Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết

Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết: Trong Phật giáo người ta thường thấy hình chữ VẠN. Cách viết giống như hai chữ S bắt chéo thẳng góc với nhau. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy có hai lối viết khác hẳn nhau theo hướng từ ngoài nhìn vào. Các tài liệu nghiên cứu cho biết chữ VẠN vốn không phải là văn tự, chữ viết (word), mà chỉ là ký hiệu (symbol). Nó xuất hiện rất sớm, có thể là từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên và đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật. 
Hỏi: Cách viết hình tượng chữ VẠN (卐) hay (卍) bên Phật giáo, tôi có tra trong các từ điển chữ Hán nhưng mỗi cuốn lại viết khác nhau. Thậm chí tại các chùa Phật giáo viết cũng không thống nhất. Vậy xin ông cho biết cách viết thế nào là đúng và cho biết thêm về xuất xứ và ý nghĩa của nó.
(Lại Văn Hải - TP. Hồ Chí Minh)
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:
Chữ 卐 hoặc 卍 trong Kinh truyện không có, chỉ có trong Thích tạng thôi. Nếu gọi là chữ thì cũng không đúng vì hình ấy chỉ là một tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà la môn giáo, Kỳ na giáo mà tiếng Phạn gọi là Svastika hoặc Swastika.

Quyển Hoa nghiêm âm nghĩa cho rằng đến năm Trường Thọ thứ II đời Chu mới làm khuôn chế ra chữ này và chú âm là VẠN với nghĩa là tập hợp vạn đức tốt lành, được công đức viên mãn và có thể coi là Cát tường hải vân tướng.

Quyển Nhật – Anh Phật giáo từ điển (Daitô Shuppansha, 1965) chỉ dùng một từ Svastika thôi và dịch là Manji 萬 字 với nguyên nghĩa là cái xoáy trên ngực của thần Vishnu và thần Krishma. Tương truyền rằng, Phật Thích Ca khi sinh ra cũng có cái xoáy như vậy ở ngực. Đó là biểu tượng của cát tường 吉 祥 hay cát triệu 吉 兆.

Người Ấn Độ đã biết đến biểu tượng Svastika từ thời rất xa xưa. Đó cũng là biểu tượng của lửa (agni) tức như biểu tượng của sự xoay vòng, sự chuyển động vĩnh cửu, của ánh sáng vĩnh cửu.
Bên Trung Quốc, người ta biết đến chữ VẠN 卐 kể từ khi Phật giáo được du nhập vào. Kinh Lăng nghiêm có nói đến Phật tâm ấn tức chữ VẠN ở trên ngực của Đức Phật. Chữ VẠN này chính là biểu tượng của Pháp luân ngụ ý nói đến định luật về Nghiệp (Karma) và vòng luân hồi bất tận.

Một điều cần nói thêm là Svastika không phải là biểu tượng riêng của Phật giáo mà là biểu tượng của rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Lại nữa Svastika, dấu chữ thập ngoặc của Hitler không liên quan gì đến chữ VẠN 卐 của Phật giáo mà chỉ liên quan đến Svastika của người Aryan. Khái niệm “Người Aryan” đã bị những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc quá khích biến tướng thành khái niệm “Chủng tộc Aryan”, cho rằng chủng tộc này là chủng tộc Đức hơn hẳn các chủng tộc khác.

Đến những năm 1920, chủ nghĩa Đức quốc xã đã nâng lý thuyết “Chủng tộc Aryan” lên đến mức cực kỳ phản động, coi “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng” có quyền thống trị thế giới. Và Hitler đã chọn Svastika xoay nghiêng tức “chữ thập ngoặc” làm biểu tượng của Đức quốc xã.

