Văn hóa người Phật tử

VLCĐ: Theo từ nguyên, “văn” là người, “hóa” là giáo dục. Vậy, văn hoá là người có giáo dục. Theo từ nguyên “culture” của phương Tây, văn hoá là trồng trọt, vun trồng chăm sóc cho phát triển, lớn lên. Như vậy, văn hoá là sự gieo trồng nhân tính, tiềm năng tốt đẹp của con người để chúng phát triển đến chân thiện mỹ. 


Với đặc thù công tác và sự nhìn nhận bản thân, tôi mạo muội viết lên những dòng tâm tư này nhằm gửi đến các bạn lành xa gần đang khoác lên mình chiếc áo giới màu trắng hay màu lam tuyền của người con Phật những trăn trở và khắc khoải của tôi về một trong những nét đẹp người con Phật cần có, đó là: Văn hóa.
Theo từ nguyên, “văn” là người, “hóa” là giáo dục. Vậy, văn hoá là người có giáo dục. Theo từ nguyên “culture” của phương Tây, văn hoá là trồng trọt, vun trồng chăm sóc cho phát triển, lớn lên. Như vậy, văn hoá là sự gieo trồng nhân tính, tiềm năng tốt đẹp của con người để chúng phát triển đến chân thiện mỹ.
Xét từ góc độ đó, bài viết không xoáy sâu vào phân tích khái niệm văn hóa mà đi thẳng vào những suy tư về hình ảnh trong những sự kiện Phật giáo cho ta một cái nhìn về văn hóa của người Phật tử trong thời đại mới. Đó cũng là một cách hướng đạo mà thiết nghĩ đã là người con Phật chúng ta cần làm gì để chung tay xây dựng cộng đồng Phật tử ngày càng hoàn thiện hơn.

Sinh hoạt cộng đồng
Nói đến cộng đồng là chúng ta nghĩ ngay đến mỹ quan nơi chốn đông người có tổ chức, nghĩa là chúng ta hình thành ý thức cộng đồng trong sinh hoạt sao cho tránh va vấp người kế bên, tránh buông lời tục tằn và thô thiển với người đối diện gây ảnh hưởng xấu đến xung quanh, tránh ù lì hay chậm chạp gây trễ nãi tiến độ chung, tránh thui thủi một mình và biểu lộ thái độ tự cô lập. 

Hãy xem tập thể là ngôi nhà chung, dưới sự dìu dắt của tổ chức, chúng ta chan hòa và chia sẻ. Mục đích chúng ta tham gia sinh hoạt cộng đồng là muốn tạo cho mình nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Mọi điều tự kỷ hay hào nhoáng không đủ mạnh để tồn tại nơi tổ chức này. Nguyên lý mỹ quan hình thành cũng là lúc bản thể con người tự điều phục mình hòa nhập và tự chế cái không cần thiết. Chính vì vậy sự thể nhập và dung hòa tạo nên hình ảnh ĐẸP mà thế gian hay gọi đó là TRẬT TỰ. Và đó cũng chính là cái hồn mà mọi tổ chức cộng đồng đều cần xây dựng và mong muốn đạt được. Tiêu chí đó dường như bất di bất dịch trong cộng đồng Phật tử chúng ta. Nó đánh giá được chất lượng giáo dục của tổ chức Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung.

Lao động công quả
Người Phật tử về chùa làm công quả phần lớn suy nghĩ là tích tạo công đức lành, nhằm cầu nguyện cho gia đình, người thân của mình tăng thêm phước báu. Nhưng trên thực tế, thực hiện được suy nghĩ của mình, có lẽ không nhiều. Nếu nhìn toàn cảnh tổng quan trong hành trình làm Phật tử, tôi nhận ra mấy điều: (1) Vào chùa làm công quả để tìm vui; (2) Vào chùa để vung tiền bố thí nhằm khẳng định bản thân; (3) Vào chùa để vừa làm vừa “ngắm nhìn”; (4) Vào chùa để phân tranh ai thương hơn, ai không được thương; (5) Vào chùa để có cơ hội quát mắng người khác nhiều hơn, v.v… Nhiều hình ảnh thấy mà …thương! Dẫu biết rằng đất nước ta trong thời kỳ đang phát triển và hội nhập để hoàn thiện mọi mặt, Phật giáo nước nhà trên đường kiện toàn và phát huy bản sắc dân tộc Việt. Nhưng không vì cái dở dang để rồi chúng ta vin vào cớ đó để cho rằng “vậy là được rồi!” trong cái nhìn tiêu cực mà không phải Bi – Trí – Dũng.

