Thời gian gần đây, có nhiều thông tin trái chiều về hiện tượng ngoại cảm, phần nào gây hoang mang trong dư luận. Với người Phật tử, chúng ta cần hiểu đúng về sự sống và cái chết, để từ đó có một hướng đi và những ứng xử đúng trong cuộc đời, không bị tác động bởi dư luận các hiện tượng khác như ngoại cảm...
Tác giả: Quảng Hậu thực hiện
TT.Thích Lệ Trang (ảnh), Phó Trưởng ban
Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM đã dành cho phóng viên
Giác Ngộ cuộc trò chuyện xung quanh những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.
Bạch Thượng tọa, theo quan điểm của Phật giáo, có sự khác nhau giữa một người chết bình thường và một người chết oan?
- TT.Thích Lệ Trang: Trước tiên chúng ta
cần phải đưa ra chánh kiến của người học Phật, sự có mặt của mọi người ở
thế giới này không phải là mới bắt đầu, mà là sự tiếp nối ở quá khứ và
tiếp tục chiêu cảm đến tương lai. Chúng ta “đến” và “đi” đều có hoàn
cảnh khác nhau, có người đến làm an vui cho gia đình và thân tộc, cũng
có người đến mang đau khổ đến cho mọi người.
Vấn đề chết ở đây cũng thế, có người đi
trong sự thương tiếc, có người đi trong sự khổ đau. Đức Phật đã cho
chúng ta biết, chính là do những hệ lụy của nghiệp quá khứ (túc thế
nghiệp) chưa xong nên khi chúng ta có mặt trên cõi đời này thì những
điều đó cùng đồng hành với chúng ta, thêm những hạnh nghiệp mà mình gây
tạo trong đời sống hiện tại (hiện thế nghiệp) bởi sự tác động của thân,
khẩu và ý cũng góp phần làm cho những nghiệp quá khứ tăng trưởng theo
chiều tốt và xấu. Nhưng nếu bản thân mình có công phu tu tập ở hiện tại
thì cũng có thể chuyển nghiệp của quá khứ từ nặng chuyển thành nhẹ và
nếu nhẹ thì cũng có thể tiêu tan.
Về cái chết, trong kinh Dược Sư đề cập có
chín thứ “hoạnh tử”. “Hoạnh” ở đây có thể hiểu là cái chết tức tưởi,
chưa có sự chuẩn bị về chuyến đi, đứng trên phương diện thông thường thì
chúng ta cho rằng đó là oan, nhưng thực ra đều có nghiệp báo cả.
Khi Phật tử có thân nhân qua đời rơi vào trường hợp chết oan như cách nói thông thường thì cần phải làm gì?
- Chúng ta cần phải giúp họ, vì họ chết
nhưng thần thức chưa hẳn đã đi mà vẫn còn quanh quẩn đâu đó, theo quan
điểm của thuyết Nhất thiết hữu bộ có nói đến thân trung ấm. Thân trung
ấm ở đây được hiểu là thân hiện tại mình diệt rồi, thân tương lai chưa
được sinh ra, giai đoạn trung gian đó có một nơi để thần thức trú ngụ để
chờ đợi. Thân trung ấm sẽ rời khỏi thể xác ở điểm nóng cuối cùng trên
thân của người mới qua đời. Ngay lúc đó vấn đề khai thị là vô cùng cần
thiết, để giúp cho người qua đời nhận ra chân lý vô thường, vô ngã của
kiếp người. Với tâm niệm thanh tịnh, chúng ta đọc tụng lời Phật dạy để
yểm trợ thêm sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho người đã chết.
Tâm Phật như thái hư, thể tánh pháp giới
bao dung cả vạn tượng, không có sự vẩn đục nên mới thông, còn tâm chúng
sanh do thương, ghét nên mới bị chướng ngại. Vì thế, chúng ta cần phải
niệm Phật, tụng kinh bái sám để tâm được lắng những ưu phiền, vọng động,
thông qua đó mới tiếp nhận được năng lượng từ bi hỷ xả của chư Phật.