Nhưng thực ra, Svastika là một biểu tượng cổ, xưa nhất mà người ta đã sử dụng. Nó đã được tìm thấy trong các công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Byzantine – nền văn hóa thuộc khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải – kéo dài thừ thế kỷ thứ 7 trước CN đến tận thời Trung cổ. Dấu vết Svastika cũng còn tìm thấy trong các đền đài thuộc nền văn hóa Celtic, có xuất xứ từ Tây và Trung Âu khoảng 1.000 năm trước CN và đã ảnh hưởng khắp châu Âu.
Vì đã trải qua cả hàng ngàn năm, nên Svastika đã được biết đến ở khắp cả Âu và Á châu. Trong nghệ thuật của người Hindu, biểu tượng Svastika có các dấu chấm trong các cung góc  nhưng Svastika của Ấn giáo thì lại không có. Trong các kinh Phật viết bằng Hán tự, chữ 卐 VẠN cũng không có dấu chấm nhưng lại được ghi bằng hai biểu tượng khác nhau: Một biểu tượng ghi chữ 卐 xoay về bên phải và một biểu tượng ghi chữ VẠN 卍 xoay về bên trái.

Một số từ điển như Từ Hải, Từ nguyên, Chinese – English Dictionary (của Mathew, Thượng Hải – 1931), Japanese – English Buddhist Dictionary (Daito Shuppansha - 1965), A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (Đài Loan – 1962), Petit Larousse (Grand format – 2006), Phật học từ điển (của Đoàn Trung Còn, Sài Gòn – 1963)… đã ghi bằng biểu tượng 卍 nhưng một số từ điển khác như Thiều Chửu, Từ điển Phật học Hán Việt (Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Phân viện Nghiên cứu Phật học, Hà Nội – 1994) … lại ghi bằng biểu tượng 卐.

Trường hợp biểu tượng chữ VẠN 卐 xoay về bên phải có thể hiểu là tướng biểu thị sự tốt lành (cát tường), nó tượng trưng cho trí dũng. Trường hợp chữ VẠN 卍xoay về bên trái thì nó tượng trưng cho lòng từ bi của Đức Phật, chứ không ai lại lấy một biểu tượng có ý nghĩa xấu để tôn thờ bao giờ.

Trong sách 佛 學 群 疑 Phật học quần nghi (Đài Bắc – 1989), Hòa thượng 釋 聖 嚴 Thích Thánh Nghiêm có viết:
在 佛 教 不 論 右 旋 左 旋, 卍 字 均 係 用 來 表 徵 佛 的 智 慧 與 慈 悲 無 限. 旋 迴 表 是 示 佛 的 無 限 運 作,向 四 方 無 限 地 延 伸, 無 盡 地 展 現, 無 休 無 止 地 救 十 方 無 量 的 眾 生. 故 亦 無 須 執 著, 揣 摩 卍 字 形 相 的 表 現 是 右 旋 或 左 旋 了.
Tại Phật giáo bất luận hữu toàn tả toàn, 卍 tự quân hệ dụng lai biểu trưng Phật đích trí tuệ dữ từ bi vô hạn. Toàn hồi biểu thị thị Phật đích vô hạn vận tác, hướng tứ phương vô hạn địa duyên thân, vô tận địa triển hiện, vô hưu vô chỉ địa cứu thập phương vô lượng đích chúng sinh. Cố diệc vô tu chấp trứ, sủy ma 卍 tự hình tướng đích biểu hiện thị hữu toàn hoặc tả toàn liễu.
(Trong Phật giáo, không luận là xoay sang phải hay xoay sang trái, chữ VẠN luôn tượng trưng cho trí tuệ quang minh và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật. Xoay vòng tượng trưng cho Phật lực vận tác vô cùng, không ngừng không nghỉ, luôn cứu độ vô lượng chúng sinh trong mười phương. Cho nên không cần phải chấp nhất quá, thắc mắc hình chữ VẠN nên xoay sang phải hay xoay sang trái làm gì).
Chính vì lẽ đó mà ngày nay chữ VẠN được dùng theo cả hai hướng, phải cũng như trái ở trước ngực các tượng Phật và ở cách trang trí trong các chùa. Nếu chữ VẠN được đặt trên đỉnh mái thì khi nhìn từ bên ngoài vào sẽ là chữ 卐 xoay sang bên phải, nếu nhìn từ bên trong ra thì chữ 卍 lại xoay qua bên trái.