Đứa con ngoan hay không ngoan nhìn vào nếp nhà. Người đệ tử Phật tốt hay không tốt cũng được nhìn vào nếp chùa. Tiêu chí giáo dục Phật giáo cũng được bắt nguồn từ môi trường gia đình (chốn tu tập), môi trường giáo dục (trường học Phật) và môi trường xã hội (làm việc, tiếp xúc, va chạm,…). Mối tương giao này cần vận hành đúng chức năng và tích cực, để không còn cảnh tị hiềm nhau trong đồng môn, không còn đố kỵ, ganh đua, chửi mắng, so bì,… mà người đời xem các pháp đó là của thế gian và cần loại bỏ như loại bỏ tục tằn của dục vọng. Có được như vậy thì tin chắc ngày công quả của mọi người trong cửa đạo sẽ vô lượng công đức và trả lại sự an bình cho ngôi Tam bảo vốn tự có của nó.

Đồng hành khóa tu
Có thể mỗi chùa sẽ có những khóa lễ riêng biệt dành cho Phật tử tu: Khóa dài ngày là một tuần, hoặc hơn; khóa ngắn ngày là 3 ngày và ngắn nữa là 1 ngày. Tham gia khóa tu là để tìm học cái đạo của Phật giáo. Tham gia khóa tu là để quay về nương tựa vì tinh thần mình còn mong manh chưa kiên định. Tham gia khoá tu nhằm đánh thức khả năng tự giác, giác tha của tự thân để xả bỏ mọi ưu phiền, toan tính, đau khổ của trần thế mà mình đã vương mang một kiếp người!

Nhưng liệu rằng trong vô vàn số người kia, chúng ta – nhiều cá thể còn lại đã thật sự tôn trọng giờ phút thiêng liêng đó chăng? Hay đến chốn đó, chúng ta lao vào sự chia bày, phân bua, ca thán. Hay chúng ta chụm nhau bơi móc cái không thành có của người khuất mặt. Hay chúng ta xầm xì chuyện ông thầy này bà sư nọ để rồi không nhất tâm trong lời kinh, tiếng kệ, trong cái lạc cảnh của giờ phút mầu nhiệm, trong cái mà chúng ta thật sự cảm thấy “ngộ Phật tri kiến”,… để rồi khi ra về, mãn khóa tu, ta nói: Ta được…tu! Thì có lẽ mãi mãi chúng ta vẫn cứ là kẻ lầm lạc trong bóng đêm và mang theo hành trình nhiều lý lẽ! Cũng như câu ngạn ngữ: “Nói là gieo, nghe là gặt” mà đã là con Phật càng ý thức hơn.

Tham dự lễ hội
Đã qua bao mùa lễ hội trong Phật giáo, đồng hành bao chặng ngắn dài của Phật sự, lòng tôi cứ tràn ngập ưu tư! Ưu tư vì trước mắt tôi cứ diễn ra bao nhiêu cảnh buồn thương. Bên ngoài lễ hội thì kẻ ăn xin đủ loại hình xếp dọc hai bên đường, bãi giữ xe giá cắt cổ thì đồng loạt mọc lên như nấm, chưa nói kẻ gian ẩn mình trà trộn vào để giựt dọc đồng bào Phật tử chân chánh! Vào sâu bên trong chùa thì cảnh chen lấn vô tội vạ cứ ào ào, bất chấp người già hay con nít, cứ xăm xăm lấn sâu vào gần lễ đài nhằm được tận mắt nhìn cho được ông thầy này, bà sư nọ thế nào! Hay để ghi vài tấm hình có mình trong đó để thiên hạ biết mình …đi chùa! Mọi thứ dường như hỗn độn mà trong mắt thường không ai không nhận ra.

Mùa Vu Lan với ý nghĩa dâng y ca sa là truyền thống tiếp truyền từ lâu nay trong hệ phái Khất Sĩ. Ấy vậy mà khi diễn ra, có bao giờ chúng ta đón nhận một hình ảnh nghiêm trang và càng được hiểu sâu hơn trong cái cảm giác: Cho và nhận trong ý nghĩa bao hàm? Của cúng dường không bằng cách cúng dường! Chúng ta đội mâm y ca-sa trên đầu với tấm lòng thành dâng cúng (tịnh tài và tịnh tâm) thì không thể chen chúc, dẫm chân lên nhau, xô đẩy nhau, buông lời khiếm nhã nhau. “Cúng dường” như vậy thì phước báu sẽ làm sao đâm chồi và tăng trưởng?

