釋 心 滿 Nguồn: chuaminhthanh.com 

Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.