Quyển Từ điển Phật học Hán - Việt cho rằng chữ VẠN nếu để xoay sang bên trái là nhầm và trong quyển Phật học quần nghi Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm cũng cho rằng:
在 近 代, 右 旋 或 左 旋, 時 有 爭 論, 而 大 多 數 都 認 為 右 旋 是 對 的, 左 旋 是 錯 的.
Tại cận đại, hữu toàn hoặc tả toàn, thì hữu tranh luận, nhi đại đa số đô nhận vi hữu toàn thị đối đích, tả toàn thị thác đích.
(Thời đại gần đây, chữ VẠN xoay phải hay xoay trái, vẫn còn là vấn đề tranh luận, nhưng mà phần lớn ý kiến đều cho xoay phải là đúng còn xoay trái là nhầm).
Chúng tôi cho rằng chữ VẠN xoay sang phải hay xoay sang trái đều được cả như Từ điển Petit Larousse (Grand format – 2006) khi định nghĩa Croix gammée (Swastika) đã cho rằng: “Croix dont les quatre branches se terminent en forme de gamma majuscule (┌ ). Elles peuvent être orientées vers la droite ou la gauche”.
(Chữ thập mà bốn nhánh tận cùng theo hình chữ gamma hoa (┌ ) của Hy Lạp. Các nhánh ấy có thể xoay sang phải hay sang trái đều được cả).
Chúng tôi cho ý kiến ấy là dung hòa vì nếu có tranh luận cũng không có bằng cứ gì đủ thuyết phục để theo hẳn về một bên nào.

--------------
Cách viết nào đúng?
Trên ngực của các tượng Phật, hay trên những trang kinh sách Phật giáo, ta thường thấy có chữ VẠN. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy có hai lối viết khác hẳn: Một là “chữ vạn” hướng xoay theo chiều kim đồng hồ (lối viết A); hai là ”chữ vạn” xoay ngươc chiều kim đồng hồ (lối viết B).
Theo Huệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21 và kinh Hoa Nghiêm thì có 17 chỗ nói chữ Vạn viết xoay về phải. Trong các đồ cồ, các bệ Phật cổ, các tượng Phật cổ của Trung quốc, của Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, … cũng đều dùng lối viết A, tức xoay về phải (卐).
Ngôi tháp cổ ở vườn Lộc Dã được xây để kỉ niệm đức Phật nhập diệt cũng khắc chữ Vạn xoay về phải.
Ba bản Tạng kinh đời Tống, Nguyên, Minh, và Cao Ly Đại Tạng Kinh cũng đều dùng chữ Vạn xoay về phải.
Nhưng tín đồ Lạt Ma giáo, Ấn Độ giáo, và Bổng giáo thì lại dùng lối viết B , xoay về trái ( 卍)
Có những chùa tại Ấn Độ, và Trung Quốc hiện nay, trước hai cánh cửa chính, một bên thì vẽ kiểu A, một bên lại vẽ kiểu B! Và những hoa văn quanh bệ thờ, cũng xen kẽ lối viết A và B!
Như đã nói “Vạn” không phải là một chữ mà là một kí hiệu xuất hiện rất sớm, có thể là từ thời nguyên sơ từ khi con người mới tìm ra lửa.

Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết 1
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nó ở khắp mọi vùng trên trái đất, nhưng kí hiệu nầy đã không thống nhất (chỗ viết theo lối A, chỗ viết theo lối B).

Từ khi đức Phật ra đời, trên ngực đã có chữ “vạn”, biểu tượng tướng mạo phi phàm, có ý nghĩa là đại cát tường, phúc lộc viên mãn… Thế nhưng từ đó về sau, chữ vạn trong đạo Phật lại không thống nhất. Chúng ta hãy suy những điều sau đây, có thể hiểu được cách viết nào đúng:
- Xoay qua phải, là theo chiều hào quang của Phật phóng ra.
- Kí hiệu âm dương của vũ trụ thu nhỏ lại (xem biểu tượng “thái cực” của Lão giáo). “Chữ S” phân chia vòng thái cực xoay về phải.
- Sợi lông trắng (bạch hào) giữa hai lông mày của Phật uyển chuyển xoay sang phải.
- Trong các kinh điển cổ, phần lớn đều viết chữ Vạn xoay về bên phải.
- Trong các nghi thức sám, nhiễu Phật, nhiễu Pháp đều hướng về phải nhiễu hành. (đi theo chiều lim đồng hồ)
- Theo Tự Điển Hán Việt của Thiều Chữu năm 2008 trang 68, thì: “…. “VẠN” nguyên là hình tướng (kí hiệu - KTL) chứ không phải chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng nên theo cái hình xoay bên hữu thì phải hơn. Vì xem nhiễu phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở giữa hai lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu mới là tướng cát tường, có chỗ làm xoay về bên tả là lầm”.