Văn hóa trong Phật giáo nói chung và trong hệ phái Khất Sĩ nói riêng thì càng rõ rệt và sâu sắc hơn. Nếu lược trình về với Chơn Lý của Tổ Sư Minh Đăng Quang, chúng ta thấy rằng: Oai nghi cho người tu sĩ nói chung và cung nghi cho người cư sĩ tại gia nói riêng đã bị mai một! Xét cho cùng văn hóa tự dưng khiếm khuyết vì lỗ hổng không đáng, khi mà nhiều con mắt bạn bè ngoại quốc nhìn vào! Xét nghĩ rằng đã đến lúc Phật giáo cần nỗ lực từ mỗi chùa, mỗi người con Phật cùng đồng lòng ý thức cao giá trị xây dựng một nền văn hóa Phật giáo với đầy đủ ý nghĩa bản sắc Việt: yêu thương, nhường nhịn, xây dựng, giúp đỡ và kể cả trong ý niệm cho và nhận.

Đồng hành từ thiện
Có hai phương diện: Người làm từ thiện và người được thọ nhận từ thiện. Nếu như để ý một chút thì phần lớn các hoạt động từ thiện xuất phát từ Phật tử hay tu sĩ thì nơi tập kết phần lớn là tự viện, tịnh thất, tịnh xá, chùa, niệm Phật đường. Vậy thì cũng song song với người nghèo khổ tại địa phương – nơi được cấp phát từ thiện (được khảo sát từ phía mạnh thường quân và chính quyền địa phương) thì con số khó khăn từ phía gia đình Phật tử hoặc Phật tử địa phương cũng chiếm không nhỏ. Chiếc áo giới màu trắng, hay chiếc áo tràng màu lam xuất hiện đồng hành ở 2 phương diện nêu trên. 

Qua nhiều hành trình thực hiện công tác này, tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn xuống dưới những hình ảnh áo lam, áo trắng: chen lấn, xô đẩy và … có khi lườm ngoáy, buông lời khiếm nhã,…từ phía người thọ nhận! Vậy đâu là QUÁ TRÌNH HUÂN TẬP TU DƯỠNG của người Phật tử đi chùa? Mỗi người Phật tử chúng ta khi làm điều này có nghĩ tưởng đến Sư – Thầy mình không? Tu là sửa! Vâng! Nhưng sửa cái đã có, đang có chứ không sửa cái bắt đầu làm mới. Quí vị là “cái đã có và đang có”, nên hãy nghĩ rằng: điều này là nền móng của cái gọi là “đã có và đang có”.

Cũng như câu nói của một vị Ni sư đã vinh dự nhận giải thưởng Hòa Bình 1993 rằng: “Thiếu văn hóa, người ta giống như kẻ sống nơi sa mạc lửa bỏng. Có học thức, có văn hóa, mới có sự tươi mát của đồng xanh, cây cỏ”.

Và không vì sự thọ nhận không mấy đẹp mắt đó mà người từ thiện lại thiếu ý thức khi thực hiện thiên chức cao đẹp và ý nghĩa của mình. “Cách cho” cũng được hiểu từ khía cạnh này! Hãy trân trọng họ, dù rằng họ nghèo, họ đang thọ nhận sự ban tặng. Nhưng không vì điều ấy để khi bắt tay vào công việc, chúng ta oán tắng, bực mình, phát ngôn vô tội vạ, dùng tay chỉ chỏ, dùng lời quát nạt, trợn mắt hay nhíu mày. Chúng ta hãy hiểu rằng: “Dùng lòng thành và thái độ công chính. Thành và chính có thể dạy dỗ điều phục vô lượng chúng sinh ngang ngược”. Đó cũng cách duy nhất để cảm hóa họ và cũng là cách có văn hóa nhất để duy trì và phát huy văn hóa trong cộng đồng Phật tử chúng ta.
Quả thật, văn hóa như chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở toang mọi cánh cửa tà kiến, cố chấp hay si mê.

