Cắt cỏ Bồ đề cho ngựa ông ăn

Hầu hết trẻ con xưa đều thuộc nằm lòng câu hát đồng dao: “Nhong nhong nhong ngựa ông đã về. Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”. Câu hát quen thuộc trên đã gây ra những thắc mắc về chuyện “ngựa ông đã về”, ý muốn chỉ ai, và “cỏ bồ đề” là loài cỏ gì? Từ đó cũng nảy sinh không ít bàn luận: 



Có ý kiến cho rằng, đầu năm 1427, Lê Lợi chia quân tiến qua sông Nhị, đóng dinh ở Bồ Đề, nhân dân cắt cỏ tiếp tế cho ngựa của nghĩa quân, nên về sau truyền lại câu hát đồng dao trên.

“Tại Thủ đô Hà Nội, có một địa phương mang tên Bồ Đề. Đặc biệt, đê La Thành đã gắn với chiến tích của ngọn cỏ thiêng, cỏ Bồ Đề...”.

Có người nói: “Cỏ bồ đề là loài cỏ mọc ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Ninh (sau đổi là Quy Nhơn). Rõ rồi, còn “ngựa ông” là ngựa (của) ông nào? Đó là ngựa của Cống Quận công Trần Đức Hòa… Người dân xã Bồ Đề lập đền thờ ông, nên thường linh ứng thấy “ngựa ông về” nên đua nhau “cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Người thì viết: “Ở xã Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam cũng có xóm Bồ Đề. Xóm này ở phía tây nam chùa Lương, gần cầu Ngói, cũng vào thế kỉ XV, bốn ông: Võ Uy, Hoàng Gia, Phạm Cập và Trần Vu, đã có công lập ra xã Quần Anh, trong đó tiêu biểu nhất là ông Võ Uy. Ông là võ tướng triều đình nhà Lê, còn gọi là Phó Ba tướng quân. Ông đã khai phá mảnh đất Bồ Đề này. Nhân dân địa phương rất quý mến và biết ơn Võ Uy. Mỗi khi ông cưỡi ngựa về thăm thôn xóm thì họ nô nức đón mừng. Nghe tiếng nhạc ngựa các gia đình đều giục con cái đi cắt cỏ cho ngựa ông ăn để tỏ lòng yêu mến. Vì thế mà có câu hát trên đây”.

Nói chung các ý kiến trên đều cho rằng “cỏ bồ đề” liên quan đến địa danh, chứ không phải là một loài cỏ có tên là bồ đề, vì thế ý kiến nào cũng lấy địa danh (địa phương) của mình, sau đó gắn với tên một vài vị tướng quân, thế là xem như “đủ căn cứ” để giải thích cho câu hát đồng dao kia.


Sau khi tìm hiểu, chúng tôi cho rằng, cỏ bồ đề có thể là cỏ ý dĩ, hay còn gọi là bo bo, cườm gạo, có danh pháp là Coix lachryma - jobi, thuộc họ hòa thảo, hay họ lúa (Poaceae), mọc hoang ở khắp các bãi, ruộng, bờ mương... Bởi hạt cỏ ý dĩ trắng như hạt ngọc và cũng thường được trẻ con xâu làm chuỗi đeo tay, nên người ta còn gọi ý dĩ (薏苡) là bồ đề châu (菩提珠), hay bồ đề tử (菩提子). Sách “Thảo mộc tiện phương” (草木便方) của Trung Quốc cũng gọi ý dĩ là cỏ bồ đề (草菩提 - thảo bồ đề), theo cách viết của người Việt.

Trong sách “Hậu Hán thư”, mục “Mã Viện liệt truyện” có chép lại việc vào thời Đông Hán, Mã Việt kéo quân sang xâm lăng Giao Chỉ, khi ấy vào mùa hè, thời tiết tại Giao Chỉ nóng bức, ẩm thấp làm cho quân Mã Viện mắc bệnh chướng khí, khiến tay chân tê bại, phù nề. Cuối cùng quân Mã Viện học hỏi kinh nghiệm chữa bệnh của người bản địa, nấu cháo ý dĩ cho quân lính ăn và chữa khỏi căn bệnh quái lạ đó. Khi rút quân về nước, Mã Viện chở một xe đầy hạt ý dĩ để mang về nước trồng. Trên đường về bị gian thần đố kỵ, sàm tấu chuyện Mã Viện chở đầy một xe ngọc về làm của riêng, nên Mã Viện đã đổ hết ý dĩ xuống sông.

Với các tên gọi và câu chuyện trên, chúng tôi cho rằng loài cỏ bồ đề được nhắc đến trong câu hát đồng dao trên chỉ cho loài cỏ ý dĩ là khả tín. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt câu hỏi để mọi người cùng tham khảo.

(Viết tặng những người yêu hoa)
Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.