Đã như thế thì không lý do gì mà không mạnh dạn viết xoay về bên phài, theo cách viết A.
Theo chúng tôi, trước kia người ta viết theo cách B, (xoay về trái: 卍) là lầm, sau thành thói quen. Gần đây các phật tử lại càng ngại viết theo cách viết A (xoay về phải 卐) vì nó trông giống như biểu tưởng của Đức Quốc Xã của Hít-Le!

Thực tế thì không giống nhau:
- Biểu tượng chữ VẠN của nhả Phật thì màu vàng, được vẽ thẳng góc, nội tiếp trong một hình vuông tưởng tượng. và được mọi người gọi là “chữ Vạn của Phật”. 
- Biểu tượng Phát xít của Hít-le là “chữ VẠN” màu đen, được vẽ xiên một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng, và được mọi người gọi là “chữ thập ngoặc” (croix brisée). Biểu tượng này có thể là hai chữ S chồng chéo lên nhau; viết tắt hai chữ State Social = Quốc Xã. 
Biểu tượng “VẠN” tượng trưng cho công đức và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật. Dù cho biểu tượng của Quốc Xã có giống biểu tượng của nhà Phật đi nữa (thực tế thì không giống), cũng chẳng làm người phật tử lo lắng: Tất cả đều do việc làm. Một đàng là từ bi hỉ xả, vô lượng công đức. Một đàng là khát máu, vô nhân tính. Phật là Phật, Ma là Ma. Hai thế giới rạch ròi không thể náo lầm lẫn.

Điều đáng nói là, trong thế giới Phật giáo, cần phải nghiên cứu cách viết nào đúng, để đưa ra một quyết định thống nhất cho mọi người tuân thủ. Không thể chấp nhận kiểu viết theo cảm tính; chùa này viết khác, chùa kia viết khác, điều làm cho người ta khó chịu là những tượng Phật cùng trong một chùa, lại có hai “chữ vạn” khác nhau.

Có chỗ viết theo mẫu (A), ngược chiều kim đồng hồ, có chỗ viết theo mẫu (B), thuận theo chiều kim đồng hồ, như hình vẽ trên. Từ đó có những lý luận cho rằng chữ VẠN của Phật giáo phải xoay hướng này thì đúng còn hướng kia thì sai.
Những nhà Phật học không thống nhất với nhau về chiều xoay của chữ VẠN, mỗi người nêu ra một cách. Xin lược kê ra sau đây:

1. Theo “Hán Việt Tự Điển” của Thiều Chửu thì cho rằng cái hình xoay về bên hữu chữ VẠN 卐 mẫu (A) là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật (đi vòng quanh Phật tỏ lòng tôn kính mến mộ), thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát tường.

2. Theo “Phật học Từ Điển” của Đoàn Trung Còn thì cho rằng chữ VẠN 卍 mẫu (B) mới đúng. “Đó là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự. Cần chú ý là không nên viết chữ VẠN ngược, vì các nhà học đạo cho là 4 cái đầu lửa, quay thuận chiều thì diệt sạch các phiền não, đem lại sự an lạc; mà quay nghịch chiều thì thiêu hủy các công đức, các thiện căn, thật rất nguy hại!”

Nhưng cả hai tác giả Thiều Chửu và Đoàn Trung Còn đều không giải thích được lý do tại sao chữ VẠN quay theo chiều này thì cát tường, quay theo chiều ngược lại thì nguy hại. Cả hai đều không nêu ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục.