Cung nghinh và lễ bái

Trong Gia đình Phật tử thì có các Huynh Trưởng. Trong hàng Phật tử tại Tịnh xá thì có Phật tử đại diện thuần thành (được quí Sư hướng dẫn dạy bảo) làm công việc hướng dẫn mọi người cách đứng – xếp hàng – xá lễ – quần áo – đầu tóc, v.v… Mọi thứ đều chỉnh tề, trang nghiêm toát lên hình ảnh trang trọng. Kính người là kính mình. Tôn trọng người sẽ được người tôn trọng.

Mỗi cuộc lễ giờ phút cung nghinh chư Tôn đức Tăng Ni mà tôi từng đi qua là mỗi một suy tư! Cảnh sân si, hỷ nộ giữa người già, người trẻ chỉ vì người này muốn đứng chỗ này, chỗ kia; người muốn được diện kiến Thầy mình rõ hơn phải chen vào chỗ này, người già yếu không chen được vào, không được xếp vào hàng ngũ làm hàng rào cung nghinh chỉ vì còng lưng! 

Rất rất nhiều cảnh tượng, chưa nói đến giờ giấc khi nghe xướng ngôn viêng thông báo chuẩn bị. Sự trì trệ này có phải vốn là “văn hóa người Việt ta?” . Hay là do sự chỉ bảo chưa thật sự mạnh mẽ và kiên định từ phía người tu sĩ của mỗi trú xứ? “Muốn giáo hóa chư hữu tình, trước hết mình cần tự đoan chính, đàng hoàng”, “Cho dù dạo chơi trong nhân thế, mình cũng cần đoan chính đàng hoàng; chớ bê bối buông lung”. Dù tôi chưa được học đạo tận tường như các bạn, song tôi có một cách hiểu rằng: Lễ lạy cũng được dạy cho Phật tử ngọn ngành! Chính vì sự hiểu “chập chờn” mà hình ảnh bất kính luôn xuất hiện! Giá trị văn hóa tạo ra không từ sự khuôn mẫu, chỉnh chu hay đoan chính thì tất yếu sẽ lệch lạc.

Cánh cửa phạm vũ luôn luôn mở; nhưng cũng luôn cần sự cộng hưởng của lòng từ bi và trí tuệ. Cộng hưởng của các bậc Hiền Thánh Tăng và cộng đồng Phật tử thì giá trị văn hóa tạo ra cho một hình ảnh trong nghi lễ cung nghinh hay lễ lạy hay bất kì những hình thức tổ chức khác của Phật giáo sự trật tự - trang nghiêm và ôn hòa.

Những lời Tổ sư Minh Đăng Quang để lại trong bộ Chơn Lý như sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình lan tỏa văn hóa Việt cho hàng cư sĩ Phật tử hệ phái Khất sĩ chúng ta. Hãy truyền thừa tinh túy của Người bằng sự ý thức sâu rộng và “dụng tâm suy nghĩ, dụng tâm tu hành, dụng tâm làm việc thì chuyện gì cũng thành”.

Người viết mạo muội viết lên những trăn trở suy tư này không nhằm ngoài mục đích khuyến tấn bạn lành, đồng đạo, cộng đồng Phật tử nói chung và Phật tử hệ phái Khất Sĩ nói riêng cùng nhau tu học, cùng nhau trau mình, cùng nhau hành trì hạnh kiểm, và cùng nhau xây “nếp nhà” văn hóa trong Hệ phái ngày càng đẹp đẽ và trang nghiêm hơn, không có ý mạo phạm Thầy Tổ hay Tăng Ni hệ phái. Nếu có lời gì bất khả, người viết xin được sám hối và ngưỡng mong quý liệt vị hoan hỉ và chung tay xây dựng văn hóa người Phật tử nói chung và Hệ phái nói riêng ngày một xán lạn hơn.

Dẫu biết rằng hành trình tìm về Chân Thiện Mỹ còn lắm gian nan, nhưng không có nghĩa là chúng ta – người con Phật không làm được. “Việc khó làm mà làm được, chuyện khó bỏ mà bỏ được, cảnh khó ở mà ở được; đó là cách để bạn thăng hoa nhân cách của mình”. Chúng ta cùng khuyến tấn từng giây, từng phút, từng giờ trong mỗi bước chân hành trì và thực thi thì tin chắc mai kia dưới ánh sáng của non nước Việt Nam thân yêu, tia sáng từ cộng đồng Phật tử chúng ta phần nào góp phần xây dựng nên một nền văn hóa Việt văn minh và trường tồn.
Phước Hải
Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.