Sắc đẹp của vị Tỳ kheo

VLCĐ: Một thời, Đức Phật dạy các Tỳ-kheo: Này các Tỳ-kheo, có tấm vải kāsi (Ba-la-nại), hoàn toàn mới, có sắc đẹp, cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn. Này các Tỳ-kheo, có tấm vải kāsi bậc trung, có sắc đẹp, cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn.

Này các Tỳ-kheo, có tấm vải kāsi cũ, có sắc đẹp, cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn. Và này các Tỳ-kheo, có tấm vải kāsi cũ kỹ dùng để gói các châu báu, hay được đặt vào trong một hộp có hương thơm.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo mới tu hành, giữ gìn giới luật theo thiện pháp, Ta nói rằng vị Tỳ-kheo ấy có sắc đẹp. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có sắc đẹp ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.


Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo trí kiến của vị ấy, họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài; đấy, Ta nói rằng vị ấy có cảm xúc dễ chịu. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có cảm xúc dễ chịu ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.


Còn những ai, vị này nhận các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn; đây, Ta nói rằng, vị ấy có giá trị lớn. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có giá trị ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.


Còn nếu là trung niên Tỳ-kheo…, này các Tỳ-kheo, nếu là trưởng lão Tỳ-kheo, giữ gìn giới luật theo thiện pháp, đây ta tuyên bố là vị ấy có sắc đẹp. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có sắc đẹp ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.


Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo tri kiến của vị ấy, họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài; đấy, Ta nói rằng vị ấy có cảm xúc dễ chịu. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có cảm xúc dễ chịu ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.

Còn những ai, vị này nhận các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn; đây, Ta nói rằng, vị ấy có giá trị lớn. Này các Tỳ-kheo, ví như tấm vải kāsi có giá trị ấy, này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.


Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo trưởng lão này nói lên ở giữa chúng Tăng. Các Tỳ-kheo ấy nói như sau: “Chư Tôn giả hãy im lặng, Tỳ-kheo trưởng lão đang nói pháp và luật, và lời nói của vị ấy trở thành châu báu cần phải cất giữ, như một người cất giữ tấm vải kāsi trong một hộp có hương thơm.” Do vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng ta sẽ được như ví dụ tấm vải kāsi, không giống như ví dụ tấm vải bằng vỏ cây”. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy cần phải học tập.

(Theo Tăng chi III, phẩm Hạt muối, mục 98)


Bàn thêm:

Trong kinh Phật, phẩm hạnh của một người giới đức thường được ví như hương thơm bay ngược chiều gió. Hương thơm ấy thanh cao, thuần khiết, nó xông ướp và giúp cho cõi đời thêm thiện lành và an lạc. Và cũng trong kinh Phật, một người khi giữ gìn giới luật theo thiện pháp, lại được Đức Phật gọi là người có sắc đẹp. Một người xuất gia tu học theo Phật pháp, sẽ từ bỏ những hương thơm, sắc đẹp thường tình của thế gian, để xông ướp thân tâm bằng hương giới, hương định và hương tuệ, và “sắc đẹp” của họ sẽ sáng ngời khi thành tựu ba môn học này.


Sắc đẹp của một vị Tỳ-kheo, như vậy không phải là dung nhan hay hình dáng mà mình sở hữu, càng không phải nương nhờ vào y áo hay những vật trang sức bên ngoài, mà thành tựu do hành trì tu tập và giữ giới. Một người giữ giới, do đó là một người đẹp, và vẻ đẹp này cần thiết không chỉ cho bản thân vị ấy, mà còn cho những người thân cận. Được thân cận với những bậc minh sư, những người tinh tấn thực hành Phật pháp, là một điều may mắn với người tu học. Và trong bài kinh trên Đức Phật dạy rằng, những ai thân cận, học hỏi, cúng dường… những người có giới đức, những bậc chân tu, thì những người ấy có được an lạc hạnh phúc lâu dài, có được quả lớn, lợi ích lớn, và có giá trị lớn.


Hơn bao giờ hết, khi đời sống thiền môn đang bị tác động sâu nặng bởi những giá trị phù phiếm của đời sống trần tục, khi đây đó có người đang đánh mất tâm bồ-đề và truy đuổi theo những giá trị ảo bên ngoài, sống hưởng thụ và buông thả, chúng ta vô cùng cần đến những con người sáng ngời phẩm hạnh nhờ thấm đẫm hương giới, hương định và hương tuệ; những người đẹp lên nhờ công phu hành trì tu tập. Chỉ có vẻ đẹp ấy mới thật sự có giá trị đối với người tu tập theo Phật đạo, mới tạo nên được niềm tin cho thế nhân, mới thật sự xứng đáng được chiêm ngưỡng và tán dương.


 A Lan Nhã (nguyetsangiacngo)



Chỉnh sửa bài viết
Labels: ,

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.