3. Theo “Từ Điển Phật Học Hán Việt” của Giáo Hội PGVN Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học (chủ biên Kim Cương Tử) thì chữ VẠN có hình dáng là: VẠN 卐 mẫu (A). Đây là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, đều sử dụng… Chữ này là tướng chớ không phải là tự (không phải là chữ), vậy nên có thể dịch là: cát tường hải vân tướng, tức là vạn tướng. Vòng về bên phải tương tự như khi kính lễ Đức Phật ta vòng về bên phải ba vòng, hay tương tự như sợi lông trắng ở giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng về bên phải. Vòng về bên phải là tốt lành, cát tường.

4. Theo “Wikipedia, The Free Encyclopedia” thì chữ VẠN là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, vị trí trên ngực. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật. Chữ VẠN là phù hiệu, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái hay bên phải đều được.

5. Theo “Từ điển Phật học Việt Nam” của Hòa thượng Thích Minh Châu và Minh Chi (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991) thì cho rằng chữ VẠN là: “Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật. Là phù hiệu, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu này.”
Như vậy thì việc tranh cãi về chiều quay của chữ VẠN, chiều nào đúng, chiều nào sai, đều căn cứ trên những nhận thức riêng của mỗi người hay mỗi nhóm người, nhưng không có cơ sở nào đủ sức thuyết phục một cách tuyệt đối, cho nên chúng ta không thể kết luận một cách khách quan bên nào hoàn toàn đúng, bên nào hoàn toàn sai.

Chữ VẠN tượng trưng cho chân lý, và chân lý này chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí đứng nhìn mà thấy chân lý theo kiểu này, mang hình thức này; nếu đứng ở vị trí khác nhìn chân lý thì thấy chân lý theo kiểu khác với hình thức khác. Đừng nên nghĩ rằng, nếu chữ VẠN quay theo chiều nào đó thì nó tiêu hủy công đức. Cái công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hủy được. Ngoài ra không có điều gì bên ngoài khác mà thiêu hủy được công đức của ta. Chúng ta cứ để mặc cho chữ VẠN quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần bàn cãi. Chúng ta chỉ cần cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi đức càng nhiều càng tốt.

Tóm lại, đúng theo như lời một vị cao tăng đã nói: “Trong Phật giáo, không luận là xoay sang hữu hay xoay sang tả, chữ VẠN luôn tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ quang minh của đức Phật. Xoay vòng tượng trưng cho Phật lực vận tác vô cùng, không ngừng, không nghỉ, cứu độ vô lượng chúng sinh trong mười phương. Cho nên không cần phải chấp nhặt, thắc mắc hình chữ VẠN nên xoay qua phải hay qua trái”.

Dưới thời Pháp thuộc Bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám, một vị cư sĩ nổi danh thời trước, khi xây dựng chùa Từ Đàm có trạm hình chữ VẠN 卐 chân không trên cửa ra vào. Khi bị nhà cầm quyền Pháp cho rằng đây là hình chữ của Đức quốc Xã nên phải đổi theo phía tả 卍. Ai dè khi vào trong chùa ngó ra lại thấy chữ VẠN quay về phía hữu như trước 卐.

Tại chùa Linh Sơn thành phố Đà Lạt, Việt Nam, nếu các phật tử đi từ ngoài đường phố vào viếng chùa, leo lên từng bực thang, ngẩng nhìn lên tượng Phật Bà Quan Âm, thì sẽ nhìn thấy hình ảnh chữ VẠN 卐 mẫu (A) ở hai bên như trong bức ảnh dưới đây:
Nhưng nếu sau khi vào trong chánh điện lễ Phật xong lúc trở ra đi về mà ngó lên thì sẽ thấy hình ảnh chữ VẠN bị xoay ngược lại như sau 卍 theo mẫu (B).