Điều này có thể nhận thấy qua chuyện tích
về bà Thanh Đề. Bà được giải thoát chính nhờ tâm tùy hỷ, cũng như cảm
được sự hạnh hiếu của ngài Mục Kiền Liên, và cộng với sức chú nguyện của
chư Tăng, theo đó, bà được chuyển nghiệp.
Những lúc như thế, người đã mất rất cần
đến người thân, vì thế mình phải luôn có mặt để an ủi, động viên để họ
có thể bình tâm và ra đi trong thanh thản.
Thượng tọa nghĩ như thế nào về hiện tượng ngoại cảm?
- Ngoại cảm không phải là vấn đề mới,
nhưng do người ta thần thánh hóa, dẫn đến có sự ngộ nhận và lạm dụng, vì
chưa hiểu rõ về vấn đề chết và sự cầu nguyện. Trong nghi lễ của thiền
gia có nói đến ba mươi sáu bộ Quỷ vương, trong đó có một loại gọi là Hy
Tự quỷ vương (lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn), nên luôn tìm mọi cách để mà
có ăn, quỷ cũng có ngũ thông nên nhiều lúc chúng giả mạo người thân đã
quá cố của chúng ta. Quỷ mạo danh tên họ của người quá cố để làm tin, từ
đó khiến cho người khác dâng cúng để chúng được ăn.
Ở miền Nam ngày xưa cũng có những người có
khả năng gọi hồn (dân gian gọi là bà cốt). Phần nhiều họ là những bà cụ
già, ở một chỗ, cuộc sống bình dị với tâm lương thiện, khi thân nhân có
việc cần đối chứng hư thật với người thân của mình đã qua đời thì họ
sẵn sàng giúp mà không cần thù lao. Chúng ta biết thông thường cái gì mà
nó rầm rộ, được nhiều người quan tâm thì lập tức có những gian dối xuất
hiện.
Kinh Địa Tạng chép trong 49 ngày, thân
trung ấm nhất định có cảnh giới để thác sinh. Vậy ai ở đó? Nếu họ có ở
đó, thì họ hoặc người khác cũng đã thác sinh làm quỷ. Quỷ thì nương gò
mả, tử thi, sông chằm, lúa mạ, nhà hoang, đồi núi v.v... mà sống, như
vậy thì họ chỉ tiếp xúc được các cảnh giới đó, ở chừng mực nào đó thì họ
cũng có chút ít khả năng đọc được, họ biết được.
Những người có khả năng đặc biệt, cũng có
thể đọc được những tư tưởng, hiểu được ngôn ngữ vô thanh, thấy được hình
tướng vô hình. Thực ra, những người tâm tĩnh, tuệ sáng thì vẫn có thể
thấy và nghe được những điều đó, nhưng vì đây là điều mà các nhà khoa
học chưa chứng minh được nên đôi khi chúng ta lại thấy hoang đường,
nhưng thực ra cái năng lực này là có thật, chỉ là “uống nước lạnh nóng
tự biết” mà thôi.
Những cuộc chiến tranh qua đi, bao nhiêu
cái tâm hận thù, khổ đau vẫn hằn xuống đó, và đi vào cuộc sống của con
người, những hạt giống khổ đau đó truyền lại từ đời này, qua đời kia.
Cho nên đứng ở phương diện tình người, ngày nay đất nước đã bình yên là
lúc người ta có cơ hội nhìn lại, tìm hiểu lại. Tuy nhiên, những cái thấy
đó không phải là thấy hiện thực, một con người bằng xương, bằng thịt,
mà thấy bằng những ký ức; với cái khả năng siêu nhiên, những nhà ngoại
cảm thật họ sẽ thấy được những viễn cảnh đó. Nếu như gặp một người vẫn
mặc chiếc áo sọc, vẫn quấn khăn rằn của 30 hay 40 năm trước, thì điều đó
không phù hợp với giáo lý nhân quả của nhà Phật.
Việc mời các nhà ngoại cảm gọi hồn người thân để biết sau khi chết họ đi về đâu liệu có nên làm với một người Phật tử?