Như thế hình chữ VẠN quay theo chiều 卐 (mẫu A) hay quay theo chiều 卍 (mẫu B) thì đó chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ VẠN mà thôi.
Một ký hiệu chỉ đơn thuần là một ký hiệu. Chính cái dụng ý, cái tâm của con người khiến nó khác biệt. Tương tự như một lưỡi dao trong tay vị y sĩ thời là dụng cụ giải phẫu để cứu được sinh mạng. Nếu nằm trong tay một kẻ gian ác thời có thể trở thành một hung khí giết người của kẻ phạm tội.

Tuy nhiên điều đáng nói là, trong thế giới Phật giáo, cần phải nghiên cứu xem cách viết nào hợp lý, để đưa ra một quyết định, một sự thống nhất chung, cho mọi người tuân thủ ngõ hầu tạo tính thuần nhất về những biểu tượng đặc thù của Phật giáo. Không thể chấp nhận kiểu viết theo cảm tính; chùa này viết khác, chùa kia viết khác, và nhất là những tượng Phật cùng trong một chùa, lại có hai “chữ VẠN” xoay 2 chiều khác nhau.

Trước đệ nhị thế chiến có Adolf Hitler sinh năm 1889 tại Áo quốc gần biên giới nước Đức. Nhà độc tài Phát xít Hitler cũng dùng phù hiệu chữ VẠN này cho Đảng áo nâu của mình. Vì nuôi tham vọng thống trị cả thế giới qua chiêu bài Phát xít Đức, Ý, Nhật nên đã chọn chữ VẠN như là biểu tượng của đảng Đức Quốc xã. Chính chữ VẠN này đã được bác sĩ Fridrich Krohn phác họa.

Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết 2
Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết 3
Biểu tượng Phát xít của Hitler là “chữ VẠN” màu đen, thường được vẽ nghiêng một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng, và được mọi người gọi là “dấu thập ngoặc” (croix brisée). Đó là viết tắt của hai chữ S (State: Quốc gia) và S (Social: Xã hội). Chữ VẠN màu đen, tượng trưng cho sự tăm tối và chết chóc.

Tuy thế người ta cũng thấy có lúc chữ VẠN của Hitler không nghiêng một góc 45 độ mà lại giống y hệt như hình chữ VẠN 卐 mẫu (A) đã nêu ở trên.

Trong một PPS có tiêu đề là 24 “VIEILLES” PHOTOS JAMAIS VUES (24 tấm ảnh xưa cũ chưa từng thấy) có một tấm ảnh như dưới đây và được ghi chú là: “Une ligue de femmes allemandes dansant à Nuremberg 1938” (Một hiệp hội phụ nữ Đức đang múa ở Nuremberg vào năm 1938):
Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết 4
Như thế ngoài những hình ảnh chữ VẠN được Đức Quốc Xã xoay nghiêng 45 độ, ngay trên nóc toà nhà lớn dùng làm khán đài chính người ta cũng thấy dựng ngay hình chữ VẠN 卐 mẫu (A) không xoay nghiêng.

Chữ VẠN trong Phật giáo: Xuất xứ, ý nghĩa và cách viết 5
Vậy trở lại vấn đề về chữ VẠN, có lẽ không cần bàn cãi thêm là xoay chiều này hay chiều kia mới là “đúng” hay “sai” nữa. Chỉ cần nhấn mạnh đến 2 điểm:

1. Một là cần sự thống nhất chung ngõ hầu tạo tính thuần nhất.
2. Hai là tránh sự liên tưởng xấu xa và có thể gây hiểu lầm với chữ VẠN của Hitler.

Chúng tôi mạo muội đưa ra một đề nghị là nên thống nhất theo chữ VẠN 卍 mẫu (B) ở trên. Cái nhìn vào chữ VẠN khi đó sẽ không khác biệt nếu điêu khắc trên ngực các pho tượng Phật, minh họa trên các tranh ảnh và tài liệu báo chí, sách vở in ấn. Trong các trường hợp khác thì không nên để “trống không” sau hình chữ VẠN này mà nên luôn để một vật che chắn làm nền sau lưng chữ VẠN như thế thì tránh sự hiểu lầm cho người đứng phía sau.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Chỉnh sửa bài viết

Đăng nhận xét

[blogger] [facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.