- Theo tôi thì không cần thiết, bởi vì Đức
Phật đã cho mình tuệ nhãn đó rồi, chúng ta cứ nhìn vào giây phút hiện
tại, nhận ra được tâm niệm mình đang chế tác ra cái cảnh giới nào, tứ
thánh hay lục phàm, thì mình sẽ nhận biết được người thân của mình được
sanh về cảnh giới nào, thông qua những hành động của họ trong đời sống
hiện tại. Không ai hiểu mình bằng chính mình, vì thế không nên làm điều
vô ích đó. Mà hãy nghĩ đến họ, gởi những lời cầu nguyện cho họ, và tin
rằng những người đó sẽ nhận được và lần lần chuyển hóa thân tâm để tiếp
tục tu tập.
Với quan niệm như thế, Thượng tọa có thể
cho biết thêm lợi ích thiết thực của các khóa lễ cầu siêu và giải oan
bạt độ mà các chùa, tư gia Phật tử thường tổ chức?
- Thật ra từ ngữ “giải oan bạt độ” là một
danh từ ở dân gian, trong nghi lễ Phật giáo có khoa Du-già Diệm khẩu, vì
trong khoa này có chú giải oan kết, nếu chúng ta đem tâm trong sáng và
nguyện lực độ sanh, gia trì vào đó thì cũng có năng lực chuyển hóa được
khổ đau.
Nhưng để sự cầu nguyện đem lại lợi ích
thiết thực nhất thì cần có hai yếu tố. Thứ nhất, phải có tuệ giác để
hiểu rõ việc mình đang làm, việc làm này đưa mình đi về đâu? Có giúp cho
âm siêu dương thái được không? Thứ hai, cần phải thực hiện với tâm
trong sáng, không vụ lợi danh, thì mới thiết lập được sự truyền thông
đến đối tượng cần cầu nguyện. Một tâm niệm an lành có thể soi sáng cả
thế giới, bên cạnh đó lại được tiếp nhận những ý tưởng cao đẹp của Đức
Phật thông qua lời kinh, tiếng kệ. Chúng ta đem tất cả những điều đó gởi
(hồi hướng) đến người thân của mình trong ngày giỗ, hay thân nhân đang
bị bệnh. Đây chính là thông điệp của tình thương, lòng hiếu kính. Nếu
như mình đem tâm hồn nhẹ nhàng an lạc gởi đến họ thì họ cũng nhận được
sự an lạc đó nên có câu “Nhân ái lạc, quỷ thần ái lạc”.
Ngày xưa chưa có nhiều những hoạt động
giải trí, thì việc thực hiện các nghi lễ để thu hút mọi người đến tham
dự và thông qua hoạt động này chư Tổ đã dạy họ làm lành, lánh dữ. Thiết
nghĩ ngày nay khi chúng ta thực hiện các khóa lễ cũng cần phải thuyết
minh rõ công việc mình làm để những người tham dự cùng hợp lực cầu
nguyện thì lợi ích vô cùng thiết thực, tránh sự ngộ nhận về các nghi lễ
trong Phật giáo.
Thượng tọa có lời khuyên gì về những việc làm cần thiết và đúng Chánh pháp cho hàng Phật tử sơ cơ khi có người thân qua đời?
- Vấn đề cần chia sẻ ở đây là những tu sĩ
Phật giáo cần phải học hiểu những giáo nghĩa mà mình đang hành trì. Khi
mình nắm vững những sự và lý căn bản trong thiền gia, thông qua những
kiến thức mình hiểu thì mình sẽ dễ dàng giúp đỡ. Chư vị trụ trì các tự
viện phải hằng khai thị bài pháp thoại chuyên đề về đời sống liên quan
đến những nhu cầu hiện tại mà Phật tử đang cần như “quan, hôn, tang, tế”
vào các thời khóa tu tập của tự viện mình, cũng như những ngày tụng
kinh, tu Bát quan trai, các kỳ thuyết giảng v.v…
Tu sĩ chúng ta cần phải hành động “hữu
nhất phân nhiệt, phát nhất phân quang”, nghĩa là mình có bao nhiêu năng
lượng thì hãy thắp bấy nhiêu ánh sáng, để giúp cho Phật tử có được chánh
kiến, hiểu và làm đúng theo lời Phật dạy, để có một đời sống an lạc,
hạnh phúc và thánh thiện ngay ở hiện tại này mà không chạy theo những
trào lưu, cũng như ngoại duyên bên ngoài.
Đăng nhận xét